Dự án Luật An ninh mạng đã được chỉnh lý, cân nhắc kỹ lưỡng

Thứ Ba, 12/06/2018, 07:53
Xác định không gian mạng là lĩnh vực mới, tác động sâu rộng vào mọi mặt đời sống xã hội, dự thảo luật đã được chuẩn bị và xây dựng kỹ lưỡng, xin ý kiến các cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân, trải qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, giải trình, để giải quyết cơ bản những vấn đề đặt ra cho công tác bảo đảm an ninh mạng trong tình hình hiện nay.


Việc xây dựng và ban hành Luật An ninh mạng xuất phát từ yêu cầu cấp thiết về tình hình an ninh mạng trong nước và yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bí mật Nhà nước, trật tự an toàn xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Hiến pháp...

Tuy nhiên, một số phần tử chống đối lo sợ sẽ bị tước bỏ điều kiện hoạt động và bị pháp luật xử lý bởi nội dung các hành vi bị cấm được quy định tại dự thảo Luật An ninh mạng đã có âm mưu tác động, tuyên truyền hướng lái dư luận, chống phá, cản trở dự thảo Luật An ninh mạng thông qua bằng các hoạt động cụ thể trước và trong khi diễn ra kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. 

Một trong số đó phải kể đến việc các đối tượng tập trung đăng tải thông tin lên mạng xã hội, các trang mạng có nội dung xấu, độc, tập trung tuyên truyền, xuyên tạc, cho rằng: “đây là luật chống lại loài người”, “nhằm bịt miệng dân chủ”, “đàn áp người bất đồng chính kiến”..., kích động, kêu gọi báo chí, những cá nhân, doanh nghiệp công nghệ thông tin phản ứng về dự luật, kêu gọi các vị đại biểu Quốc hội không bấm nút thông qua...

Một số báo chí trong nước đăng tải bài viết bình luận, phân tích về nội dung dự thảo Luật An ninh mạng chưa phù hợp, chưa đúng sự thật, số liệu chưa chính xác, cụ thể như “rào cản kinh doanh”, “tăng chi phí cho doanh nghiệp”, “giấy phép con”, trích dẫn các số liệu mang tính dự báo từ 2014 để chứng minh khả năng sụt giảm GDP và giảm thu hút đầu tư nước ngoài nếu dự thảo Luật An ninh mạng được thông qua, điển hình là bài viết của ông Nguyễn Quang Đồng (Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển Truyền thông (ISP) trực thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam).

Bảo mật dữ liệu cá nhân.

Các bài viết này, ít nhiều tạo dư luận không đúng đắn về dự thảo Luật An ninh mạng. Đáng chú ý, mới đây, xuất hiện “Thư kiến nghị về Luật An ninh mạng” được đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng trong nước đứng tên các đồng chí lãnh đạo lão thành ký chuyển đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội nhằm kiến nghị Quốc hội về dự thảo Luật An ninh mạng như việc giả mạo đồng chí Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an) đứng tên “Thư kiến nghị về Luật An ninh mạng”, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của đồng chí.

Dự thảo Luật An ninh mạng được xây dựng từ cuối năm 2016 trên cơ sở Nghị quyết số 22/2016/QH14 của Quốc hội khóa XIV về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, giao Bộ Công an là cơ quan soạn thảo. Dự thảo đáp ứng các yêu cầu cấp bách của tình hình an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội như phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, bạo lực phá rối an ninh trật tự. Phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các hoạt động tấn công mạng, khủng bố mạng, chống chiến tranh mạng. Cùng với đó là bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và áp dụng các biện pháp cần thiết, tương xứng...

Một điểm nhấn nữa là thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng; bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc...

Xác định không gian mạng là lĩnh vực mới, tác động sâu rộng vào mọi mặt đời sống xã hội, dự thảo luật đã được chuẩn bị và xây dựng kỹ lưỡng, xin ý kiến các cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân, trải qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, giải trình, để giải quyết cơ bản những vấn đề đặt ra cho công tác bảo đảm an ninh mạng trong tình hình hiện nay.

Trong đó, đảm bảo Luật An ninh mạng có hiệu lực sẽ hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước vừa đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, tạo môi trường hoạt động kinh doanh thuận lợi, bình đẳng của các doanh nghiệp trên lĩnh vực này, đảm bảo cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thực thi nhiệm vụ chặt chẽ, thống nhất, đồng thời kiểm soát hoạt động này không để lạm quyền, gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.

Khi trình Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5, nội dung dự thảo Luật An ninh mạng đã nhận được đa số ý kiến đồng tình, khẳng định sự cần thiết của xây dựng và ban hành Luật An ninh mạng trong điều kiện, tình hình thực tế hiện nay của Việt Nam. Bộ Công an đang phối hợp với Ủy ban Quốc phòng - An ninh, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật An ninh mạng trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Bộ Công an cũng như các cơ quan hữu quan của Chính phủ, Quốc hội đã gặp gỡ, trao đổi qua kiến nghị của đại diện ngoại giao một số nước, các doanh nghiệp, hiệp hội nước ngoài về dự thảo Luật An ninh mạng để khẳng định quan điểm trong chính sách quản lý nhà nước của Việt Nam trên lĩnh vực này nói chung và xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng nói riêng, đó là: vừa đảm bảo hội nhập kinh tế quốc tế vừa đảm bảo an ninh quốc gia trên không gian mạng, tạo môi trường hoạt động kinh doanh thuận lợi, bình đẳng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, không gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là đến nay một số nước vẫn thể hiện quan điểm phản ứng và kiến nghị chưa thông qua Luật An ninh mạng.

Cùng với những ưu thế vượt trội mà không gian mạng đem lại, thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề về bảo đảm an ninh và khoảng trống trong thực thi chính sách quản lý, trong đó có Việt Nam. Việc xây dựng và ban hành Luật An ninh mạng trong điều kiện, tình hình thực tế hiện nay của Việt Nam là hết sức cần thiết.

PV
.
.
.