Đoàn kết theo di chúc của Bác
- Học lại di chúc của Bác Hồ
- 49 năm thực hiện Di chúc của Bác: Phải giữ gìn Đảng thật sự trong sạch
- Lời di chúc của Bác Hồ
- Cán bộ hưu trí thực hiện di chúc của Bác: Sáng mãi ngọn lửa cách mạng
Đoàn kết là một nội dung lớn, xuyên suốt trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lời huấn thị nổi tiếng của Người: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công” đã trở thành phương châm hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta và thực sự đã phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để giành thắng lợi trong mỗi thời kì lịch sử.
Hình ảnh Bác đứng lĩnh xướng cho bài hát “Kết đoàn” đã trở thành biểu tượng đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Tư tưởng lớn về sức mạnh đoàn kết cũng được Bác thể hiện trong Di chúc viết từ trước khi Người qua đời. Trong bản Di chúc cô đọng súc tích, Bác đã dành những tâm huyết sâu sắc để dặn lại các thế hệ mai sau về vấn đề đoàn kết.
Trước hết là đoàn kết ở trong Đảng. Bác viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kì quí báu của Đảng và nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Hình ảnh giữ gìn con ngươi của mắt mình được Bác dùng là hình ảnh sâu sắc và lắng đọng nhất, gợi nên ý nghĩa sâu xa trong tư tưởng vĩ đại của Người.
Vì sao Bác quan tâm đến vấn đề đoàn kết đến như vậy? Xuất phát từ hai lí do chính. Thứ nhất, như Bác đã nêu trong Di chúc là “nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Nói một cách khác đó là một sự tổng kết lịch sử. Một dân tộc vốn có nhiều mặt yếu nhưng đã chiến thắng kẻ thù mạnh hơn ta về nhiều mặt bởi chúng ta có sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh đoàn kết nhất trí trong Đảng. Kẻ thù cuối cùng đã chịu thất bại bởi vì họ không có được cái sức mạnh đó. Điều đó khiến chúng ta phải tiếp tục đoàn kết để tiếp tục giành thắng lợi.
Lí do thứ hai, xuất phát từ tình hình mâu thuẫn nảy sinh trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Bác đã viết “tôi càng tự hào về sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thắng lợi của nhân dân ta bao nhiêu thì càng đau lòng bấy nhiêu về sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em”.
Đó là một thực tế đồng thời là một dự cảm đau đớn. Từ những năm sáu mươi của thế kỉ trước, chủ nghĩa xã hội đang trở thành xu thế tất yếu của thời đại thì không ai ngờ đã xuất hiện sự rạn nứt. Sự rạn nứt ấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng sâu xa nhất là do sự tấn công phá hoại của các thế lực thù địch đồng thời do sự thiếu đoàn kết chặt chẽ giữa các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.
Nếu phong trào cộng sản quốc tế không kịp thời hàn gắn được những sự chia rẽ đó thì trào lưu cách mạng thế giới do Đảng Cộng sản lãnh đạo sẽ gặp khó khăn biết nhường nào? Thực tế đã diễn ra đúng như dự cảm của Bác. Sự tan rã của Liên Xô, kéo theo sự đổ vỡ của một loạt các nước XHCN ở Đông Âu. Một lần nữa, đó là hậu quả tất yếu của qui luật chia rẽ thì thất bại, là bài học sâu sắc nhất đi vào lịch sử để chúng ta không bao giờ đi vào vết xe đổ ấy nữa.
Làm theo Di chúc của Bác, năm mươi năm qua, các thế hệ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta lúc nào cũng giương cao ngọn cờ đại đoàn kết. Đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh đại đoàn kết đã giúp đất nước vượt qua nhiều khó khăn thử thách, giành được những thắng lợi lớn. Dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, chúng ta đã bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ thành công công cuộc đổi mới.
Hình ảnh một Việt Nam ổn định, hòa bình, phát triển đang ngày càng trỗi dậy, một nhà nước Việt Nam với thể chế dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với thế giới. Những thành tựu đó đã tạo cho chúng ta niềm tin chắc chắn rằng đất nước Việt Nam sẽ có những bước tiến xa trong những năm tới.
Mặt khác năm mươi năm qua, thực hiên theo Di chúc của Người để góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lí có tình, Đảng ta đã làm hết sức mình. Với tư duy đổi mới, trong xu thế hội nhập của bối cảnh thế giới mới, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin chúng ta đã có nhiều đóng góp quan trọng.
Chúng ta tin tưởng về một tương lai tốt đẹp đang chờ đợi và chúng ta cũng nhận thức rằng muốn giành được một tương lai tốt đẹp đó cần phải củng cố, xây dựng và phát huy cao hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết, trước hết là đoàn kết trong Đảng như Di chúc của Bác.
Muốn có được sự đoàn kết nhất trí thì phải luôn luôn xây dựng Đảng vững mạnh về mọi mặt. Phải luôn vượt qua thách thức, luôn chiến thắng khó khăn. Thực tế hiện nay bên cạnh những mặt tốt theo truyền thống thì ở ta đang có những biểu hiện “lệch pha” về đoàn kết. Đó là những kiểu “đoàn kết” hình thức, một chiều theo kiểu “dĩ hòa vi quí” không dám đấu tranh với cái xấu cái sai...
Nguy hiểm nhất là đoàn kết theo kiểu “bằng mặt mà không bằng lòng” hoặc bao che, ngụy biện khuyết điểm cho nhau, “anh không đụng đến tôi thì tôi cũng không chạm đến anh”… Những biến dạng về sự đoàn kết nhất trí đó thực chất là sự suy thoái, biến chất rất nguy hiểm, dung dưỡng cho những thói hư tật xấu tham nhũng, tiêu cực.
Mặt khác các thế lực thù địch cũng đang nhằm vào đó để khoét sâu, phá hoại. Chúng rêu rao rằng ở Việt Nam tuy một đảng lãnh đạo nhưng lại có nhiều phe phái, điều đó còn nguy hại hơn đa đảng. Từ khi Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, “lò” được đốt nóng thì những “lệch pha” trong đoàn kết đang bị tiêu mòn dần. Tuy nhiên cần phải tiếp tục đấu tranh mạnh hơn nữa để tạo thế đứng vững chắc hơn cho sự đoàn kết nhất trí.
Trong Di chúc Bác Hồ cũng đã dặn lại rằng: Muốn giữ gìn và phát huy sức mạnh đoàn kết thì “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và nhất trí trong Đảng”.
Ta thường nói phê bình và tự phê bình. Nhưng ở đây Bác đặt yêu cầu tự phê bình lên trước, điều đó cũng có nghĩa phải đặt trách nhiệm của mỗi đảng viên đối với chính bản thân mình lên trước. Tự phê bình là tự soi mình trước, tự gột rửa mình, tự trau dồi đạo đức cách mạng cho mình trước. Tiếp đến mới là phê bình, nghĩa là sự quan tâm giúp đỡ của tập thể đối với cá nhân.
Để mỗi đảng viên thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, để đảng ta thực sự trong sạch xứng đáng là một Đảng cầm quyền. Đó chính là nền tảng vững chắc cho sức mạnh đại đoàn kết mà mỗi đảng viên trong bất kì giai đoạn lịch sử nào cũng phải thực hiện bằng được.