Đề nghị áp dụng Luật Phòng chống tham nhũng cả với khu vực ngoài Nhà nước

Thứ Năm, 21/09/2017, 09:02
Chiều 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) – một dự án rất được chú ý, đặc biệt trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang nỗ lực làm trong sạch bộ máy như hiện nay.


Tham nhũng xuất hiện ở cả khu vực ngoài Nhà nước

Dự thảo luật lần này có đề xuất rất táo bạo là mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài Nhà nước, trước mắt tập trung vào các loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư; các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức từ thiện và các tổ chức xã hội khác thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện. 

Đa số thành viên Ủy ban Tư pháp đã tán thành đề xuất này, với lý do trên thực tế, tình hình “tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước” đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả phòng chống tham nhũng (PCTN) trong khu vực công. 

Bên cạnh đó, Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên cũng đặt ra yêu cầu về chống tham nhũng trong khu vực tư. Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã hình sự hóa một số hành vi tham nhũng trong khu vực này, như tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, các hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài khu vực Nhà nước (tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước) đã được Bộ luật Hình sự điều chỉnh. 

Cùng với đó, trên thực tế, dư luận nhân dân đang bức xúc về tình trạng đưa, nhận hối lộ, móc nối giữa tư nhân và cán bộ, công chức để giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh hoặc chiếm đoạt tài sản của Nhà nước xảy ra ở các loại hình doanh nghiệp khác nhau, kể cả các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, doanh nghiệp “sân sau”, được sự “đỡ đầu” của người có chức vụ, quyền hạn. Những hành vi này vẫn là các hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước (người không phải cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm của hành vi tham nhũng). 

Vì vậy, loại ý kiến này cho rằng, hiện nay chúng ta còn chưa làm tốt công tác PCTN trong khu vực Nhà nước (là khu vực chủ yếu và quan trọng nhất trong PCTN), trước mắt chưa mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật. 

Mặt khác, trong thiết kế dự án luật vẫn chưa giải thích rõ thế nào là tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước, nhiều quy định còn thiếu rõ ràng, chưa làm rõ về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc tại sao mở rộng phạm vi điều chỉnh và áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đối với loại tổ chức này nhưng không phải loại tổ chức khác.

Phát hiện tham nhũng, phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra

Tại dự thảo, Chính phủ cũng trình Quốc hội cho ý kiến về xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán theo hướng, “phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định kiểm tra, thanh tra từ cấp tỉnh trở lên, người ra quyết định kiểm toán phải chỉ đạo xác minh, làm rõ tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng, ra kết luận”, sau đó “khi có dấu hiệu tội phạm” mới chuyển cơ quan điều tra. 

Tuy nhiên, đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, khi phát hiện hành vi tham nhũng thì phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra nhằm đảm bảo xử lý hiệu quả, kịp thời hành vi tham nhũng. 

“Đa số các vụ việc tham nhũng đều có tính chất phức tạp, người có hành vi tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, nên việc xác minh, điều tra đòi hỏi phải có chuyên môn, nghiệp vụ và có những quyền hạn nhất định. Nếu cơ quan ra quyết định kiểm tra, thanh tra, kiểm toán giữ lại vụ việc để xác minh, làm rõ, ra kết luận, có thể sẽ dẫn đến tình trạng xử lý kéo dài, người có hành vi tham nhũng có thể hợp thức hoá các chứng từ, che giấu dấu vết tội phạm, gây khó khăn cho hoạt động điều tra. Mặt khác, khi vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra thì quá trình xác minh, điều tra làm rõ vụ việc có sự kiểm sát của Viện kiểm sát nên sẽ bảo đảm khách quan hơn, tránh bỏ lọt tội phạm” - Ủy ban Tư pháp khẳng định.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng hiện nay có tình trạng các cơ quan thanh tra, kiểm toán tiến hành nhiều hoạt động, phát hiện nhiều sai phạm, nhưng ít vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra trong khi tình hình tham nhũng được đánh giá là “vẫn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành”, dẫn đến khả năng “hành chính hóa” các quan hệ hình sự. 

Ý kiến này đề nghị cần xác định trong dự thảo luật trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán trong trường hợp các cơ quan này không phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chuyển cơ quan điều tra, nhưng sau đó các cơ quan có thẩm quyền lại phát hiện ra tội phạm tham nhũng.

Bày tỏ thống nhất với sự cần thiết sửa đổi dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình việc mở rộng phạm vi so với luật hiện hành, áp dụng cả với khu vực ngoài Nhà nước với một số loại hình doanh nghiệp. Việc mở rộng này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải tiếp tục nghiên cứu kĩ và đánh giá tác động về tính hiệu quả, tính khả thi, tính đồng bộ với hệ thống pháp luật và không gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Vũ Hân
.
.
.