Danh xưng trường quốc tế đang bị lạm dụng
- Thủ tướng chỉ đạo giải quyết vụ học sinh trường Gateway tử vong
- Xe đưa đón học sinh trường quốc tế Gateway không đủ tiêu chuẩn
- Tạm đình chỉ công tác những người liên quan trong vụ trường Gateway
Có hay không việc chúng ta đang “thả lỏng” đối với dịch vụ xe đưa đón học sinh trong các nhà trường; phó mặc để các trường ngoài công lập tự “gán mác” quốc tế như một chiêu trò thu hút phụ huynh học sinh để trục lợi? Phải làm gì để bảo vệ trẻ em, đặc biệt là lứa tuổi “bản lề” như học sinh tiểu học?
Chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” tuần này sẽ là cuộc trao đổi của PV Báo CAND với PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục xoay quanh những vấn đề này.
PV: Câu chuyện đau xót về bé trai lớp 1 tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của Trường Gateway gợi cho ông điều gì?
PGS Đặng Quốc Bảo: Sự cố đau lòng xảy ra đã tạo ra một sự chấn động lớn đến tất cả mọi người, đến toàn xã hội. Đến giờ phút này, cá nhân tôi và nhiều người vẫn cảm thấy đau xót, thương cháu, thương gia đình cháu bởi đây hoàn toàn là lỗi của người lớn do sự đãng trí, tắc trách, cẩu thả, thiếu tấm lòng vì trẻ thơ.
PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục. |
Giá như mỗi người, mỗi vị trí đều làm hết trách nhiệm của mình với tình yêu trẻ thì sự cố trên sẽ không thể xảy ra. Tuy vậy, tôi cho rằng, ngoài những cá nhân trực tiếp liên quan như ông lái xe, cô đưa đón trẻ, cô chủ nhiệm, lãnh đạo nhà trường thì qua sự cố này cũng đã bộc lộ nhiều lỗ hổng trong quản lý từ dịch vụ xe đưa đón học sinh của ngành Giao thông vận tải đến hoạt động liên kết giáo dục của ngành Giáo dục và đào tạo.
PV: Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, quy trình đưa đón học sinh của Trường Gateway là “có vấn đề”?
PGS Đặng Quốc Bảo: Phần lớn các trường tư có dịch vụ đưa đón học sinh nói chung, Trường Gateway nói riêng hiện nay đều có một quy trình đón trả học sinh theo những chuẩn riêng mà nhà trường tự đặt ra. Quy trình này chắc chắn có sự tham khảo từ kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới vì chúng ta đang đi sau họ. Tuy nhiên, việc một học sinh vắng mặt 8 tiếng đồng hồ mà cả hệ thống quản lý không ai biết, không ai liên hệ với gia đình để thông báo hay tìm hiểu nguyên nhân rõ là “có vấn đề”.
Ở đây, ngoài lỗi hệ thống trong quy trình đưa đón, quy trình quản lý học sinh dường như còn có cả sự thiếu trách nhiệm, cẩu thả trong công tác lựa chọn, sử dụng nhân sự. Song, cũng cần phải nói thêm rằng, kể cả có một quy trình đưa đón khoa học và toàn diện đến đâu cũng sẽ chỉ là vô nghĩa khi không có người đủ nhận thức và sự nghiêm túc để thực hiện. Đặc biệt, người tạo ra quy trình không có cơ chế để kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.
PV: Phải chăng, điều này cho thấy, trong quản trị hiện đại nói chung, quản trị trường học nói riêng, nếu như thiếu đồng bộ, chỉ cần một mắt xích có vấn đề là có thể làm “sụp đổ” cả một hệ thống, thưa ông?
PGS Đặng Quốc Bảo: Cũng cần nói rõ, việc để quên trẻ đến chết trên xe không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam. Tháng 5 vừa rồi, một học sinh 4 tuổi chết trên xe đưa đón đậu ngoài trời nóng bức suốt 5 tiếng tại Vạn Ninh (Hải Nam, Trung Quốc). Năm ngoái, một học sinh 3 tuổi cũng chết trong xe vào mùa hè nóng bỏng của thành phố Houston (bang Texas, Mỹ).
Tai nạn thì dĩ nhiên ít nhiều cũng có thể xảy ra dù con người có cẩn thận bao nhiêu. Tai nạn cũng có thể xảy ra bất kỳ ở đâu, bất cứ nơi nào từ trong gia đình đến trường học hoặc ngoài xã hội vì không ở đâu có sự an toàn tuyệt đối. Nhưng phải nói rằng, trong môi trường học đường, độ chênh giữa nhận thức và văn hóa của các bộ phận trong học đường càng lớn thì nguy cơ tai nạn càng cao. Nói cách khác, khi chúng ta vận hành, quản trị trường học theo hệ thống, chỉ cần một khâu, một mắt xích có vấn đề là rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra.
PV: Từ câu chuyện đau xót này, hiện có quan điểm cho rằng, nên cho trẻ học gần nhà và cha mẹ phải là người hàng ngày đưa đón trẻ. Cũng có quan điểm nhấn mạnh việc cần dạy cho trẻ kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn trước khi dạy kiến thức để trẻ có thể ứng phó với các tình huống nguy hiểm, bất ngờ. Ông nghĩ sao về những ý kiến này?
PGS Đặng Quốc Bảo: Việc chọn trường học như thế nào là tốt, gần nhà hay xa nhà rất khó để có thể đưa ra một đáp án chung. Tuy nhiên, dù chọn trường nào, xa hay gần, cũng phải hết sức lưu ý đến sự an toàn của con, nhất là ở bậc mầm non, tiểu học. Nhà trường dù nhận học trò của tầng lớp nào cũng phải cho trẻ được cảm nhận được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Còn việc dạy kỹ năng cho trẻ, tôi không phản đối nhưng đừng nghĩ cứ dạy kỹ năng là cha mẹ có thể hoàn toàn yên tâm. Ở độ tuổi mầm non, tiểu học, các cháu đang còn rất non nớt về mọi thứ nên cha mẹ, thầy cô vẫn phải hết sức để ý, chăm chút, nâng niu. Không chỉ ở môi trường học đường mà ngay tại gia đình, chỉ cần người lớn sơ suất, đãng trí, cẩu thả, tắc trách thì tai nạn, tai họa hoàn toàn có thể xảy ra với trẻ bất cứ lúc nào.
PV: Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, cần xem xét, đánh giá lại mô hình bán trú vì với mô hình này, việc chăm sóc trẻ quá phụ thuộc vào nhà trường, đẩy hết rủi ro về phía nhà trường?
PGS Đặng Quốc Bảo: Mô hình trường học cả ngày, chăm sóc cả ngày, tối thiểu là 8 tiếng hay còn gọi là bán trú là xu thế toàn thế giới. Do vậy, chúng ta không thể đi ngược lại xu hướng này. Tuy vậy, khi chúng ta chấp nhận mô hình đó đòi hỏi quản lý của nhà trường phải rất nghiêm cẩn; Nhà nước cũng phải dành sự quan tâm đầu tư tốt hơn cho cấp tiểu học, vì đây là bậc học nền móng, bản lề, là “cái móng của ngôi nhà giáo dục”. Phụ huynh và nhà trường phải phối hợp chặt chẽ trên tinh thần đồng thuận, cộng đồng trách nhiệm với mục tiêu cuối cùng là trẻ em được an toàn, hạnh phúc.
PV: Việc Trường Gateway được cho là tự “dán mác” quốc tế để thu hút phụ huynh học sinh, dư luận cho rằng đang có một sự lập lờ trong danh xưng trường quốc tế. Trách nhiệm này thuộc về ai, thưa ông?
PGS Đặng Quốc Bảo: Tên gọi "trường quốc tế" hiện nay đang được "lạm dụng", hầu hết đều do nhà trường tự đặt tên, "kiểu cha mẹ đặt tên cho con trong giấy khai sinh". Việc tự phong "trường quốc tế" nhằm thu hút phụ huynh, học sinh. Dù mức thu các trường có tên quốc tế rất cao, nhưng do phụ huynh ngộ nhận rằng chính con họ đang học trường quốc tế nên không ngại đầu tư với hy vọng con mình được học tập trong môi trường tốt.
Việc để tình trạng lập lờ này kéo dài trục lợi phụ huynh học sinh là trách nhiệm chung của ngành Giáo dục, đặc biệt là Sở GD&ĐT Hà Nội và UBND các quận, nơi trực tiếp quản lý. Do vậy, trong thời gian tới, ngành Giáo dục nói chung, Sở GD&ĐT Hà Nội nói riêng cần tăng cường trách nhiệm, quản lý chặt hơn hoạt động của các loại hình này để tránh tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”, đẩy hết rủi ro về phía phụ huynh học sinh. Bộ GD&ĐT cũng cần có một chiến dịch thanh, kiểm tra loại hình trường này trên phạm vi toàn quốc.
PV: Theo ông, phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội phải làm gì để bảo vệ trẻ em, nhất là học sinh trong độ tuổi “bản lề” như tiểu học, lứa tuổi mà các con vẫn đang còn non nớt về mọi thứ?
PGS Đặng Quốc Bảo: Việt Nam đã tham gia công ước về quyền trẻ em từ rất sớm, đến nay cũng đã ban hành Luật Trẻ em. Những quy định của chúng ta về bảo vệ trẻ em, bảo vệ học sinh khá đầy đủ. Nhưng thực tế, việc thực thi và giám sát thực thi vẫn bị coi nhẹ. Trong quá trình công tác, khi đi làm việc với các nhà trường, tôi nhận ra, mỗi nhà trường thật bé nhỏ, dễ bị tổn thương bởi chính sự đơn giản khi chúng ta nghĩ rằng “nhà trường là nơi an toàn nhất, mô phạm”, nhưng thực tế, nhà trường cũng dễ bị xâm hại; an toàn của học sinh, của nhà giáo cũng dễ bị phá vỡ nếu nhà trường không được tăng cường sự tự chủ, tự bảo vệ.
Nhiều nhà quản lí, nhiều giáo viên, phụ huynh… cũng không được trang bị hiểu biết pháp luật, về quyền, về nghĩa vụ của mình. Xu hướng thương mại hóa đang len lỏi vào nhiều trường học cũng đã và đang tạo ra nhiều hệ lụy tiêu cực trong môi trường vốn rất cần sự nhân văn, yêu thương, tình nghĩa như giáo dục...
Những điều đó là tác nhân gây ra sự thiếu đồng bộ, và chắc chắn sẽ gây ra những sự cố đáng tiếc trong quá trình vận hành. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, cần được cả xã hội quan tâm. Khi chúng ta ý thức được rằng, bảo vệ nhà trường là bảo vệ chính mình, chính con em mình, là chuẩn bị cho tương lai thì khi đó chúng ta sẽ có hành động kịp thời vì sự an toàn thân thiện để mỗi học sinh được phát triển.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!