Cụ ông mang hai án tử hình đòi bồi thường oan sai 12 tỷ đồng là ít hay nhiều?

Thứ Bảy, 13/08/2016, 11:39
12 tỷ là số tiền lớn đối với một người bình thường, nhưng với một người phải chịu oan ức 46 năm, trong đó có hơn 5 năm bị tù đày thì khoản tiền này lớn hay nhỏ? Hàng chục ngàn câu hỏi đã gửi về Báo điện tử CAND trong 24h qua để tranh luận về vấn đề này…



    Sau khi đăng bài “Cụ ông mang 2 án từ hình đòi bồi thường oan sai 12 tỷ đồng”, báo điện tử CAND hận được rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả. Trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng, số tiền này là quá ít so với 46 năm ông Thêm phải chịu sự oan trái và ngược lại. 

    Ông Trần Văn Thêm

    Vấn đề ai phải chịu trách nhiệm bồi thường tiền oan sai cho ông Thêm cũng được bạn đọc tranh luận sôi nổi. Ngày 13-8, phóng viên CAND onlie có cuộc trao đổi với luật sư, Thạc sỹ Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc, Đoàn Luật sư Hà Nội để làm rõ những vấn đề này.

    Phóng viên: Thưa luật sư Phạm Thanh Bình, mấy ngày gần đây dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án oan của ông Trần Văn Thêm, 80 tuổi, ở Yên Phong, Bắc Ninh. Với tư cách là người hành nghề luật sư, ông nhìn nhận việc này như thế nào?

    Luật sư, Ths Phạm Thanh Bình: Vụ án của ông Trần Văn Thêm xảy ra đã hơn 40 năm, đến nay các cơ quan tố tụng Trung ương đã kết luận xác định ông Thêm bị oan sai.

    Ông Thêm trên đường đến buổi xin lỗi công khai.

    Dư luận không chỉ quan tâm đến việc những người tiến hành tố tụng sẽ bị xử lý thế nào khi bắt, truy tố và kết án oan cho một công dân vô tội mà còn đặt ra câu hỏi: Vậy tại sao hơn 40 năm (từ ngày 26/1/1976 đến ngày 11/8/2016), cơ quan nhà nước có thẩm quyền không tiến hành đình chỉ bị can và công khai xin lỗi ông Thêm; sau hơn 5 năm tù đày và hơn 40 năm không được minh oan vì một tội không hề phạm, ông Thêm sẽ được bồi thường như thế nào? Cơ quan nào sẽ phải bồi thường cho ông Thêm? v.v…?

    Phóng viên: Luật sư hãy cho biết, việc bồi thường oan sai cho ông Trần Văn Thêm sẽ tiến hành như thế nào?

    Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009 thì “Người bị tạm giam, người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội” thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự.

    Để ông Trần Văn Thêm được nhà nước bồi thường thì ông phải tiến hành các thủ tục giải quyết bồi thường theo quy định tại Chương 3 của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009.

    Đơn yêu cầu bồi thường oan sai của ông Thêm.

    Theo đó, căn cứ quy định tại Điều 34, khi nhận được bản án, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xác định thuộc trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

    Ông Thêm bị án oan do bản án, quyết định của Tòa án; trong vụ án này Tòa phúc thẩm TAND Tối cao (nay là Tòa án cấp cao) tại Hà Nội là cơ quan xét xử phúc thẩm với ông Thêm - bản án có hiệu lực ngay khi tuyên án nên căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 34, ông Thêm cần gửi đơn yêu cầu bồi thường đến Tòa án nhân dân cấp cao, cơ quan này phải chịu trách nhiệm bồi thường oan sai.

    Đơn yêu cầu bồi thường có các nội dung chính sau đây:

    - Họ và tên, địa chỉ của người yêu cầu bồi thường thiệt hại;

    - Lý do yêu cầu bồi thường;

    - Thiệt hại và mức yêu cầu bồi thường.

    Đồng thời, kèm theo đơn yêu cầu bồi thường phải có bản án, quyết định xác định người đó thuộc một trong các trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước và tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường.

    Ông Thêm thắp hương báo cáo tổ tiên trước khi ra hội trường dự lễ xin lỗi công khai.

    Phóng viên: Theo lời ông Thêm và các nhân chứng là những người có chức vụ ở Công an tỉnh Vĩnh Phú (cũ) (những người tham gia điều tra, bắt giữ hung thủ thực sự của vụ án là Phùng Thanh Nhàn), ông Thêm bị hung thủ đánh vào đầu gây thương tích. Tuy nhiên, vết thương trên đỉnh đầu ông Thêm (đến nay vẫn còn sẹo, gây đau nhức suốt 46 năm qua) nhưng chưa được giám định tổn hại. Như vậy, việc bồi thường tổn hại sức khỏe sẽ được thực hiện như thế nào, thưa luật sư?

    Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Trường hợp này không thể áp dụng Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2009 mà phải căn cứ vào các quy định của Luật dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đây là trường hợp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng).

    Do ông Thêm bị thiệt hại về sức khỏe trong vụ án hình sự nên theo Điều 28 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự thì: Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

    Như vậy, nếu có đủ chứng cứ để chứng minh, ông Thêm có thể khởi kiện hung thủ theo thủ tục tố tụng dân sự về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. Tuy nhiên, sự việc trên đã xảy ra gần 46 năm về trước, đã trải qua thời gian khá dài và ông Thêm cũng lớn tuổi nên việc xác định mức độ tổn hại sức khỏe và do bị hung thủ đánh là khá khó khăn.
    Ông Thêm đọc báo CAND viết bài về vụ án oan sai thế kỷ

    Phóng viên: Vụ án oan của ông Thêm chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn ông bị giam hơn 5 năm và giai đoạn ông được trở về nhà nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố là bị oan sai hơn 40 năm. Vậy, việc bồi thường oan sai cho ông sẽ được tính như thế nào?

    Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Vụ án oan của ông Thêm chia thành 2 giai đoạn, do đó tính mức bồi thường cũng cần thiết phải chia thành 2 mức độ khác nhau:

    Giai đoạn 1 (giai đoạn ông Thêm bị giam hơn 5 năm):

    Theo quy định tại chương 5 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2009 thì ông Thêm có thể được bồi thường các thiệt hại sau:

    - Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút: Nếu ông Thêm chứng minh được thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất trong hơn 5 năm bị giam thì Nhà nước sẽ đền bù tương ứng với số tiền mà ông bị mất. Nếu ông Thêm có thu nhập thường xuyên nhưng không ổn định thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào thu nhập trung bình trong ba tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra.

    Nếu ông Thêm có thu nhập không ổn định và không có cơ sở xác định cụ thể hoặc thu nhập có tính chất thời vụ thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương. Trường hợp không xác định được thu nhập trung bình thì tiền bồi thường được xác định theo mức lương tối thiểu chung đối với cơ quan nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường.

    - Thiệt hại do tổn thất về tinh thần: Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2009, ông Thêm đã chấp hành hình phạt tù hơn 5 năm nên Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần cho ông ba ngày lương tối thiểu cho một ngày chấp hành hình phạt tù.

    Giai đoạn 2 (giai đoạn ông được trở về nhà nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố là bị oan sai hơn 40 năm):

    Trong giai đoạn này, ông Thêm đã được trở về nhà nên sẽ không bị thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; theo đó, trong thời gian này ông Thêm chỉ được bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần. Căn cứ vào khoản 5 Điều 47 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2009, ông Thêm được trở về nhà nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố là bị oan sai trong thời gian hơn 40 năm sẽ được tính trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần cho ông một ngày lương tối thiểu cho một ngày chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố bị oan sai.

    Ngoài việc được bồi thường thiệt hại về mặt vật chất, các cơ quan tiến hành tố tụng còn phải áp dụng các biện pháp khôi phục danh dự cho ông Thêm. Cụ thể là ông Thêm có quyền yêu cầu khôi phục danh dự trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật.

    Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý vụ việc phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai bằng các hình thức: trực tiếp (tại địa phương nơi ông Thêm cư trú) và đăng trên một tờ báo Trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp theo yêu cầu của ông Thêm.

    Phóng viên: Xin cám ơn luật sư!

    Cao Hồng (thực hiện)
    .
    .
    .