Những đài hoa bất tử trong lòng dân tộc

Thứ Tư, 24/07/2019, 09:13
Có một vùng đất nằm giữa lòng đất thép Thái Nguyên… Vùng đất mà gần nửa thế kỷ qua đã trở thành “địa chỉ đỏ” sáng ngời trong trang sử vàng truyền thống của lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam. Đó là Lưu Xá - nơi 60 liệt sĩ Đại đội TNXP 915 hy sinh.


Sống bám cầu đường, chết kiên cường, bất khuất

Hằng năm, vào độ tháng bảy, khi hàng triệu con tim hướng về các địa danh lịch sử, tỏ lòng tri ân các thế hệ cha anh đã sống, chiến đấu, hy sinh cho hòa bình, tự do của Tổ quốc, bà Lương Thị Hội, SN 1953, dân tộc Tày ở xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ lại đến thăm Khu di tích Lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ Đại đội TNXP 915 tại phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên.

Thắp nén nhang thơm, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh liệt sĩ, ký ức về những tháng ngày thanh xuân  “sống bám cầu đường” dưới mưa bom bão đạn cùng đồng đội lại ùa về cháy bỏng trong tâm trí người cựu thanh niên xung phong này.

Sáng 24-12-1972, hơn nửa cán bộ, đội viên Đại đội 915 nhận được lệnh bốc dỡ toàn bộ số hàng hóa tại ga Lưu Xá chuyển vào tiền tuyến.

Thời điểm đó, Thái Nguyên là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ vì trên địa bàn có Khu gang thép, tổng kho hoá trường, ga Lưu Xá cùng nhiều tuyến đường quan trọng nối Hà Nội và các cửa khẩu biên giới phía Bắc, lưu lượng xe vận tải mỗi ngày lên tới vài trăm lượt. Chính vì thế, nhiệm vụ của đơn vị rất nguy hiểm, nặng nề.

Các cựu thanh niên xung phong tỉnh Thái Nguyên thăm Khu di tích Lịch sử Quốc gia 915.

Biết đây là nhiệm vụ nguy hiểm, có thể hy sinh, hơn 60 cán bộ, đội viên Đại đội 915 cùng Đội phó Đội 91 Nguyễn Thế Cường đã lên đường với tâm thế của những người lính ra trận. Sau một ngày làm việc cật lực, đến chập tối, hàng hóa cơ bản đã được giải tỏa. Lúc này, máy bay Mỹ gầm rú trên bầu trời, tất cả đội viên Đại đội 915 chạy đến 2 hầm trú ẩn cạnh nhà ga và chuẩn bị ăn cơm tối.

Nhưng, các anh chị đã không kịp ăn bữa cơm dã chiến ấy, một loạt bom B52 rải thảm xuống TP Thái Nguyên, giội trúng 2 căn hầm trú ẩn của đại đội 915; 60 cán bộ, đội viên đã hi sinh…

Nước mắt rưng rưng, bà Lương Thị Hội nghẹn ngào nhớ lại: “Đau đớn lắm... Mấy chục con người trẻ trung phơi phới, nhiệt huyết tràn đầy, vừa nói cười rộn rã. Thế mà… Ba quả bom giội xuống, trúng ngay hầm trú ẩn, phút chốc tất cả tan hoang. Nhiều người thân thể không còn nguyên vẹn, mỗi bộ phận một nơi, thương tâm vô cùng”.

Khoảng lặng sau chiến tranh

Trong 67 TNXP nhận nhiệm vụ ngày 24-12-1972, có 7 người may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Song họ đều bị những di chứng ác nghiệt. Cô gái dân tộc Tày xinh đẹp Bùi Thị Loan quê huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Cạn bị sức ép chấn động nên mất ngôn ngữ, trí nhớ, thành người tâm thần trốn viện đi lang thang suốt 4 năm. May có người quen nhận ra và đưa đi chữa khỏi bệnh. Còn đồng chí Hoàng Văn Thắng thì bị đất lấp đến tận cổ. Mặc dù được cứu sống, nhưng đồng chí Hoàng Văn Thắng sau trận bom ấy bị thương tích, không thể xây dựng gia đình…

Từng trải qua sinh tử cùng nhau, nên ông Hoàng Văn Thắng và bà Nguyễn Thị Nhung, bà Liêu Thị Ly đều cùng dân tộc Tày, trú huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn - họ là 3 trong số 7 TNXP sống sót sau đêm 24-12-1972, họ coi nhau như ruột thịt.

Trong đêm đó, bà Nhung và bà Ly người bị mảnh bom sát thương, người bị sức ép ngất xỉu, chỉ có ông Thắng là còn tỉnh. Thời điểm đối mặt với ranh giới sinh tử trong đêm Noel năm ấy là ký ức kinh hoàng mà ông Thắng không bao giờ quên: “Quả bom rơi trúng ngay cửa hầm, hất tung mọi thứ. Đồng đội đứng đằng trước, đằng sau, bên trái, bên phải đều hy sinh hết… Bây giờ nghĩ lại vẫn quá kinh hoàng, nó mạnh đến nỗi không nghe tiếng nổ đâu. Bom nổ có những người bay qua đầu tôi hàng trăm mét”.

Những lúc trái gió trở trời, di chứng chiến tranh khiến sức khỏe suy kiệt, thân thể đau nhức, những kỷ niệm cũ lại ùa về. Tâm sự cùng chúng tôi, bà Nhung chùng giọng: “Những chị em sống sót trong trận bom đó, không ai lành lặn cả. Tôi bị thương phải khâu nhiều mũi trên đầu, ngón tay và đầu gối”.  

Tượng đài trong lòng dân tộc

Cứ mồng một, ngày rằm và các dịp lễ Tết, anh Lương Văn Lý, ở xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên đều đặn lên nghĩa trang thắp nhang cho chị gái là liệt sĩ Lương Thị Phương và các bạn của chị - những TNXP đã hy sinh trong đêm 24-12-1972. Lần nào cũng vậy, phút giây bên ngôi mộ người chị cả hy sinh ở độ tuổi đôi mươi luôn khiến anh Lương Văn Lý bồi hồi, xúc động. 

Tâm sự với chúng tôi, anh Lý trải lòng: “Khi tôi ra đời, chị tôi đã hy sinh. Tôi chỉ có thể biết về chị qua lời kể của người thân. Mẹ tôi kể chị Phương phải ở nhà trông các em để bố mẹ vào rừng lấy măng bán nhưng khi về thì mới biết chị ấy đã trốn đi TNXP. Bố bắt chị ấy lấy chồng nhưng chị ấy bảo chưa muốn lấy, tôi rất thương chị tôi”.

Tri ân sự hy sinh to lớn, đã trở thành tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, lực lượng thanh thiếu niên, các cá nhân và tập thể trên địa bàn tỉnh đã gây quỹ để xây dựng Khu tưởng niệm tại chính nơi các liệt sĩ TNXP đã ngã xuống…

Năm 2009, Đảng - Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Đại đội 915 thuộc Đội TNXP 91 Bắc Thái, đồng thời xếp hạng địa điểm này là Di tích Lịch sử Quốc gia. 

Năm 2018 cũng với tấm lòng “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” của người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, khu di tích đã được trùng tu lại để có được diện mạo khang trang, đẹp đẽ như ngày hôm nay. 

Giờ đây, cùng với các Di tích Lịch sử Ngã ba Đồng Lộc ở Can Lộc, Hà Tĩnh; Truông Bồn ở Đô Lương, Nghệ An; Hang Tám Cô ở Bố Trạch, Quảng Bình; lực lượng TNXP Việt Nam và nhân dân Thái Nguyên tự hào có thêm Khu Di tích Lịch sử Quốc gia 915.

Ông Nguyễn Ngọc Diên ở quận Tây Hồ, Hà Nội nguyên là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại một số quốc gia. Sau khi nghỉ hưu, trở về đất nước, ông đã thực hiện nhiều chuyến hành trình “tìm về cội nguồn”. Dù trước kia đã đến thăm nhiều di tích, nhưng khi đặt chân đến đây, tận mắt ngắm nhìn các hiện vật, trực tiếp nghe hướng dẫn viên và “nhân chứng sống” kể lại ông vẫn không thể kìm nén được nỗi xúc động trước sự hy sinh to lớn của những TNXP tuổi đời còn quá trẻ.

Chia sẻ về cảm xúc của mình khi đến thăm di tích, ông Diên rơm rớm:“Xót xa quá, anh chị tuổi mới 18, 20 mà đã ra điđể đổi lại những chữ như Bác Hồ nói “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Tuổi trẻ chúng ta cần phải sống xứng đáng với người đã ngã xuống, cố gắng đoàn kết một lòng xây dựng đất nước Việt Nam ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

“Lưu Xá - Đêm Noel màu máu năm 1972
Những nụ cười bom B52 giập khuất.
Các chị các anh gửi trái tim vào đất
Sông núi hiện lên nguyên vẹn hình hài.
Thầm lặng dòng tên làm hoa nắng tượng đài
Hơn tất thảy mọi lời yêu Tổ quốc!”.

60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915 đã đi xa, song lý tưởng đẹp đẽ của các chị, các anh vẫn còn sống mãi. Những người đã chọn một lẽ sống hiến dâng cho Tổ quốc thì tên tuổi của họ sẽ “hóa thành tên đất nước”, tinh thần của họ sẽ như những “Đài hoa bất tử” trong lòng dân tộc…

Hằng Dung
.
.
.