Cớ sao lạc bước cuối đường?

Thứ Hai, 11/01/2016, 09:23
Trước thềm Đại hội XII của Đảng, xuất hiện một số chủ thể khá đặc biệt - người có kinh nghiệm trong nghiên cứu kinh tế, được gọi là chuyên gia, bất ngờ trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài rằng “đã là kinh tế thị trường thì không cần tới bất cứ thành phần nào là chủ đạo, kể cả là “nhà nước”.

Chuyên gia này còn cho rằng, kinh tế thị trường hiện nay ở Việt Nam nên chăng “cần được xác định là theo định hướng phát triển hiện đại hơn là “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Phát biểu của chủ thể khá đặc biệt này ngay lập tức được nhiều mạng nước ngoài nhanh tay “vồ” lấy, như một cái cớ để tha hồ “bình loạn”, chĩa mũi dùi bới móc dự thảo văn kiện Đại hội Đảng.

Một quan điểm, hay đơn giản chỉ là một phát biểu, sự đúng sai chỉ có thể xuất phát từ hai nguyên do: hoặc là nhận thức, hoặc là vì động cơ muốn hướng lái theo ý đồ của họ. Kinh tế thị trường do ai “cầm trịch”, ai chủ đạo đã là vấn đề được đưa ra từ thời kỳ đầu của đổi mới, tức đã 30 năm. Ngót nghét thời gian dài như vậy, nhận thức luận đã được kiểm chứng qua thực tiễn phát triển, thế nên ngày nay vấn đề phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” đã là một nguyên tắc có tính mặc nhiên trong điều kiện nước ta. Trong các văn kiện Đại hội Đảng kể từ năm 1986 tới nay, vấn đề “kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo” được khẳng định như một trụ cột của sự phát triển. Tất nhiên, sự phát triển của thời đại đòi hỏi lý luận cũng phải kịp bổ sung, phát triển theo nhưng vấn đề nào đã có tính rường cột thì không còn là chuyện sớm bàn, chiều bàn, đó đã là xương sống của chiến lược phát triển kinh tế.

Chuyên gia kinh tế thì hiển nhiên phải có hiểu biết sâu về những khái niệm trên, thế nên đây có lẽ không phải là vấn đề nhận thức. Hơn nữa, để đưa ra nguyên tắc trên và ấn định trong văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội, đó là nhận thức luận được các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học thừa nhận, trong đó có chính sự nghiên cứu, khẳng định của chuyên gia kinh tế mà chúng tôi nói ở trên. Mấy chục năm, họ cũng là người khảo sát thực tiễn, nghiền ngẫm lý luận để chắp bút vào nội dung dự thảo các văn kiện Đại hội của Đảng trong giai đoạn đổi mới với các vai trò, chức trách là chuyên gia, là trí tuệ khoa học giúp Đảng, Nhà nước hoạch định chính sách kinh tế, xã hội. Nghĩa là chính họ đã góp phần giúp Đảng đưa ra quan điểm, nguyên tắc “kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường”, “kinh tế thị trường định hướng XHCN” chứ không phải là người ngoài cuộc, không phải là những “cổ động viên” trên khán đài. Sản phẩm của Đảng cũng có từ sự đóng góp của họ với tư cách nhà khoa học, nhà nghiên cứu kinh tế. Thế thì, tại sao mấy chục năm trí tuệ của họ đóng góp với giá trị đã được thực tiễn thừa nhận, nay lại quay ngược 180 độ phủ định văn kiện của Đảng và cũng chính là phủ định thành quả, trí tuệ của bản thân mình suốt gần như cả cuộc đời nghiên cứu về những vấn đề đó? Điều này khiến cho người ta liên tưởng câu chuyện, nhà khoa học nông nghiệp chuyên nghiên cứu giống lúa giúp bà con nông dân no ấm thì đến một ngày, người này phủ định nguyên tắc sống bằng phát biểu “lúa không phải là cây lương thực chủ đạo ở Việt Nam”! Lại nhớ những câu chuyện răn dạy trẻ nhỏ, bình thường thì các cậu bé đi học đều trả lời được 1+1 là 2. Nhưng khi có người dụ “phải nói 1+1=3 mới có kẹo”. Lập tức, cậu bé đó trả lời “bằng 3” vì trong đầu cậu ta không còn là phép tính nữa mà chỉ nghĩ viên kẹo ngọt lịm!

Rõ ràng, với chuyên gia giàu kinh nghiệm thì vấn đề không nằm ở nhận thức. Nghĩa là chỉ còn ở vấn đề động cơ. Gần đây, thấy một số người đã cống hiến nhiều cho sự nghiệp, thậm chí từng giữ những chức trách quan trọng trong bộ máy Nhà nước, nói và làm theo ý Đảng, lòng dân nhưng khi về già, khi không còn đảm đương chức vụ nữa, họ lại bất ngờ “bẻ lái” bằng những phát biểu, những hành động đối nghịch với chính mình. Nếu vì lý do nào đó mà nói ngược, dù biết rằng nói như vậy trái với chính nhận thức, suy nghĩ của mình, trái với quy luật phát triển, trái với lương tâm, đạo lý thì cái động cơ ấy lớn nhỏ thế nào, tất đáng phải ngẫm lắm. Nhiều người, cả một đời cống hiến, cả một đời phụng sự, tạo dựng được cái uy tín trong chừng mực nào đó và là thành quả, sự cống hiến rất đáng trân trọng. Tên tuổi họ được xã hội biết đến, được nhiều người lấy làm gương cũng bởi cái trí và cái đức mà họ để lại cho đời. Thế thì khi về già càng phải giữ sao cho trọn, đừng để sứt mẻ vì điều gì bởi một động thái sai của mình không chỉ ảnh hưởng cá nhân mà còn ảnh hưởng xã hội, ảnh hưởng con cháu mình, điều ấy thiêng liêng lắm.

Cái ghế “quan” khi phụng sự thì nói năng, hành động đúng hướng, khi rời ghế hết bổng lộc, nhất là khi “gần đất xa trời” lại bị một động cơ khác chi phối, nói ngược, nói trái với đường hướng cách mạng, ấy là lẽ tại làm sao? Lập trường không lung lay khi trai trẻ, không lung lạc khi sung túc, ở cái tuổi trên kính, dưới nhường, cái lẽ đạo lớn lắm, sao lại bước khỏi đường ray, sao lại có thể bị “nhiễm” bởi một chất xúc tác không đáng có? Cuộc sống có rất nhiều thứ chi phối, con người có thể bị đánh gục bởi nhiều động cơ nhưng thiết nghĩ, đã bước đúng, đã vững vàng gần hết con đường mình chọn thì hãy để niềm tin ấy theo bước đến trọn đời, theo nốt đoạn đường phía trước, không để mọi sự đố kỵ, hẹp hòi cá nhân ngăn cản, điều khiển chính mình!

Đăng Minh
.
.
.