Hỗ trợ Việt Nam chống tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em

Thứ Năm, 02/06/2016, 08:09
Lạm dụng tình dục trẻ em là loại tội phạm gây nhiều tổn thương về thể chất và tâm lý với cộng đồng, đặc biệt đối với trẻ em. Đấu tranh chống tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em cũng là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên trong trao đổi thông tin của cảnh sát khu vực châu Á-Thái Bình Dương và chương trình nghị sự thực thi luật pháp trên toàn cầu.

Nhân dịp chương trình đào tạo quản lý thực thi luật pháp khu vực châu Á lần thứ 40 (ARLEMP) khai giảng tại Hà Nội hôm 31-5, phóng viên Báo Công an nhân dân đã có cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề này với Thiếu tướng – Cục trưởng Frans Heeres của Cảnh sát quốc gia Hà Lan và Thiếu tướng Glen McEwen– Cục trưởng Cục Đấu tranh chống tội phạm trên cơ sở nạn nhân, phụ trách điều tra về tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em xuyên quốc gia của Cảnh sát Liên bang Australia (AFP).

PV: Vấn đề xâm hại tình dục trẻ em xuyên quốc gia đã và đang gây bức xức không chỉ ở riêng nước nào? Các ngài có thể cho biết đánh giá của mình về thực trạng này?

Thiếu tướng Glen McEwen: Tôi thật sự thấy buồn và lo lắng khi thấy trong xã hội có nhiều kẻ vô nhân tính, lạm dụng tình dục trẻ em. Hiện tượng này đang trở nên đáng báo động và cần phải có nỗ lực chung của toàn xã hội cũng như các cơ quan thực thi pháp luật.

Thiếu tướng Frans Heeres của Cảnh sát quốc gia Hà Lan và Thiếu tướng Glen McEwen thuộc Cảnh sát liên bang Australia (AFP) trả lời phỏng vấn nhân dịp khai giảng khóa học ARLEMP.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất của tội phạm xuyên quốc gia là lạm dụng tình dục trẻ em, cả qua mạng Internet lẫn thông qua việc sản xuất, truy cập và phát tán các ấn phẩm lạm dụng tình dục trẻ em và cả việc lạm dụng tình dục trẻ em bằng con đường du lịch.

Bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta. Khi tội phạm không còn biên giới thì việc trao đổi thông tin và hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát trên toàn thế giới là điều quan trọng nhất để có thể tiêu diệt chúng.

PV: Vậy khó khăn mà cảnh sát các nước trong khu vực gặp phải khi chống chọi với loại tội phạm này là gì?

Thiếu tướng Frans Heeres: Lạm dụng tình dục trẻ em không chỉ xảy ra với trẻ em gái mà còn xảy ra với trẻ em trai. Chúng ta cần chấm dứt hoặc ít ra là giảm thiểu tình trạng phạm tội này và không có sự phân biệt tội phạm xảy ra đối với trẻ em trai hay gái.

Như Thiếu tướng Glen McEwen đã nói, loại tội phạm này là những kẻ hay di chuyển nên việc hợp tác giữa các nước là rất quan trọng. Riêng ở Hà Lan chúng tôi, không chỉ có du khách nước ngoài mà rất nhiều tội phạm lạm dụng tình trẻ em trên Internet.

Do vậy cần can thiệp, xử lý những trang web đen, đồi trụy, làm cho ngôi nhà chung của chúng ta trở nên an toàn hơn. Bối cảnh và quy định luật pháp của các nước khác nhau. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về múi giờ cũng tác động đến việc chia sẻ thông tin giữa các nước.

Vì vậy, tôi nghĩ, các cơ quan thực thi pháp luật của các nước cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Bên cạnh đó, chính phủ nào cũng cần có thêm nhiều sáng kiến trong việc đấu tranh đẩy lùi loại tội phạm này.

PV: Đến nay, Australia và Hà Lan đã hợp tác như thế nào với các cơ quan thực thi pháp luật, trong đó có Việt Nam để trấn áp loại tội phạm này?

Thiếu tướng Glen McEwen: Australia và Hà Lan đều có cơ quan đại diện ở mỗi nước về chống tội phạm để hai bên có thể hợp tác chặt chẽ, trao đổi thông tin ngay lập tức.

Chúng tôi có truyền thống hợp tác từ lâu, có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh phòng chống tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em. Hiện chúng tôi đang tập trung làm việc nhiều hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi mà tỷ lệ lạm dụng tình dục trẻ em, cả qua mạng thông qua việc sản xuất, truy cập và phát tán ấn phẩm lạm dụng tình dục trẻ em, và qua việc lạm dụng bởi các đối tượng chuyên lạm dụng tình dục trẻ em bằng cách đi du lịch ngày càng gia tăng.

Riêng với Việt Nam, chúng tôi đã mở 2 văn phòng của Cảnh sát Liên bang Australia ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các cơ quan của hai nước chúng ta đã hợp tác chặt chẽ trong rất nhiều vụ việc.

Thiếu tướng Frans Heeres: Hà Lan có 150 chuyên gia chuyên về lĩnh vực này và họ làm việc liên tục để chống loại tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em trên toàn thế giới. Họ làm việc qua mạng Internet, điều tra, thu thập chứng cứ.

Nếu tội phạm xảy ra ở nước chúng tôi mà có liên quan đến người nước ngoài thì chúng tôi sẽ nhanh chóng đưa thông tin đến cho nước có liên quan và tiến hành bắt giữ đối tượng trong thời gian sớm nhất có thể. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ với lực lượng thực thi pháp luật ở Việt Nam.

3 năm trước, chúng tôi đã khởi đầu hợp tác bằng việc tham dự ARLEMP, chia sẻ thông tin với các nước thành viên, mang đến Việt Nam các chuyên gia hàng đầu của Hà Lan và châu Âu, giới thiệu kỹ thuật và các biện pháp mới…

Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng cần phải phối hợp mạnh hơn, mở rộng liên kết với nhiều tổ chức khác, kể cả các tổ chức phi chính phủ. Như vậy, chúng ta mới vững mạnh và đánh đuổi được loại tội phạm này.

PV: Đối với trẻ em, để không trở thành nạn nhân của các vụ việc xâm hại tình dục, các em và cả gia đình các em cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng gì?   

Thiếu tướng Glen McEwen: Tôi nghĩ rằng, đây không phải là vấn đề của riêng nhà trường. Ngay tại bữa tối, các gia đình cần có thảo luận những vấn đề có thể xảy ra với trẻ em. Có thể hỏi tài liệu gì con đã đọc trên mạng, ai mà con đã nói chuyện cùng…

Cần khuyến khích trẻ em nói đã nói chuyện với ai trên mạng bởi loại tội phạm này chú ý đến việc lôi cuốn trẻ em. Chúng ta cũng cần nói với trẻ em về những vấn đề không trung thực trên mạng Internet, những câu chuyện về nạn nhân bị lừa. Chúng ta phải nâng cao hiểu biết, ý thức của trẻ em bởi tội phạm có thể là bất cứ ai, kể cả những người mà các em quen biết.

Thiếu tướng Frans Heeres: Chúng ta không được thờ ơ với vấn đề này, cần phải hành động ngay để ngăn ngừa những điều xấu có thể xảy ra với trẻ em. Hãy gọi ngay cho cảnh sát hoặc bác sĩ địa phương để thông báo những dấu hiệu khả nghi mà bạn nhìn thấy. Việc làm tổn thương một đứa trẻ có thể dẫn đến nguy cơ khiến chúng trở thành tội phạm trong tương lai.

H.Chi – V.Linh (ghi)
.
.
.