Đặc khu kinh tế phải thu hút được nguồn lực tốt nhất

Thứ Ba, 14/11/2017, 08:34
Bàn về mô hình đặc khu kinh tế, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng “cần hướng tiếp cận đột phá”, bởi đặc khu phải thu hút được các nhà đầu tư hạng nhất, những công dân hạng nhất.

PV: Thưa ông, dự thảo luật đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) do Bộ Kế hoạch Đầu tư xây dựng và được trình tại kỳ họp Quốc hội này đã đề cập nhiều vấn đề về mô hình tổ chức tại đặc khu. Ông có thể phác thảo sơ lược gì về diện mạo đặc khu kinh tế trong tương lai?

Ông Trần Đình Thiên: Hiện, Việt Nam đã xây dựng một số khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế mở. Nhưng các khu vực này chỉ có sự khác biệt duy nhất là được hưởng thêm ưu đãi. Còn việc thử nghiệm xây dựng đặc khu kinh tế, chúng ta đã bàn 10  - 15 năm nay nhưng chưa nhúc nhích gì. Do đó, trong việc thảo luận lần này, cần hướng tiếp cận đột phá.

Đặc khu phải khác biệt hẳn với phần còn lại. Xây dựng đặc khu phải thu hút được nguồn lực tốt nhất của thế giới. Thu hút được những nhà đầu tư hạng nhất, những công dân hạng nhất. Như thế mới đủ sức cạnh tranh với thế giới, mới đột phá được.

Theo tinh thần chỉ đạo, đặc khu được xác định là cơ quan hành chính thuộc tỉnh, như thế thẩm quyền sẽ vướng “trần” là ông Chủ tịch UBND tỉnh nhưng thật ra, với đặc thù của mô hình này, nhiều khi thẩm quyền của đặc khu còn vượt trên cả tỉnh. 

Tôi thấy ở đây, mọi con đường đều dẫn đến quyết định của Thủ tướng vì Thủ tướng là người điều hành, người nắm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức Trưởng đặc khu.

Ông Trần Đình Thiên.

PV: Ông đã nhiều lần đề cập đến những ví dụ thành công trong tổ chức mô hình đặc khu kinh tế như Thẩm Quyến, Tiền Hải (Trung Quốc). Những đặc khu thành công trên thế giới họ đã xử lý vấn đề trao quyền lực và kiểm soát quyền lực với người đứng đầu đặc khu theo cách nào?

Ông Trần Đình Thiên: Đừng nên suy nghĩ cứng nhắc, tư duy tổ chức hành chính thông thường là nó phải thuộc gì. Còn ở đây, đặc khu là một mô hình đặc biệt, có cơ chế quyền lực đặc thù, phù hợp với mục tiêu đặt ra. Chúng ta đang muốn tạo ra một thiết chế mới, đặc thù, trao quyền lớn và đảm bảo nguyên tắc kiểm soát quyền lực như Hiến pháp quy định, tức có quyền lực thì phải có giám sát quyền lực.

Thiết kế thể chế đó, quan trọng nhất là xác định mục tiêu, xây dựng đặc khu để giải quyết vấn đề gì? Cần thiết chế như thế nào, cần được trao những quyền lực gì để thực hiện mục tiêu đó.

Tôi cho rằng, nguyên tắc quan trọng nhất là hoạt động của đặc khu phải tuân thủ, không trái với Hiến pháp là được còn cứ chiếu vào các luật như Luật tổ chức chính quyền địa phương rồi cho rằng nó phải như thế này, thế kia mới đúng quy định thì… làm sao mà còn đặc biệt, đặc thù gì được nữa. Cứ lật qua lật lại, lo sợ nhiều quá thì không làm được đâu.

Quyền lực của người đứng đầu đặc khu thực sự rất lớn, như một Chủ tịch tỉnh độc lập, một thủ trưởng của toàn khu, như mô hình của Macau, Hongkong vậy. Trưởng đặc khu có toàn quyền trong lãnh địa đấy. Phần lãnh địa này phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định và chỉ phụ thuộc vào quốc gia ở vấn đề chủ quyền, ngoại giao, an ninh - quốc phòng. Ngoài ra thì nó rất độc lập và khác biệt với các đơn vị hành chính thông thường trong nước.

PV: Như vậy việc xây dựng thiết chế Trưởng đặc khu là hoàn toàn khả thi và có cơ chế để giám sát việc lạm quyền?

Ông Trần Đình Thiên: Nếu cứ ngồi và tưởng tượng thì khó lắm. Tôi trao quyền cho ông thì có nghĩa là chính ông phải chịu trách nhiệm, tôi sẽ là người giám sát. Chúng ta phải tin vào một hệ thống dân chủ chứ cứ nghĩ như vậy thì sao làm được. Ta thiết kế cái đó ra để có một hệ thống giám sát dựa trên nền tảng dân chủ, công khai minh bạch.

PV: Vậy theo ông, với đề xuất như dự thảo luật hiện hành là trao tới 116 thẩm quyền cho ông Trưởng đặc khu, liệu đã đủ chưa?

Ông Trần Đình Thiên: Quan trọng nhất là thẩm quyền phải đi liền với trách nhiệm. Thiết kế cơ chế chịu trách nhiệm đó như thế nào, bằng giám sát hay bằng công khai minh bạch… thì đó là vấn đề kỹ thuật, cần phải bàn.

Quyền lực của Trưởng đặc khu phải như một Chủ tịch tỉnh độc lập, như mô hình của Macau, Hongkong vậy, toàn quyền trong hòn đảo đấy, xin nhắc lại phần lãnh địa này phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định và chỉ phụ thuộc vào quốc gia ở vấn đề chủ quyền, ngoại giao, an ninh quốc phòng.

Hoạt động của đặc khu phải tuân thủ và căn cứ vào Hiến pháp thôi chứ cứ chiếu vào các luật rồi cho rằng nó phải như thế này, thế kia thì làm sao mà đặc biệt, đặc thù được nữa. Không nên để trói buộc bởi các quy tắc cũ, nếu chúng ta cứ rà lại với các quy tắc cũ thì không hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nhóm PV (Thực hiện)
.
.
.