Hãy giữ mãi Lửa Lòng Dân!

Thứ Tư, 06/11/2019, 10:38
“Cuối cùng, tên kẻ trộm “đường hoàng” kia đã bị bắt”. Tháng 3-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” như vậy.

Trong bài nói ấy, Bác Hồ chỉ thẳng: “Trộm cắp tiền bạc của Nhân dân, tổn hại kinh tế của Chính phủ, cũng là mật thám, phản quốc, nếu không phải là tệ hơn nữa”. Và, Bác nhắc lại lời của V. I. Lê-nin: “Không xử bắn lũ ăn của đút lót... đó là một điều xấu hổ cho những đảng viên cộng sản, cho những người cách mạng... Phải lập tức đề nghị một đạo luật để trừng trị những vụ hối lộ (ăn hối lộ, tặng hối lộ và những cách hối lộ khác). Ít nhất cũng phải phạt 10 năm giam cầm và 10 năm khổ sai”.

Đó cũng chính là tư tưởng của bản “Quốc lệnh”, do Chủ tịch Hồ Chí Minh phê chuẩn, ngày 26-1-1946, vào thời khắc chính quyền cách mạng non trẻ của Nhân dân ra đời chỉ ngót nghét 5 tháng; trong đó xác quyết án tử hình dành cho tệ trộm cắp, tại Điều 8, phần Phạt: “Trộm cắp của công sẽ bị xử tử”, cùng 9 loại án tử khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới các cháu thiếu nhi. Ảnh: Tư liệu.

Và, ngay sau đó, trong phiên trả lời chất vấn của Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính phủ hết sức làm gương, nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ hối lộ, đã trừng trị, đang trừng trị và sẽ trừng trị cho kỳ hết”.

Người nói là Người làm! Từ nguồn tin của chiến sĩ, cán bộ, năm 1950, Người dứt khoát y án tử hình Đại tá, Cục trưởng Cục quân nhu Trần Dụ Châu vì tội tham ô, lợi dụng xương máu của chiến sĩ để mưu lợi cá nhân và đồng phạm. Năm 1964, cũng từ nhiều nguồn tin của Nhân dân, Người cân nhắc và lại quyết định y án tử hình Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trương Việt Hùng với nhiều tội trạng, bằng sự kiên quyết: “Thà chặt một cành sâu cho cây xanh tốt”.

* * *

Giờ đây, học Người, chúng ta đã phát hiện và xử lý bao nhiêu “tên kẻ trộm đường hoàng” - những tên “tệ hơn” lũ “mật thám, phản quốc”? 

Về bộ mặt và lòng dạ họ, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn vạch trần, các đảng viên coi thường pháp luật, tham ô, nhận hối lộ thì như những tên “ăn cắp đàng hoàng”. Dám to gan “hy sinh lợi ích của nước nhà để lên mặt mình là khảng khái”. Thì đúng đấy là những “tên kẻ trộm đường hoàng” dứt khoát phải tẩy trừ.

Vừa qua, Đảng cương, Quốc pháp nghiêm khắc trừng trị họ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Tinh thần là phải tiếp tục làm, làm quyết liệt, làm tập trung, dứt điểm những việc đang dở dang, những khâu còn yếu, những địa bàn trọng điểm. Toàn Đảng, toàn Dân quyết tâm. Không có chuyện dừng lại hay ngập ngừng. Mà cũng không thể ngừng lại được. Đây là yêu cầu của cách mạng, yêu cầu, tình cảm của Nhân dân, mong muốn của Đảng ta.

Phải khẳng định quyết tâm ấy. Còn trong chúng ta có ai dao động, ngập ngừng thì tự giác báo cáo, xin tự thôi đi!”.

Và, “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”, theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh làm. Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, mới hơn 3 năm, có tới 70 cán bộ, đảng viên, tướng lĩnh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật; trong đó, có cả Ủy

viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và một số cán bộ còn rất trẻ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc tết đồng bào tỉnh Hà Bắc, năm 1967.  Ảnh: Tư liệu.

Nhưng, như thế đã đích đáng chưa? Còn bao nhiêu nữa đang “trộm cắp của công một cách “đường hoàng”, một cách có ngăn nắp và đã trộm cắp nhiều lần” mà chưa bị phát giác và trừng trị, như Bác Hồ từng đau đáu hỏi? Và, giờ câu hỏi hẵng còn đó, trong lúc cuộc đấu tranh mất còn, sinh tử chống đại nạn tham nhũng của chúng ta đang mạnh mẽ hơn hết lúc nào.

Vậy, tiếp tục làm gì và làm như thế nào, cùng với những việc đã và đang làm?

* * *

Rõ ràng, vì thế, “cần phải có biện pháp khác, biện pháp nghiêm ngặt hơn, để trừng trị chúng”.

Biện pháp ấy là gì?

Trước hết, “Biện pháp ấy là gây nên một đạo đức để ngăn ngừa trộm cắp, gây nên một phong trào quần chúng gớm ghét bao vây lũ giặc ấy”. “Quan tham vì Dân dại”. Nếu Dân hiểu biết, không chịu đút lót thì “quan” dù không liêm cũng phải hóa ra LIÊM. Vì vậy, Dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM”.

Do thế, bổn phận của Đảng và các đoàn thể cần làm mọi việc lúc này để Dân không dại nữa, để Dân nhận rõ và bóc mẽ mọi sự phỉnh phờ, gian ngoan “mượn Quắc diệt Ngu” của những “tên giặc hoạt động trước mắt mọi người, thì quần chúng lại hiền lành với nó, vỗ vai nó, khen ngợi nó, xem nó như một người anh hùng”, như Bác Hồ nói, vì bị đánh lừa bởi những tấm huân chương, danh hiệu đủ loại vừa “chạy” được và huếnh lên lấp lánh đầy ngực chúng.     

Thứ nữa, dựa vào Nhân dân, cổ vũ Nhân dân, để “sửa chữa cán bộ và tổ chức ta”. Bởi, Bác Hồ nói: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vừa qua, gần 75% số vụ việc tiêu cực do Nhân dân và công luận phát hiện, theo đó các tổ chức đảng, các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý, dù đạt kết quả to nhưng kỳ thực vẫn chưa xứng đáng với sức mạnh muôn trùng của Nhân dân!

Công an tỉnh Hà Tĩnh giúp dân gặt lúa chạy bão. Ảnh: Thái Cường.

Sửa sang cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ để Nhân dân giám sát mọi cán bộ, đảng viên, ở tất cả các cấp, thực hiện Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước từ thực thi công vụ tới cuộc sống, ở mọi nơi, mọi ngành... Bảo vệ Dân để không ai còn sợ bất cứ cán bộ nào cả gan đe dọa, trù úm hay trả thù.

Thứ ba, “tham lam sẽ dẫn đến BẤT LIÊM, cho nên, cán bộ phải thực hành chữ LIÊM  trước, để làm kiểu mẫu cho Dân... Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong Nhân dân. Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”. Trước mắt, bất cứ ai giữ trọng trách trước Dân, phải thực thi nghiêm các quy định về nêu gương, rèn luyện đạo đức “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Đó là liêm sỉ, là trách nhiệm và là thước đo phẩm giá cán bộ.

Cuối cùng, nếu để bê trễ hay xem nhẹ tệ nạn này thì Đảng sẽ mất tín nhiệm với Nhân dân. Nên nhớ, nếu “nói mà không làm” thì nhất định Nhân dân sẽ “bắt đầu tự hỏi rằng không biết thực ra chúng ta là những người đứng đắn hay là những kẻ lừa phỉnh”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nghiêm khắc cảnh báo! Khi mất lòng Dân là mất hết! Đó là một bài học sinh tử. 

Nắm lấy tinh thần ấy, nhất định Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị nước nhà không ngừng tin tưởng, dựa hẳn và bảo vệ vô điều kiện để Dân góp sức giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, cùng dọn dẹp “rác rưởi, sâu bọ” trong đội ngũ cán bộ. Tức là không ngừng “gây nên một cuộc vận động trong công nông chống trộm cắp; làm cho lũ trộm cắp “đường hoàng” cũng như trộm cắp kín đáo - không sống còn được”, như Bác Hồ mong và làm hơn 67 năm trước!

“Khó vạn lần Dân liệu cũng xong”!

Thì khi ấy, những tên trộm cắp, dù nghiệt chủng nào, khó có thể thoát khỏi lưới giời Nhân dân lồng lộng!

Nhị Lê
.
.
.