Trò chuyện Chủ nhật

Hãy học cách chọn nhân tài của chính Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ Nhật, 03/06/2018, 10:45
Hãy học cách chọn nhân tài của chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người tiến cử, bổ nhiệm nhiều vị trí trọng yếu của Chính phủ mà không phải là đảng viên.




Thi tuyển công chức, lãnh đạo đang là chủ trương lớn của Đảng, được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 7 vừa qua. Đây là một trong những vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là sau những vụ chạy chức, chạy quyền, bố trí, bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chuẩn, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau về vấn đề này.        

Phóng viên: Chủ trương thi tuyển công chức nói chung và cán bộ lãnh đạo nói riêng đã được cụ thể hoá trong Nghị quyết Trung ương 7 của Đảng, ông đánh giá về chủ trương này như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Đây là một chủ trương rất đúng đắn. Thật ra câu chuyện này không phải là mới. Từ xưa, các triều đại phong kiến nước ta đã coi khoa cử là con đường chủ yếu để lựa chọn quan lại. Ngoài khoa cử, còn có chế độ tiến cử, bảo cử, tập ấm, nhiệm tử... Đối với chế độ ta hiện nay, thì chế độ thi tuyển cán bộ công chức mới đặt ra những năm gần đây.

Đặc biệt là thi tuyển cán bộ lãnh đạo thì mới có một vài nơi thực hiện nên chưa thành chủ trương nhất quán. Nghị quyết Trung ương 7 đề cập đến vấn đề này như là một chủ trương chính thức, rất đúng đắn và chỉ có thể thông qua con đường thi tuyển mới lựa chọn được cán bộ có tầm vóc tương xứng với trọng trách, đủ năng lực để đảm đương nhiệm vụ theo chức danh, vị trí công tác.

Phóng viên: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy“Có tài nhưng không có đức là người vô dụng”, trên thực tế, việc thi tuyển có thể giải quyết được yếu tố“tài”, nhưng cán bộ lại cần phải có cả “đức”. Yếu tố này không dễ định lượng như yếu tố “tài”. Vậy, làm thế nào để chọn được người vừa có tài vừa có đức, thưa ông?

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Về mặt đức thì không thể thi tuyển được. Đạo đức của con người được tích hợp trong cả quá trình lớn lên và trưởng thành, được tác động bởi nhiều yếu tố, từ môi trường giáo dục, gia đình và sự nỗ lực của bản thân người đó... Để đánh giá được phải qua sự quan sát, theo dõi của tập thể, cá nhân.

Theo tôi, trong yếu tố “đức” quan trọng nhất là đạo đức công vụ bởi đã là cán bộ phải có đạo đức công vụ. Đạo đức công vụ là gì? Đó là tinh thần trách nhiệm đối với công việc, với đồng đội, với đất nước, với nhân dân, phải biết gạt bỏ lợi ích riêng của cá nhân để tập trung vào lợi ích chung. Cái này hoàn toàn có thể đánh giá được thông qua việc làm, hành động, sự gương mẫu của chính cá nhân đó.

Phóng viên: Trước đây, đã có một số cơ quan, bộ, ngành như Bộ Giao thông vận tải thi tuyển Tổng cục trưởng, Trường Đại học Luật thi tuyển Hiệu trưởng... thậm chí có nơi tổ chức thi tuyển nhưng không bố trí cán bộ trúng tuyển vào vị trí công tác đó. Theo ông, vì sao có việc này và khắc phục như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Như tôi đã đánh giá,vì thi tuyển các chức danh lãnh đạo, chức danh nghề nghiệp chưa trở thành quy định có tính bắt buộc, chưa được ghi nhận đầy đủ trong văn bản có tầm một đạo luật đối với các chức danh lãnh đạo nên xảy ra tình trạng trên.

Chính vì vậy, chủ trương của Nghị quyết Trung ương 7 phải hiện thực hoá bằng pháp luật. Muốn hiện thực hoá thì đạo luật phải sửa là Luật Cán bộ công chức. Theo đó, phải cụ thể hoá chức danh nào phải thông qua thi tuyển.

Phóng viên: Nếu sửa luật, quy định các chức danh buộc phải thi tuyển thì có mâu thuẫn với chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ không, thưa ông?

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Con đường thi tuyển là chủ yếu, nhưng chúng ta vẫn phải có các con đường khác để cung cấp nguồn cán bộ cho bộ máy, như thông qua đề cử của cá nhân, tập thể. Tinh thần này trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã có. Tức là thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo. Nhưng rất tiếc là trong các văn bản pháp luật chưa thể chế hoá kịp. Tôi cho rằng, trên cơ sở phân loại cán bộ thành các nhóm, đặt ra các tiêu chuẩn, tiêu chí và cách thức lựa chọn.

Ông Lê Thanh Vân.

Phóng viên: Theo ông, nếu phân thành các nhóm thì những nhóm nào, có cần thiết tất cả chức vụ lãnh đạo đều nên thi tuyển hay không?

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Theo tôi, không phải vị trí lãnh đạo nào cũng phải thi tuyển. Cái này nên phân biệt rõ. Cán bộ làm chính trị thì không cần thi tuyển nhưng cán bộ làm quản lí, điều hành, chỉ huy thì nên bắt buộc thi tuyển. Vì sao?

Cán bộ chính trị làm công tác Đảng, hay các vị đại biểu dân cử thì con đường hình thành nên sự nghiệp của họ chủ yếu qua tranh cử và bầu cử. Họ phải có cương lĩnh, chương trình hành động, trong đó phải đề xuất được chính sách thuyết phục thì mọi người mới bầu cho họ.

Muốn vậy, thì chính sách mà người ứng cử đề xuất phải thể hiện được tầm nhìn của người đó đối với sự phát triển của đất nước, cơ quan, đơn vị, địa phương.Và đương nhiên, con đường bầu cử phải có cạnh tranh. Tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 cũng đề cập đến vấn đề này. Tức là, khi giới thiệu bầu cử phải giới thiệu ít nhất 2 người. Đây là chủ trương rất đúng đắn, phù hợp với phương pháp lựa chọn cán bộ.

Đối với các chức vụ quản lí, điều hành chỉ huy thì phải qua thi tuyển. Vì sao vậy? Vì các chức danh lãnh đạo ở phương diện chính trị là con đường hình thành nên các chính trị gia, chính khách, họ phải khởi xướng chính sách, phải đề xuất được đường đi, nước bước cho tập thể, cơ quan, đơn vị và cao hơn cả là đất nước. Còn cán bộ quản lí, điều hành trong bộ máy, đó là những công chức cao cấp, họ không phải chính trị gia, chính khách thì phải thông qua thi tuyển. Với tính chuyên nghiệp, nắm chắc đường lối, pháp luật để sử dụng nó vào qua trình quản lí, điều hành. Muốn vậy, phải tinh thông những công cụ của pháp luật để vận hành nó.

Như vậy, rõ ràng 2 nhóm đối tượng này con đường trưởng thành khác nhau, đòi hỏi năng lực, trí tuệ khác nhau. Chúng ta đừng nhầm lẫn giữa 2 nhóm cán bộ này.

Phóng viên: Có rất nhiều trường hợp, khi đạt được vị trí lãnh đạo nào đó rồi, người cán bộ đã thoả mãn, không tiếp tục phấn đấu nữa, coi đó là “đỉnh của danh vọng”, việc này sẽ xử lí ra sao để tránh trì trệ bộ máy, thưa ông?

Đai biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Cán bộ sau khi trúng tuyển, trúng cử rồi, đạt được vị trí lãnh đạo rồi thì cơ quan có thẩm quyền ở tập thể bầu ra, sử dụng nhân sự đó phải giám sát, kiểm tra xem những lời họ cam kết khi vận động tranh cử, thì nay họ thực hiện đến đâu, có thực hiện hay không. Tương tự, những người bổ nhiệm thông qua con đường thi tuyển, phải giám sát các chương trình hành động, kế hoạch lúc họ thi tuyển không.

Tinh thần này Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu, được kế tục trong Nghị quyết Trung ương 7. Ở chế độ phong kiến, thời Lê Thánh Tông có chế độ giản thái có nghĩa là hàng năm Bộ Lại chủ trì giúp cho nhà vua rà soát lại quan lại, thi cử, kiểm tra lại hoạt động xem đã hoàn thành nhiệm vụ được chưa, nếu năng lực không đáp ứng được hoặc vi phạm thì bãi chức, thay thế ngay.

Ở các nước phát triển cũng vậy, như ở Singapore, mỗi 1 năm, quan chức từ Thủ tướng trở xuống đều phải tự học ít nhất 100 giờ về quản lí trong sự thay đổi. Chính xác là anh phải linh hoạt ứng biến với tình hình, dù ở cương lĩnh, chương trình của anh trước đó anh vẫn đang theo đuổi, thực hiện, nhưng hàng năm dưới tác động của kinh tế thế giới, khu vực và các biến động khác thì phải có ứng phó kịp thời. Chính vì vậy, người cán bộ lãnh đạo phải có năng lực nhận diện tình hình để có biện pháp xử lí kịp thời. Dĩ bất biến, ứng vạn biến. Đường lối chiến lược là bất biến, giải pháp chiến thuật là ứng biến. Đó là những đòi hỏi trong thi tuyển và sử dụng cán bộ.

Phóng viên: Theo ông, việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo có làm ảnh hưởng đến quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ hay không? Có làm cán bộ tại chỗ chán nản khi phấn đấu mãi không “lên” được, người khác ở đâu “nhảy về”?

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Việc thi tuyển, bổ nhiệm vào các chức danh hay giới thiệu vào các vị trí lãnh đạo, không nhất thiết phải dựa vào nguồn chủ yếu đó là nguồn cán bộ trong quy hoạch, thậm chí đối với những nhân vật vượt trội về đức, tài thì cũng không nên máy móc về độ tuổi.

Chúng ta có quy hoạch động, quy hoạch mở, một người có thể quy hoạch nhiều chức danh và một chức danh có thể quy hoạch nhiều người. Nhưng chúng ta không nhất thiết gò bó trong khuôn khổ ấy, bởi hiền tài ngoài xã hội bao giờ cũng phong phú hơn trong hệ thống.

Thi tuyển là giới thiệu để mà ra cạnh tranh, bầu cử, có thể mở rộng ra các đối tượng khác. Mục tiêu quan trọng là tìm được người tài, đức đích thực. Người này không nhất thiết là trong quy hoạch, không nhất thiết là trong cơ quan đơn vị, hễ ai đáp ứng được tiêu chuẩn về tài, đức đều có thể được lựa chọn. Có như vậy, chúng ta mới có phương pháp, có kênh thông tin, nguồn cán bộ rộng rãi, không bị bó hẹp. Hãy học cách chọn nhân tài của chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người tiến cử, bổ nhiệm nhiều vị trí trọng yếu của Chính phủ mà không phải là đảng viên.

Phóng viên: Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 thì Thủ trưởng đơn vị có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ dưới quyền. Vậy, theo ông,việc này có mâu thuẫn với việc thi tuyển hay không? Làm thế nào để tránh nạn độc đoán, lạm quyền?

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Độc đoán, lạm quyền chỉ nói trong trường hợp cố ý làm trái pháp luật, trái nguyên tắc. Nếu anh làm đúng pháp luật, chọn đúng người tài còn được trọng thưởng mới đúng, vì đã làm được việc có ý nghĩa. Ngược lại, phải đề cao kỷ cương, gắn trách nhiệm của người có thẩm quyền với công tác cán bộ để ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền lực, độc đoán, chuyên quyền, làm theo ý muốn của mình, biến quyền lực công thành quyền lực tư để bổ nhiệm người thân, bè cánh, tay chân, đệ tử, cánh hẩu, người có tiền... Chúng ta phải lên án, ngăn chặn, phải coi đó là tội phạm tham nhũng và phải bị trừng trị nghiêm khắc những hành vi đó.

Điều này trong Nghị quyết Trung ương 7 đã đề cập, chính trong bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư cũng đã nêu rõ, đó là hành vi vi phạm pháp luật cần phải trừng trị thích đáng. Nếu chúng ta xử lí nghiêm, sẽ ngăn chặn lạm dụng quyền lực, buộc những người có thẩm quyền chỉ có duy nhất con đường lựa chọn người thực đức, thực tài thôi. Nếu họ chọn ê kíp, chọn người thân thiết, mua quan bán chức sẽ bị trừng trị nghiêm khắc bởi pháp luật.

Phóng viên: Nghị quyết Trung ương 7 đề cập đến việc trẻ hoá cán bộ trong tất cả các cấp lãnh đạo. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp bổ nhiệm con ông cháu cha quá trẻ, quá nhanh, không đủ tiêu chuẩn, chín ép. Nếu thực hiện theo tinh thần này, theo ông có thể đẩy lùi một cách căn bản tình trạng trên không?

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Rõ ràng những giải pháp Nghị quyết Trung ương 7 đưa ra là hướng tới việc ngăn chặn tình trạng đó, nhưng điều quan trọng là phải thể chế, cụ thể hóa bằng pháp luật, phải trở thành các quy tắc xử sự chung cho tất cả mọi tổ chức, cơ quan và cá nhân. Có như vậy, thì đường lối, chủ trương của Đảng mới thành hiện thực. Nếu chúng ta không thể chế hoá kịp bằng các quy định của pháp luật mang tính bắt buộc, thì tình trạng lạm dụng quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ vẫn diễn ra.

Cùng với việc chỉnh đốn công tác cán bộ, theo tôi, phải tổng rà soát lại việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo, quản lý, điều hành ở tất cả các cấp trong thời gian vừa qua. Đây là câu chuyện mà xã hội đang vô cùng bức xúc. Đã có những vị trí, kể cả cán bộ cấp cao không hoàn thành nhiệm vụ, đã có những việc làm, phát ngôn không đúng với tầm vóc lãnh đạo, không đúng với vị thế của mình. Chính vì vậy, cần rà soát lại quy trình, tiêu chuẩn và cả động cơ xem có hay không việc lạm dụng quyền lực trong đề cử, bổ nhiệm? Có hay không việc chạy chức, chạy quyền? Từ đó, kịp thời thay thế bằng những người xứng đáng, lấy lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phương Thủy (thực hiện)
.
.
.