Một số ý kiến về tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Thứ Năm, 05/11/2015, 21:20
Các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia là cơ sở kinh tế - kỹ thuật thuộc kết cấu hạ tầng có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và nâng cao đời sống nhân dân.


Việc phá hủy các công trình, phương tiện quan trọng này không chỉ xâm phạm trật tự, an toàn công cộng, tài sản của Nhà nước, tính mạng, sức khỏe của nhân dân mà còn làm suy yếu khả năng phòng thủ của đất nước hoặc trực tiếp tác động đến sự tồn vong của chế độ. 

Do tính chất đặc biệt của công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, nên phải tiến hành các biện pháp bảo vệ tuyệt đối an toàn quá trình khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý và sử dụng theo quy định tại Pháp lệnh bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia năm 2007, Nghị định số 126/2008/NĐ-CP, ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết Pháp lệnh bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan.

Từ năm 2000 đến nay, Cơ quan An ninh điều tra các cấp đã khởi tố, điều tra 1.831 vụ án với 3.983 bị can về tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Thực tiễn đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này cho thấy, chế tài được quy định tại khoản 2 Điều 231 Bộ luật Hình sự năm 1999 (Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Có tổ chức; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; c) Tái phạm nguy hiểm) là hoàn toàn phù hợp, đủ mạnh để trừng trị tội phạm và răn đe, phòng ngừa chung, hạn chế đến mức thấp nhất nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.

Vì vậy, chúng tôi không đồng tình với quy định tại khoản 2 Điều 313 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) về tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân:

a) Có tổ chức;

b) Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động;

c) Làm chết ba người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 05 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của tám người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của tất cả những người này từ 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 1.500.000.000 đồng trở lên hoặc gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế- xã hội;

d) Tái phạm nguy hiểm”.

Việc bỏ hình phạt tử hình trong những trường hợp nêu trên là rất vô lý, bởi lẽ Điều 123 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)  về tội giết người quy định: “Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau, người không có khả năng tự vệ...”. Chẳng lẽ làm chết ba người trở lên và gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về chính trị, kinh tế, xã hội mà chỉ bị hình phạt cao nhất là chung thân, trong khi phạm tội giết nhiều người thì hình phạt cao nhất là tử hình?

Để bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung đối với tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, chúng tôi đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 313 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), như sau: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Có tổ chức;

b) Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động;

c) Làm chết ba người trở lên...”.

Lê Hưng
.
.
.