Khó cải cách tiền lương vì chưa tinh giản được biên chế

Thứ Sáu, 13/11/2015, 10:15
Cải cách chế độ tiền lương thực hiện rất khó khăn, do ngân sách hạn hẹp và lượng người hưởng lương quá đông. Trong khi đó, việc tinh giản biên chế được triển khai chậm chạp.

Lương cơ sở thấp, mới bằng 45% lương tối thiểu vùng, dẫn đến đời sống của những người hưởng lương từ ngân sách còn khó khăn. Tuy nhiên, cải cách chế độ tiền lương thực hiện rất khó khăn, do ngân sách hạn hẹp và lượng người hưởng lương quá đông. Trong khi đó, việc tinh giản biên chế được triển khai chậm chạp. Đây là những nội dung được Bộ Nội vụ đề cập đến trong báo cáo chất vấn nhiệm kỳ 5 năm gửi Quốc hội.

Bộ Nội vụ cho biết, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2015 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức cấp xã) là 277.055 người, giảm 4.659 biên chế công chức so với năm 2014 (bỏ biên chế công chức dự phòng). 

Mức cơ sở hiện hành 1.150.000 đồng/tháng (thực hiện từ 1/7/2013) mới đạt 44,2% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2015 của khu vực doanh nghiệp (2.600.000 đồng/tháng); dẫn đến các mức lương ngạch, bậc, chức vụ thấp. Tính cả 25% phụ cấp công vụ thì mức tiền lương của người tốt nghiệp đại học hết tập sự khoảng 3,58 triệu đồng/tháng, Bộ trưởng khoảng 14,4 triệu đồng/tháng. Theo đó, đời sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn. 

Do mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ còn thấp, nên các cơ quan có thẩm quyền đã mở rộng đối tượng áp dụng các chế độ phụ cấp đặc thù ngành nghề, đã làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành nghề. Tuy lương thấp, nhưng cải cách tiền lương gặp nhiều khó khăn, do gánh nặng với ngân sách quá lớn. Đối tượng hưởng lương và trợ cấp hàng tháng (gắn với tiền lương) từ ngân sách nhà nước rất lớn khoảng 7 triệu người, chưa bao gồm Quân đội và Công an.

Bộ máy hành chính được nhận định là còn cồng kềnh, nhưng nhiều địa phương vẫn kêu thiếu biên chế. Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Trong khi đó, việc tinh giản biên chế được thực hiện chậm. Theo báo cáo của các Bộ, ngành và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tính đến ngày 30/6/2014, một số địa phương vẫn có tình trạng tự quyết định và sử dụng vượt chỉ tiêu biên chế công chức được giao. Tình trạng Hội đồng nhân dân của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự quyết định biên chế cao hơn số biên chế cán bộ, công chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao là chưa đúng với quy định tại Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Về tinh giản biên chế mới chỉ dừng lại ở việc “đa số Bộ, ngành, địa phương đang tổ chức tập huấn quán triệt và triển khai xây dựng kế hoạch”. 

Tính đến 25/9, đã có 8 Bộ, ngành và 13 địa phương thực hiện tinh giản biên chế năm 2015, với số lượng 1.307 người, trong đó 1.118 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, 185 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 1 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học, 2 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách.

Một số tồn tại, hạn chế, chưa có chuyển biến được đề cập đến là tình trạng quy định về tổ chức bộ máy, biên chế trong các văn bản pháp luật chuyên ngành khác không phải là văn bản pháp luật chuyên ngành về tổ chức nhà nước. Số lượng cấp phó trong các cơ quan hành chính nhà nước còn vượt so với quy định. Một số địa phương tự quyết định tăng biên chế không đúng thẩm quyền và sử dụng vượt chỉ tiêu biên chế công chức được giao, nhưng đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định việc xử lý các sai phạm này.

Nam Phương
.
.
.