Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn khẳng định không tham gia “nhóm chuyên gia” nào về dự án Luật An ninh mạng

Thứ Năm, 07/06/2018, 17:53
Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn khẳng định: “Tôi cho rằng một số người (ông Đặng Hữu, Chu Hảo...) đã lợi dụng vị trí cá nhân, chức vụ của tôi trước đây để đưa những thông tin không đúng sự thật"...

Ngày 5-6, thông tin trên một tờ báo cho rằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học, công nghệ Đặng Hữu gửi thư kiến nghị về dự án Luật An ninh mạng với lý do “lo ngại dự luật có thể kéo lùi sự phát triển internet”. Bức thư nêu 4 kiến nghị, gửi ngày 2-6-2018, được ký bởi giáo sư Đặng Hữu. Trong thư cho biết, ông Đặng Hữu “thay mặt nhóm chuyên gia từng được Chính phủ giao đánh giá và chuẩn bị đưa internet vào Việt Nam những năm 1990, gồm Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông và Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an”.

Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn.

Bức thư cho rằng rủi ro tấn công mạng đang ngày càng gia tăng, các điều luật đề xuất trong dự thảo luật An ninh mạng “không giải quyết được vấn đề tấn công mạng, không giúp bảo vệ được an toàn internet của nhà nước và người dân mà ngược lại có thể kéo lùi sự phát triển của internet, của kinh tế số và xã hội thông tin”...

Tác giả bài báo trên cũng cho biết đã trao đổi với GS Đặng Hữu và được GS Đặng Hữu xác nhận bức thư đó do ông thay mặt nhóm chuyên gia gửi tới Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan vấn đề này, ngày 6-6-2018, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an đã có thư gửi cơ quan chức năng. Trong thư, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn khẳng định: “Tôi cho rằng một số người (ông Đặng Hữu, Chu Hảo...) đã lợi dụng vị trí cá nhân, chức vụ của tôi trước đây để đưa những thông tin không đúng sự thật, đây là hoạt động bịa đặt nhằm bôi nhọ, hạ uy tín của cá nhân tôi và mục đích cuối cùng của họ là nhằm phủ nhận dự thảo Luật An ninh mạng, ngăn cản Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng. Tôi khẳng định rằng, nếu có ý kiến tham gia vào dự thảo Luật An ninh mạng, cá nhân tôi sẽ tham gia bằng văn bản và trực tiếp ký, tôi không tham gia với bất cứ hình thức dưới dạng “nhóm chuyên gia” nào”.

Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn đề nghị: “Từ vụ việc này, tôi mong muốn các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội cần có biện pháp giải quyết thấu đáo; sớm thông qua Luật An ninh mạng, tạo cơ sở pháp lý để quản lý, bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn hệ thống mạng trong tình hình hiện nay, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng mạng internet để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN ở Việt Nam. Đồng thời, cần có biện pháp để ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những người có hành vi bôi nhọ danh dự cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và có những lời nói, hành động đi ngược lại các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”.

Dự án Luật An ninh mạng hiện đã được chỉnh sửa, bổ sung trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, ý kiến đóng góp của nhân dân và các cơ quan chuyên môn, dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này. Tuy nhiên, trên mạng xã hội, báo chí nước ngoài xuất hiện nhiều bài viết với lời lẽ có tính “hù dọa” nếu dự luật này được thông qua như: “Luật An ninh mạng sẽ siết chặt tự do ngôn luận”; “Việt Nam nhắm đến siết chặt facebook, Google, “đe dọa giới bất đồng”; “Đừng để Việt Nam trở thành kẻ thù của các giá trị tiến bộ”... 

Nhiều tổ chức, cá nhân đang tìm cách gây nhiễu dự án Luật An ninh mạng. Ảnh minh họa

Cùng việc đưa ra các lý lẽ có tính bao biện, một số người “đe” rằng, chính phủ Việt Nam “sẽ thất bại nếu để dự luật An ninh mạng thông qua”. Thậm chí, họ tự phân tích theo ý chủ quan rồi phán: “Trong lịch sử hơn 20 năm có Internet (1997-2018) chưa bao giờ lợi ích quốc gia, dân tộc và tự do của người dân bị đe doạ lớn như những gì đang được chuẩn bị trong dự luật An ninh mạng”.  Nhiều bài viết được đăng tải trên một số báo chí nước ngoài như BBC, VOA... với lời lẽ thoá mạ, phê phán Chính phủ Việt Nam “bóp nghẹt” Internet, “chậm tiến”, “kéo lùi lịch sử”...

Cùng với đó, một số tổ chức, cá nhân có thư gửi cơ quan chức năng Việt Nam, trên danh nghĩa “góp ý dự luật” song lại đưa ra những đề nghị có tính áp đặt, bắt bẻ, hù dọa nếu dự luật được thông qua... Thư của “nhóm chuyên gia” trong vụ việc nêu trên là ví dụ mới nhất cho thấy sự bịa đặt trắng trợn. 

Để đạt được mục đích của mình, họ đã tự gài những người có vai trò, ảnh hưởng, người từng giữ các chức vụ quan trọng trong Bộ Công an vào “thư kiến nghị” để gây sức ép tới cơ quan chức năng, một mặt bôi nhọ, làm giảm uy tín của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo.


PV
.
.
.