Phòng, chống “diễn biến hòa bình”: Hiện đại hóa để tự vệ

Thứ Tư, 23/04/2014, 09:44
Khi xưa, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải (1241 - 1294) chiêm nghiệm trong “Tụng giá hoàn kinh sư”: “Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san” (Thái bình rồi nên dốc hết sức lực, muôn đời vẫn có non sông này). Nền thái bình của dân tộc vốn trải qua bao mất mát, hy sinh suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, gắn những cuộc chiến chinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, giữ yên bờ cõi, điều ấy càng hun đúc sự quý trọng, khát khao và thấu hiểu sâu xa hòa bình, độc lập mà ráng sức gìn giữ. Nhưng một quy luật tất yếu, muốn thái bình phải “tu trí lực”, ấy là gắng sức dựng xây cả về nền tảng kinh tế, vật chất cũng như củng cố sức mạnh đoàn kết toàn dân gắn với sức mạnh quốc phòng, an ninh.

Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đương thời tâm niệm trước Đức vua Trần Anh Tông: “Nay lúc bình thời, phải khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ, bền gốc. Ấy là thượng sách để giữ nước”.

Nhắc lại chuyện xưa để thấu rõ đường lối, chính sách xuyên suốt lịch sử của dân tộc Việt Nam luôn đề trọng khát vọng hoà bình, độc lập. Chiến lược quốc phòng của Việt Nam xuất phát từ cội nguồn sâu xa ấy, cho dù mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử có những bước đi cụ thể, thích hợp. Ấy thế mà vừa rồi, khi Việt Nam thực hiện kế hoạch hiện đại hoá Hải quân, mua sắm tàu ngầm, không ít luận điệu của các thế lực chống phá Nhà nước ta đã lên tiếng kích động, quy chụp việc mua sắm tàu ngầm là “chạy đua vũ trang” hay “mối đe dọa”.       

Một số bài viết dùng từ ngữ mang tính khiêu khích, áp đặt các nhận định phiến diện của cá nhân về tình hình biển, đảo trong khu vực để “chọc gậy” vào vấn đề nội bộ các quốc gia, trong đó có việc mua sắm trang, thiết bị Hải quân.

Việc này, cần có cách nhìn khách quan về đường lối quốc phòng cũng như xu hướng hoà bình, hợp tác của các nước trong khu vực.

Việc trang bị tàu ngầm và các công nghệ liên quan đối với Hải quân cũng như tăng cường sức mạnh quốc phòng là việc làm bình thường của bất kỳ quốc gia nào và cũng là xu thế của các quốc gia thành viên ASEAN. Tuy nhiên, không thể đánh đồng việc mua sắm vũ khí, tăng cường tiềm lực quốc phòng thành khái niệm “chạy đua vũ trang” hay việc bổ sung thêm tàu ngầm là “đe dọa an ninh khu vực”, chỉ dấu nhằm vào quốc gia nào. Việt Nam cũng như các quốc gia có chủ quyền biển đảo, trong xu thế thời đại, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo phải gắn với trang bị phương tiện, vũ khí cần thiết. Quốc gia nào để bảo vệ Tổ quốc cũng phải lường trước những yếu tố bất lợi, những nguy cơ xung đột để phòng vệ. Nhưng điều quan trọng là môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác của các nước trong khu vực và sự tin cậy lẫn nhau, điều này được thể hiện qua các văn bản ký kết song phương, đa phương, các diễn đàn chính trị, ngoại giao, diễn đàn quốc phòng, an ninh của các quốc gia trong khu vực.

Tại diễn đàn đối thoại Shangri-La 2013 (Singapore), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu nhấn mạnh vai trò của niềm tin chiến lược giữa các quốc gia. Thủ tướng chỉ rõ, những thách thức và nguy cơ xung đột là không thể xem thường song “mọi người chúng ta đều hiểu, nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột quân sự, nhìn tổng thể thì sẽ không có kẻ thắng người thua - mà tất cả cùng thua. Vì vậy, cần khẳng định rằng, cùng nhau xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng là lợi ích chung của tất cả chúng ta. Đối với Việt Nam chúng tôi, lòng tin chiến lược còn được hiểu trên hết là sự thực tâm và chân thành”. Để có lòng tin chiến lược cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia - nhất là các nước lớn và nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương. Trong lịch sử thế giới, nhiều dân tộc đã phải gánh chịu những mất mát không gì bù đắp được khi là nạn nhân của tham vọng cường quyền, của xung đột, chiến tranh. Trong thế giới văn minh ngày nay, Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung đã trở thành giá trị của toàn nhân loại cần phải được tôn trọng.

Dựng nước và giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn là quy luật có ý nghĩa sống còn và phát triển trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc ta. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục quán triệt, thấu suốt, kiên định và thực hiện nhất quán hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng phát triển và bảo vệ đất nước. Luận thuyết và thực tiễn các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập chủ quyền ở Việt Nam cũng chứng minh rõ, yếu tố quyết định sự thành bại trong mọi cuộc chiến là ở sức mạnh nhân dân với đường lối, chiến thuật quân sự đúng đắn. Khí tài quân sự giữ vai trò quan trọng nhưng không có ý nghĩa quyết định. Là một quốc gia chịu nhiều đau thương, mất mát của các cuộc chiến tranh xâm lược, chúng ta khao khát, chúng ta mong muốn hòa bình, độc lập nhưng thực tiễn lịch sử trường tồn, phát triển của dân tộc cũng chỉ rõ rằng, nền hoà bình, độc lập ấy chỉ có được khi chúng ta biết dựng xây sức mạnh có ý nghĩa cốt lõi từ quần chúng nhân dân, gắn với việc củng cố sức mạnh quốc phòng, an ninh. Điều này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh tại Lễ thượng cờ tàu ngầm đầu tháng 4 vừa rồi: “Hòa bình không thể chỉ khát khao mong muốn mà có. Chúng ta phải mạnh lên về mọi mặt - cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại - với khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, keo sơn, chỉ có như vậy, chúng ta mới giữ vững được hòa bình, mới bảo vệ được vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”. Bởi vậy, cùng với phát triển nhanh, bền vững kinh tế-xã hội, Nhà nước tập trung sức lực xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao, thực sự là lực lượng nòng cốt trong bảo đảm hòa bình, trong phòng thủ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Sự kiện Việt Nam mua sắm tàu ngầm, hiện đại hoá lực lượng Hải quân một lần nữa khẳng định đường lối quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Chúng ta hiện đại hóa quân đội là để phòng thủ, để bảo vệ Tổ quốc, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào. Đường lối chiến lược ấy không phải quan điểm mới mà được đúc kết suốt quá trình dựng xây, bảo vệ Tổ quốc, xuất phát từ gốc rễ truyền thống khát khao, yêu chuộng hòa bình của dân tộc. Vì vậy, không thể quy chụp việc trang bị, mua sắm vũ khí để tuyên truyền kiểu “chọc gậy” như những luận điệu của các thế lực chống đối nói trên

Đăng Trường
.
.
.