Cán bộ hưu trí thực hiện di chúc của Bác: Sáng mãi ngọn lửa cách mạng

Thứ Sáu, 24/10/2014, 08:52
Sau 5.500 ngày sống, chiến đấu trong căn cứ Trung ương Cục miền Nam, khoảng hơn 2.000 người trong tổng số 10.000 đoàn viên thanh niên tham gia hoạt động tại đây vĩnh viễn nằm lại với đất. 39 năm sau, các nam thanh nữ tú ngày ấy đều đã ngoài 60 tuổi. Sau những tháng năm tỏa về công tác trên khắp mọi miền Tổ quốc, tham gia xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước, họ hoàn toàn có thể an hưởng cuộc sống thanh nhàn nhưng với bản chất người lính, họ vẫn tích cực đóng góp cho quê hương, đất nước với những công trình mới.

Cái lý của họ rất đơn giả là non sông tuy thu về một mối nhưng với  thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh, việc thực hiện những di nguyện vì dân vì nước của Người luôn theo suốt cuộc đời họ.

Đúng dịp kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc của Bác, một công trình  được các cựu đoàn viên thanh niên của căn cứ Trung ương Cục miền Nam (TWCMN) long trọng kính dâng lên Bác: Bộ phim tư liệu "Một thời tuổi trẻ ở R". Điều đáng chú ý là việc thực hiện bộ phim hầu như đều do các cựu đoàn viên thanh niên, nay đã là các cán bộ hưu trí tự lực cánh sinh, vận động và chung tay đóng góp với tổng kinh phí hạn chế đến mức có thể khiến rất nhiều người làm phim giật mình: 800 triệu đồng/19 tập phim. Hơn thế, cùng với sự ra đời của bộ phim tư liệu, hành trình "Nhớ ơn liệt sĩ, đáp nghĩa đồng bào, chăm lo đồng đội, truyền lửa cho thanh niên" được những người cựu cán bộ hưu trí thực hiện liên tục nhiều năm, xuyên suốt dặm dài đất nước cho đến các căn cứ cách mạng một thời trên nước bạn.

Hoạt động tri ân đồng đội và giao lưu truyền lửa cách mạng cho thanh niên trong hành trình xuyên Việt nhiều ý nghĩa của các cán bộ hưu trí.

Kể về công trình và hành trình đặc biệt nói trên, ông Nguyễn Hữu Châu, Phó chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ truyền thông Đoàn thanh niên các cơ quan TWCMN cho biết, ý tưởng về bộ phim và cuộc hành trình đi dọc đất nước của các cựu đoàn viên thanh niên đã hình thành từ năm 2004. Vì tất cả đều đã là cán bộ hưu trí, người ít tuổi nhất cũng đã "60 năm cuộc đời", giàu nhiệt huyết song sức người, sức của có hạn, lại sống tản mát khắp đất nước nên mãi năm 2006, buổi tọa đàm đầu tiên về bộ phim mới được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Thống nhất tựa đề phim "Thời ấy, chúng tôi còn rất trẻ", kinh phí thực hiện theo kiểu "góp gió thành bão", vận động từng thành viên, mỗi tổ chức, cá nhân một chút. Kinh phí hạn hẹp, không có tiền thuê biên kịch, đạo diễn, ê kip thực hiện riêng như các phim thông thường, tất cả lại cùng bàn bạc, thống nhất chọn ông Nguyễn Minh Trí, nguyên Bí thư Đoàn ủy Ban tuyên huấn TWCMN - một người có nhiều kinh nghiệm về làm phim từ trong kháng chiến cũng như sau hòa bình viết kịch bản kiêm đạo diễn. Mang cả hai nhiệm vụ có tính quyết định cho sự thành bại của một bộ phim song thực tế, thù lao cho ông Nguyễn Minh Trí chỉ mang tính chất tượng trưng. Chiến tranh đã lùi xa, tư liệu  mất mát nhiều và lại nằm rải rác khắp cả nước, không ít nhân chứng lịch sử một thời nay đã về với đất. Khó khăn chồng chất nhưng những người cựu đoàn viên thanh niên năm nào không nản lòng, kiên trì, cần mẫn theo đuổi công việc theo kiểu "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm".

Theo năm tháng, tư liệu sưu tầm ngày càng dày thêm. Từ dự định thực hiện bộ phim khoảng 5 đến 7 tập, bộ phim được điều chỉnh dần lên đến 19 tập và đổi tên thành "Một thời tuổi trẻ ở R". Tháng 10/2014, các cựu đoàn viên thanh niên căn cứ TWCMN tự hào hoàn tất một công trình kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu chào mừng 45 năm thực hiện di chúc của Người.

Thực tế, cuộc hành trình xuyên Việt này chỉ là hoạt động mang tính phát sinh. Khi việc thực hiện bộ phim được nửa chặng đường, tiếp cận nhiều cựu đoàn viên thanh niên một thời, ban tổ chức phát hiện thêm nguyện vọng tha thiết và chính đáng của rất nhiều cựu đoàn viên thanh niên ở R, kể cả những người đang sống và của cả những người đã hy sinh: Được ra Hà Nội vào lăng viếng Bác.

Cùng với đó, hàng loạt những câu hỏi đau đáu từ người trong cuộc: Những gia đình có con hy sinh ngày ấy đang sống ra sao, những đồng đội trở về sau chiến tranh có gặp khó khăn gì trong cuộc sống, tinh thần, trách nhiệm của các cựu đoàn viên thanh niên với thanh niên hiện tại như thế nào?... Để trả lời được những câu hỏi ấy, giải pháp cuối được lựa chọn là tổ chức một cuộc hành trình khắp cả nước, kể cả Campuchia, nơi người dân từng cưu mang họ một thời với chung mục đích: chăm lo cho đồng bào, đồng đội, thân nhân liệt sĩ khó khăn, viếng các nghĩa trang liệt sĩ và giao lưu truyền nhiệt huyết cho thanh niên. Kế hoạch này nhận được sự hỗ trợ tích cực về mặt tinh thần lẫn vật chất từ phía Bộ Công an, chính quyền, tổ chức đoàn thể các địa phương. Tuy nhiên, hành trình xuyên Việt cho 400 con người đều đã có tuổi (từ 60 đến trên 80) bằng ôtô, tàu hỏa trong suốt 3 năm trời không đơn giản.

Ngày tề tựu tại Hà Nội vào lăng viếng Bác, thành viên trong đoàn đều bật khóc vì xúc động. Những chuyến đi khắp Bắc, Trung, Nam thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, chung tay đóng góp chăm lo đời sống các gia đình đồng đội, thân nhân liệt sĩ khó khăn, giao lưu truyền lửa cách mạng cho thanh niên các địa phương liên tục được tổ chức. Cũng với tinh thần đoàn kết, vận động chung tay góp sức, chuyến đi về thăm lại những người dân sinh sống trên đất bạn Campuchia từng cưu mang giúp đỡ một thời chứa chan tình cảm, ký ức theo nhau ùa về theo từng câu chuyện, kho tư liệu phim càng phong phú thêm lên. 2 tấn gạo cũng được các cán bộ hưu trí kỳ công vận động và vận chuyển lên trao tận tay từng ân nhân và cả những người dân còn nghèo khó. Một cuộc bàn giao đầy xúc động giữa hai thế thệ thanh niên dịp phim "Một thời tuổi trẻ ở R" phát sóng cũng được tổ chức, tạm khép lại hành trình 10 năm của các cựu đoàn viên thanh niên một thời.

Tất cả tiếp tục trở lại với nhịp sống đời thường của các cựu cán bộ hưu trí nhưng thực hiện đúng di nguyện của Bác, họ vẫn không ngừng nghỉ đóng góp cho xã hội qua rất nhiều phong trào tại địa phương, xây dựng hình ảnh ông bà gương mẫu, con cháu thảo hiền, gia đình văn hóa, tham gia công tác mặt trận, đoàn thể, góp phần vào việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội...

Hoa Nguyễn
.
.