Hỗ trợ vay vốn cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung đi xuất khẩu lao động

Chủ Nhật, 28/08/2016, 10:39
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang trình Chính phủ đề án “Xác định thiệt hại, hỗ trợ khắc phục hậu quả và chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế”, trong đó có các giải pháp hỗ trợ ngư dân ở các tỉnh này đi xuất khẩu lao động.

Chuyên mục trò chuyện Chủ nhật tuần này, PV có cuộc trao đổi với ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) về vấn đề đang được dư luận quan tâm này. Bên cạnh đó, ông Phạm Viết Hương cũng thông tin thêm về những vấn đề liên quan đến kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 11 chuẩn bị được tổ chức tới đây.

PV: Theo thông tin của Cục Quản lý lao động ngoài nước, kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 11 tới đây sẽ có 2.100 người được lựa chọn để đi làm việc tại Hàn Quốc. Những đối tượng nào sẽ đáp ứng được điều kiện tham gia, thưa ông?

Ông Phạm Viết Hương: Theo thông báo về kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 11 năm 2016 dành cho người lao động có nguyện vọng đăng ký đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, người lao động cần thuộc các nhóm đối tượng và cần đáp ứng những điều kiện sau: Về đối tượng dự thi là những người đang cư trú dài hạn (thời gian cư trú tối thiểu là 1 năm tính đến ngày đăng ký thi tiếng Hàn) tại các địa phương không bị tạm dừng tuyển chọn.

ông Phạm Viết Hương.

Những người đã từng làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS về nước đúng thời hạn hợp đồng. Những người đã từng làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS và ở lại cư trú bất hợp pháp nhưng đã tự nguyện về nước trong thời gian từ ngày 1-4-2016 đến ngày đăng ký dự thi.

Về điều kiện dự thi: Tuổi từ 18 – 39 (có ngày sinh từ 17-8-1976 đến 16-8-1998); có đủ sức khỏe đi làm việc tại nước ngoài theo quy định, trong đó lưu ý tới 4 bệnh truyền nhiễm, gồm: Viêm gan B, lao phổi, giang mai và HIV; không có tiền án, tiền sự theo quy định của pháp luật; không thuộc diện bị cấm xuất cảnh Việt Nam hoặc bị cấm nhập cảnh Hàn Quốc; không phải là lao động có hộ khẩu thường trú tại 44 quận/huyện bị tạm dừng tuyển chọn trong năm 2016 theo thông báo của Bộ LĐ-TB&XH (trừ trường hợp lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước trong khoảng thời gian từ 1-4 đến ngày đăng ký dự thi); không có người thân (bố/mẹ/con đẻ; anh/chị/em ruột; vợ/chồng) đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

PV: Một trong những vấn đề lớn đối với thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc là tình trạng lao động bỏ trốn. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã triển khai những biện pháp gì để giảm thiểu tình trạng này?

Ông Phạm Viết Hương: Trước tình trạng lao động Việt Nam cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao, trong những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã cùng với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện quyết liệt nhiều chính sách, giải pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, bao gồm: Thực hiện chính sách ký quỹ đối với lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

Theo đó, lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS phải thực hiện ký quỹ 100 triệu đồng tại ngân hàng chính sách xã hội tại địa phương nơi người lao động cư trú. Sau khi người lao động hoàn thành hợp đồng và trở về nước đúng thời hạn, người lao động sẽ được nhận lại số tiền ký quỹ cả gốc và lãi.

Nếu người lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, ở lại cư trú và làm việc trái phép tại Hàn Quốc thì tiền ký quỹ (gồm cả gốc và lãi) không phải hoàn trả cho người lao động và được chuyển vào Quỹ giải quyết việc làm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và các hoạt động nhằm đẩy mạnh xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm tại địa phương.

Bên cạnh đó còn có các biện pháp như: xử phạt vi phạm hành chính 80- 100 triệu đồng và áp dụng với tất cả các đối tượng lao động bất hợp pháp (Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013 và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7-10-2015); đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn và kêu gọi những lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước; tăng cường công tác quản lý lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc...

PV:  Như vậy các địa phương có tỷ lệ lao động ở Hàn Quốc bỏ trốn cao sẽ không được lựa chọn ở kỳ thi lần này cũng là một trong những biện pháp để hạn chế lao động bỏ trốn. Cụ thể việc này là như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Viết Hương: Tại Bản ghi nhớ ký giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc ngày 17-5-2016, hai bên đã thống nhất kế hoạch và lộ trình giảm tình trạng lao động Việt Nam cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong đó có biện pháp tạm thời chưa tuyển chọn người lao động ở một số địa phương có số lao động cư trú bất hợp pháp cao.

Thực hiện thỏa thuận trên, vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã rà soát lại các địa phương trong cả nước có số lao động cư trú bất hợp pháp cao và công bố danh sách 44 quận/huyện có số lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2016.

PV: Theo thông báo của Bộ LĐ-TB&XH, ngư dân thuộc 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng môi trường, dù có tên trong danh sách, lao động có mong muốn được đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc lần này vẫn được dự thi phải không, thưa ông?

Ông Phạm Viết Hương: Trong danh sách 44 quận/huyện bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2016 có các quận/huyện của 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế). Tuy nhiên, để hỗ trợ các tỉnh này, Bộ LĐ-TB&XH không áp dụng việc tạm dừng tuyển chọn lao động ngành ngư nghiệp trong năm 2016 đối với các huyện ven biển thuộc 4 tỉnh nêu trên.

Do vậy, người lao động thuộc các huyện ven biển của 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường vẫn được đăng ký tham gia kỳ thi tiếng Hàn để đi làm việc tại Hàn Quốc trong ngành ngư nghiệp, dự kiến được tổ chức vào tháng 11-2016 tới.

PV: Giải quyết công ăn việc làm cho ngư dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng môi trường đang là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Các giải pháp được Bộ LĐ-TB&XH tính đến, trong đó có việc xuất khẩu lao động. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã triển khai vấn đề này như thế nào? Ông có thể cho biết, nếu phương án này được triển khai rộng rãi, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ có những cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ ngư dân các tỉnh này?

Ông Phạm Viết Hương: Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, hỗ trợ khắc phục hậu quả và chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế”, trong đó có các giải pháp hỗ trợ người lao động các tỉnh trên tham gia đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ chi phí đào tạo, chi phí làm các thủ tục giấy tờ, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng xây dựng các phương án ưu tiên tuyển chọn lao động của các tỉnh này đi làm việc ở nước ngoài, như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…

Đối với chương trình đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, Bộ LĐ-TB&XH ưu tiên tuyển chọn lao động ngành ngư nghiệp tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường.

Ngoài ra, lao động tại 4 tỉnh này nếu có nguyện vọng sẽ được ưu tiên tuyển chọn đi làm việc tại các thị trường đang có nhu cầu tuyển dụng lao động khai thác, đánh bắt thủy hải sản, và những công việc khác phù hợp với khả năng của lao động tại các vùng này.

Đối với thị trường Nhật Bản, Bộ đã cân nhắc việc bổ sung thêm 200 chỉ tiêu tuyển chọn thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan cho 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, mỗi tỉnh 50 người.

PV: Chuẩn bị tới kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 11. Cục Quản lý lao động ngoài nước có khuyến cáo gì cho những người có mong muốn đi lao động ở Hàn Quốc tránh được hiện tượng lừa đảo?

Ông Phạm Viết Hương: Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý nôn nóng muốn đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS của người lao động nên một số tổ chức, cá nhân không có chức năng đào tạo tiếng Hàn và đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc vẫn quảng cáo, mạo danh hoặc tự nhận có chức năng để thu tiền, hứa hẹn giúp đỡ người lao động thi đỗ trong kỳ thi tiếng Hàn, thậm chí cam kết lo được cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

Vì vậy, để tránh tình trạng người lao động bị lừa đảo, mất tiền ngoài quy định, Cục Quản lý lao động ngoài nước thông tin, khuyến cáo người lao động như sau:

Đối với việc thi tiếng Hàn theo Chương trình EPS, Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Hàn Quốc) là cơ quan chịu trách nhiệm ra đề thi, quản lý đề thi, bài thi và chấm thi. Không một cá nhân, tổ chức nào có thể can thiệp, giúp đỡ hoặc hỗ trợ người lao động trong việc thi tiếng Hàn cũng như sang Hàn Quốc làm việc.

Trung tâm Lao động ngoài nước (địa chỉ: số 1, Trịnh Hoài Đức, Ba Đình, Hà Nội) là đơn vị đầu mối duy nhất được Bộ LĐ-TB&XH giao phối hợp với HRD Hàn Quốc tổ chức các kỳ thi tiếng Hàn năm 2016 và đưa người lao động đi Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS.

Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ thông báo cho Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về điều kiện, thủ tục, việc tiếp nhận đăng ký, hồ sơ dự thi tiếng Hàn trước mỗi kỳ thi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phan Hoạt (thực hiện)
.
.
.