Làm gì để không còn những dự án siêu lãng phí?

Đổ hàng chục nghìn tỷ đồng vào những dự án siêu lãng phí

Thứ Năm, 05/01/2017, 08:34
Đầu tư những “đại dự án” bằng vốn Nhà nước nhưng phớt lờ các dấu hiệu thị trường, hàng chục nghìn tỷ tiền thuế của người dân đã bị “chôn” theo những dự án này, trong khi ngân sách đang rất khó khăn.

Chỉ 5 đại dự án được Quốc hội điểm danh từ tháng 7-2016 đã ngốn đến hơn 30.000 tỷ đồng, mới đây, bản danh sách các dự án loại này của riêng ngành Công Thương đã lên đến con số 12, và dường như vẫn chưa phải con số cuối cùng.

Cùng với việc khắc phục hậu quả những dự án này, vấn đề đặt ra là cần có cơ chế giám sát thế nào để trong tương lai sẽ không còn những siêu dự án lãng phí…

Thêm 7 dự án vào danh sách cần tập trung xử lý

5 đại dự án nổi tiếng đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội điểm danh từ tháng 7-2016 là: Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hoá chất) đầu tư với số vốn 12.000 tỷ đồng nhưng qua 4 năm hoạt động, mỗi năm đã lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư 7.000 tỷ đồng nhưng đã phải tạm ngừng hoạt động; Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất là một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia với số vốn đầu tư lên đến hơn 2.200 tỷ đồng đã dừng hoạt động; Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai; Nhà máy Bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi - tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông) đầu tư với số vốn 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp. Tính sơ sơ, số vốn đổ vào những dự án này đã lên tới 32.200 tỷ đồng.

Dự án xơ sợi Đình Vũ của PVTex không có hiệu quả kinh tế dù đã đầu tư tới 7.000 tỷ đồng.

Phát biểu về các đại dự án này, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum) đã “thử so sánh hàng ngàn tỷ đồng đầu tư lãng phí, trong khi hàng triệu người dân đang nhọc nhằn lao động mưu sinh hàng ngày, chỉ cần có thêm vài ba trăm ngàn đồng mỗi tháng là đã có cơ hội cải thiện cuộc sống, mới thấy sự lãng phí là quá lớn, quá khổng lồ".

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ tại bản kết luận thanh tra của 2 trong 5 dự án này, nhiều sai phạm nghiêm trọng đã được chỉ ra. Lãnh đạo doanh nghiệp – những người được cử làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các đơn vị này đã hoàn toàn phớt lờ việc đánh giá hiệu quả dự án, tùy tiện quyết định nhiều nội dung dẫn đến đội chi phí, chọn nhà thầu không đủ năng lực dẫn đến chậm tiến độ, chọn công nghệ lỗi thời khiến giá cả và chất lượng sản phẩm không thể cạnh tranh... cơ bản họ đã chỉ làm một việc là ném tiền Nhà nước qua cửa sổ.

Bên cạnh đó, các cấp lãnh đạo cao hơn, như Tập đoàn Dầu khí, như Bộ Công Thương... lại buông lỏng quản lý, đến khi các dự án đã thành một cục nợ khổng lồ mới “ngó” đến, nên trở thành  quá muộn.

Đơn cử, dự án xơ sợi Đình Vũ, dự kiến “hoàn vốn trong 8 năm 8 tháng, đưa vào hoạt động là có lãi” nhưng thực tế đã lỗ gần 1.500 tỷ đồng trong 3 năm hoạt động và dự kiến hoàn vốn trong... 22 năm 10 tháng, quá cả vòng đời (22 năm) của dự án.

PVTex là chủ đầu tư, trước khi phê duyệt dự án đã không thực hiện tổ chức thẩm định, xem xét các yếu tố về hiệu quả, tính khả thi; không thẩm định tổng mức đầu tư. Sau khi thương thảo và ký kết hợp đồng EPC, PVTex đã phê duyệt tăng tổng mức đầu tư không đúng đối với một số khoản chi phí với giá trị hơn 38,7 triệu USD.

Trong đấu thầu, PVTex cũng vi phạm nghiêm trọng các quy định như: không có báo cáo thẩm định gói thầu EPC, sơ tuyển nhà thầu trước khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu, nên hồ sơ mời thầu không đủ cơ sở yêu cầu về năng lực kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm đối với nhà thầu.

Hồ sơ mời thầu không có nội dụng yêu cầu nhà thầu về các năng lực tối thiểu trên – một điều kiện rất quan trọng có tính quyết định đến sự thành công của dự án, vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Đấu thầu và một số văn bản khác...

Nghiêm trọng hơn cả, trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư và nhà thầu đã không tuân thủ hợp đồng, thay đổi nguồn gốc, xuất xứ một số thiết bị nhưng không thương thảo trước.

Dù xử lý cách nào, thua thiệt là không tránh khỏi

Ngoài 5 dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả đã nêu trên, hiện Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý tồn tại, yếu kém ở 12 nhà máy, dự án lớn thuộc ngành Công Thương đã bổ sung 7 nhà máy, dự án khác vào danh sách.

Đó là Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy Phân bón DAP 1 Lào Cai, Nhà máy Phân bón DAP 2 Hải Phòng, Nhà máy Ethanol Bình Phước, Nhà máy Ethanol Phú Thọ, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất cùng Dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy Gang thép Lào Cai.

12 dự án này được đưa vào danh sách các dự án tạm gọi là “đắp chiếu” để tập trung xử lý dứt điểm theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm giảm nguy cơ mất vốn đầu tư, tiêu hao nguồn lực của Nhà nước và xã hội.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tinh thần xử lý các dự án, nhà máy này là phải rất quyết liệt, khẩn trương, bảo đảm tới hết năm 2017 phải có chuyển biến căn bản về kết quả xử lý, phấn đấu tới hết năm 2018 cơ bản xử lý xong các dự án này.

Với các sai phạm nghiêm trọng được kết luận tại một số dự án, một số tập thể, cá nhân đã được kiến nghị xử lý hình sự, dẫn đến tình trạng nhiều người đột ngột biến mất, đi “chữa bệnh” hay “đi học” ở nước ngoài, khiến Bộ Công Thương phải thắt chặt việc quản lý cán bộ. Tuy nhiên, đó chưa phải là vấn đề chính yếu nhất, khi hàng chục nghìn tỷ đã đổ ra đầu tư, hiện chưa biết có cách nào thu hồi.

Theo thông tin chúng tôi có được, dự án Ethanol Dung Quất đang nằm “chờ thời” để quay trở lại hoạt động, vì phương án sáp nhập với lọc dầu Dung Quất có thể gây rủi ro cho hoạt động của công ty này.

Dự án Gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn II đang được tìm cách bán lại cho đối tác khác; cùng với việc thoái vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco).

Được biết, hiện đã có đối tác trong nước muốn mua trả góp dự án, và có cả DN Trung Quốc quan tâm đến mua lại dự án. Hiện Bộ Công Thương đang tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn để thực hiện việc thẩm định giá đối với dự án. Dù phương án xử lý là gì, việc mất vốn đương nhiên khó tránh khỏi, vấn đề chỉ là mất bao nhiêu. 

Vũ Hân
.
.
.