Làm gì để không còn những dự án siêu lãng phí?

Công khai, minh bạch là “thượng phương bảo kiếm”!

Thứ Sáu, 06/01/2017, 09:01
Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khi trao đổi với phóng viên Báo CAND về việc cần phải có những giải pháp cụ thể để chống lãng phí trong đầu tư công…

PV: Thưa ông, lãng phí từ lâu nay đã là vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Với cương vị là Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách vấn đề tài chính - ngân sách, ông có nhận định thế nào về tình hình lãng phí hiện nay?

PCTQH Phùng Quốc Hiển: Trong những năm qua, việc quản lý tài sản công, tài chính công và sử dụng ngân sách đã có nhiều tiến triển. Điều đó được khẳng định rất rõ trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, cũng như các đánh giá của Quốc hội. Nếu nói không có bước tiến nào thì không phải.

Có tiến bộ, nhưng thực tế việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn rất nhiều hạn chế và yếu kém, việc sử dụng tài chính công và tài sản công có sự lãng phí trên các góc độ khác nhau và với mức độ khác nhau. Nổi lên nhất ở đây là việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Qua thanh tra cũng như kiểm toán, hàng năm, số thu hồi, số phải xuất toán, số thất thoát chưa thu hồi được rất lớn, tập trung vào tất cả các khâu trong quá trình đầu tư: từ thiết kế, dự toán, thẩm định, thi công, thậm chí ngay cả quyết toán cũng có những cái chưa đúng quy định, gây lãng phí lớn. Chúng ta cũng đã chỉ ra được rất nhiều công trình kém hiệu quả, không đem lại lợi ích kinh tế, kể cả trực tiếp cũng như gián tiếp. Nếu nhìn tổng quát, chỉ số ICOR của chúng ta là hết sức cao.

Theo báo cáo mới nhất, trong giai đoạn 2011 – 2015, ICOR của Việt Nam khoảng 6,92, tức là gần 7 đồng đầu tư xây dựng cơ bản mới tạo ra được 1 đồng tăng trưởng, như vậy chứng tỏ đầu tư của toàn xã hội cũng như của nhà nước là kém hiệu quả, tất nhiên khá hơn so với giai đoạn trước. Yếu tố thứ 2 có thể nhìn ra, chính là chi tiêu thường xuyên. Việc vi phạm về tiêu chuẩn, định mức chi tiêu là rất rõ.

Cũng có nguyên nhân thuộc những quy định về định mức chi tiêu đã lạc hậu, nhưng rõ ràng nhìn về góc độ kỷ luật tài chính, chi tiêu vượt định mức là lãng phí. Chưa kể có nhiều khoản chi đúng chế độ nhưng hiệu quả không cao, như nhiều hội nghị, tiếp tân, khánh tiết hội thảo, đi công tác nước ngoài, mua sắm công… rất lãng phí.

PV: Việc lãng phí, thiếu kỷ luật trong chi tiêu ngân sách là việc Quốc hội không chỉ kêu một lần, mà lặp đi lặp lại. Vậy đâu là cách để chấm dứt tình trạng này, thưa Phó Chủ tịch?

PCTQH Phùng Quốc Hiển: Trước tiên, phải hoàn chỉnh bằng được hệ thống pháp luật sao cho đồng bộ, chặt chẽ, cụ thể, tính khả thi cao. Cái gì lạc hậu thì phải sửa đổi nó đi cho phù hợp.

Thứ hai là phải công khai minh bạch. Công khai minh bạch chính là “thượng phương bảo kiếm”. Tất cả chỉ tiêu đều được công khai với người dân, báo chí để toàn bộ xã hội kiểm soát. Tôi cho rằng công khai minh bạch sẽ hạn chế rất nhiều lãng phí, vì người ta rất sợ dư luận.

Thứ ba là tăng cường kiểm tra, thanh tra và giám sát vì đó là nguyên tắc trong quản lý tài chính. Cuối cùng, sau thanh tra, kiểm tra, giám sát vẫn là phải xử lý nghiêm những sai phạm và có đền bù thỏa đáng.

Đối với Quốc hội, theo tôi, Quốc hội phải thực hiện đúng chức năng của mình. Đó là lập pháp: xây dựng hệ thống pháp luật hợp hiến, khả thi, cụ thể, và phải đi vào cuộc sống, tránh luật khung, luật ống, luật chờ nghị định, thông tư.

Phải đưa ra các quyết định chặt chẽ về chi tiêu ngân sách, phải thẩm tra cho tốt, phải có những ý kiến đúng đắn, mặc dù chỉ là trên tổng thể cao nhất thôi. Quốc hội không thể tự mình làm tất, tự mình xây dựng dự toán từ đầu.

Các nước từ khi có nền dân chủ nghị viện họ cũng làm như thế, Chính phủ trình, Quốc hội xem xét, quyết định. Vấn đề là phải có quyết định đúng đắn trên cơ sở phân vai, phân quyền cho rõ. Sau đó phải tăng cường giám sát và xử lý hậu giám sát. Cuối cùng là phải xử lý trách nhiệm đối với những vi phạm.

PV: Sau hai kỳ họp của Quốc hội khóa mới, dư luận cho rằng Quốc hội dường như đưa ra những thông điệp mạnh mẽ hơn đối với Chính phủ, với đòi hỏi cao hơn?

PCTQH Phùng Quốc Hiển: Hoạt động của Quốc hội qua các nhiệm kỳ đều thường xuyên, liên tục, có tính tiếp nối, rất có hệ thống và có xu thế ngày một làm việc hiệu quả, chất lượng hơn. Những thông điệp đã được Chủ tịch Quốc hội khẳng định rất nhiều lần, là thực hiện nghiêm tinh thần của Hiến pháp 2013.

Ví như trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, Hiến pháp quy định tất cả các khoản thu, chi đều phải có dự toán, như vậy, nếu không có dự toán sẽ bị xuất toán.

Đây là những thay đổi lớn. Hay việc Kiểm toán Nhà nước báo cáo kết quả kiểm toán trước Quốc hội thì cũng là quy định của Hiến pháp, của Luật Ngân sách Nhà nước. Lần đầu tiên Hiến pháp có quy định địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước, nói rõ nhiệm vụ kiểm toán tài sản công và tài chính công.

Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 quy định Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo trước Quốc hội về kết quả kiểm toán… Có người cũng nói Quốc hội khó tính hơn. Nói vậy cũng đúng, phải khó tính chứ, mỗi đồng tiền đó là của dân, chi tiêu phải chặt chẽ.

Ngay cả các kỳ họp của UBTVQH cũng thể hiện tinh thần thực sự quyết liệt, và tới đây sẽ có nhiều đổi mới chống được lãng phí. Tôi đơn cử chúng ta đưa vào xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm.

Thậm chí kế hoạch hàng năm cũng có một năm dự toán và hai năm dự báo. Quy định đó yêu cầu Chính phủ, các Bộ phải cân nhắc, tính toán nhiều hơn, và việc chi tiêu đó phải có quy hoạch, có kế hoạch chứ không phải theo ý chí chủ quan. Đấy cũng là một cách chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong chi tiêu.

Việc chống lãng phí tôi cho là cũng không kém phần quan trọng so với chống tham nhũng, chống tiêu cực, bởi có khi hậu quả còn nặng nề hơn và thậm chí lãng phí cũng dễ xảy ra tham nhũng. Hai cái đó như người bạn đồng hành.

Nhưng tất cả phải là một quá trình liên tục. Tất cả hệ thống chính trị chúng ta và người dân phải vào cuộc. Tôi cũng rất hi vọng vào báo chí, là một kênh rất quan trọng để chống lãng phí, chống tiêu cực, nhưng quan trọng cũng là phải nói cho đúng.

PV: Ông đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội trong một nhiệm kỳ khó khăn hơn, các dư địa cho tăng trưởng đã không còn nhiều, ngân sách khó khăn và đòi hỏi của người dân cũng cao hơn. Những thách thức này mang tới cho ông điều gì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ?

PCTQH Phùng Quốc Hiển: Đòi hỏi ngày một cao hơn là điều thấy rõ. Các dư địa về tăng trưởng, tài chính bắt đầu không còn như xưa nữa. Vay ODA không còn ưu đãi như xưa nữa, thời gian vay giảm đi, lãi suất tăng lên. Tình hình kinh tế thế giới, khu vực cũng ngày càng trở nên phức tạp, khó lường, chúng ta đã hội nhập, thị trường rộng mở, nhưng cũng bị sức ép của cạnh tranh.

Rõ ràng luật pháp cũng chặt chẽ hơn, đòi hỏi của nhân dân cũng cao hơn. Xã hội càng văn minh, đòi hỏi về công khai minh bạch phải khác. Đòi hỏi cao hơn thì hiệu suất làm việc phải cao hơn, áp lực phải khác chứ. Nhưng cái đó cũng tạo ra động lực.

PV: Xin trân trọng cảm ơn!

Vũ Hân (thực hiện)
.
.
.