Không ai bị bỏ lại phía sau

Thứ Sáu, 01/05/2020, 10:25
Thường niên, người lao động toàn thế giới chờ đợi dịp 1-5 để nghỉ ngơi sau chuỗi ngày nhộn nhịp lao động. Nhưng đại dịch COVID-19 khiến kỳ nghỉ đến sớm và kéo dài bất đắc dĩ, công nhân nhiều lĩnh vực tại nhiều quốc gia đã nghỉ việc từ đầu năm 2020 tới nay.


Nghỉ lễ Quốc tế Lao động trong bối cảnh thế giới khốn đốn với đại dịch, đó cũng là lúc người lao động nhìn nhận lại một cách đầy đủ, thiết thực hơn về giá trị của sức lao động và quyền lợi họ được hưởng, sự ứng phó của các quốc gia. 

Tới nay, hầu hết mọi quốc gia đang phải trải qua một thời kỳ thực sự khó khăn do cả thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng được đánh giá là nghiêm trọng chưa từng có, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ II. Với các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội đang được áp dụng theo những hình thức khác nhau, khủng hoảng y tế toàn cầu đang nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trên toàn thế giới.

Báo CAND đưa 16 tấn gạo nghĩa tình đến với người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), các biện pháp phong tỏa một phần hoặc toàn diện đã ảnh hưởng tới 2,7 tỷ người lao động, tức 81% lực lượng lao động toàn cầu. Bản báo cáo nhanh mới được ILO công bố cho thấy số giờ làm việc trên thế giới sẽ giảm 6,7% trong quý II năm nay. Khoảng 38% lực lượng lao động toàn cầu làm việc trong các lĩnh vực hiện đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng, đi kèm với những nguy cơ cao phải sa thải lao động, giảm lương và giờ làm.

Hiển nhiên, kinh tế Việt Nam không ngoài vòng xoáy của đại dịch COVID-19. Theo Tổng cục Thống kê, tình hình lao động, việc làm chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nướcquý I/2020 ước tính là 55,3 triệu người, giảm 673,1 nghìn người so với quý trước và giảm 144,2 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019 do thị trường lao động giảm ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước và ở các ngành, nghề lao động. Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước ước tính 2,02%.

Dẫu vậy, sự ổn định của nền kinh tế và sự điều hành linh hoạt của Chính phủ đã hạn chế thấp nhất tác động của đại dịch, nhất là ảnh hưởng của nó với người lao động. TS Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam đã giải đáp một số câu hỏi về đại dịch COVID-19 với vấn đề lao động việc làm.

Trong đó, ông nhấn mạnh: “Tôi đánh giá cao việc Việt Nam đã bắt đầu đưa ra và triển khai các gói chính sách kích thích nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập. Chắc chắn có những lĩnh vực có thể làm tốt hơn. Nhưng tôi tin rằng gói hỗ trợ thông qua Nghị quyết mới của Chính phủ nhìn chung phù hợp với những khuyến nghị ILO đã đưa ra ở cấp độ toàn cầu đối với các phản ứng chính sách trên diện rộng và đồng bộ để đối phó với COVID-19 bao gồm: 1) kích thích nền kinh tế và việc làm, 2) hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập, và 3) bảo vệ người lao động tại nơi làm việc”. 

Khởi nguyên của ngày 1-5 cũng chính bởi phong trào đấu tranh của công nhân đòi hai quyền lợi cốt lõi: giờ nghỉ ngơi và lương thưởng. Giảm giờ làm, tăng thu nhập, đó là đích hướng đến của người lao động và nhìn suốt chiều dài lịch sử, cả hai điều này đều biến chuyển theo hướng tích cực ở các quốc gia. Với Việt Nam, lợi quyền đó cũng thay đổi nhanh chóng qua các thời kỳ, kể từ sau đổi mới. Nếu như GDP bình quân đầu người năm 1991 là 188 USD, Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới thì năm 2011 là 1.260 USD, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp) của thế giới, năm 2016 là 2.050 USD, bằng 10,9 lần năm 1991.

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng năm 2019 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng. Trong năm 2019, cả nước có 68,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 34,7% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 278 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 33,8%. Đó là sự khởi sắc, thành quả vượt bậc mà vài thập niên trước chúng ta khó có thể hình dung. Tuy nhiên, chúng ta bước thì thế giới cũng bước, thậm chí chúng ta chỉ bước trong khi nhiều người đang chạy.

Điều đó đặt ra thách thức tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn hiện hữu. Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội tại kỳ họp thứ 8-Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hoàng Quang Hàm, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội lo ngại nền kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Cách đây 30 năm,GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000 USD và khoảng cách này vẫn tăng qua các năm. “Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới song đó là những bước ngắn nên vẫn tụt hậu so với nhiều nước dù bước chậm nhưng họ lại đi được những bước dài hơn” - đại biểu so sánh. 

Trong tương lai, kịch bản nào sẽ đến với nền kinh tế và người lao động? Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ KH&ĐT xây dựng  kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, với nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025; kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định, lạm phát ở mức 3,5-4,5%/năm. Năng suất lao động cải thiện hơn với tốc độ tăng khoảng 6,3%/năm. Và với kết quả tăng trưởng này, đến năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 4.688 USD, đưa Việt Nam gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống COVID-19”, thông điệp của Chính phủ cho thấy rõ tính ưu việt, nhân văn của thể chế. Quan điểm “không bị bỏ lại phía sau” không phải xét ở khoảng cách giàu nghèo, thu nhập giữa nhóm này với nhóm kia mà cốt lõi là sự quan tâm của Nhà nước đối với người lao động, người nghèo – những đối tượng dễ bị tổn thương trong lúc khó khăn, thách thức.

Việc Chính phủ chi gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng hiện nay là một minh chứng cho thấy sự ứng phó kịp thời của Nhà nước, hiện thực hóa thông điệp trên.

Đăng Minh
.
.
.