Cơ quan nào gây ra oan sai thì cơ quan đó chịu trách nhiệm bồi thường

Thứ Ba, 10/01/2017, 09:10
Đó là quan điểm chung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khi thảo luận về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) tại phiên họp thứ 6, khai mạc sáng 9-1. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.


Mở đầu phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu vấn đề, qua một số vụ việc oan sai, như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) và sắp tới là vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang), khó khăn, vướng mắc nhất trong giải quyết, bồi thường oan sai mà các cơ quan tiến hành tố tụng gặp phải là gì? 

Trả lời câu hỏi này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, qua các vụ bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén và nhiều vụ khác nữa, cái khó là định lượng để xác định bồi thường. Còn vốn để bồi thường thì Bộ Tài chính sẵn sàng đáp ứng. 

“Tuy nhiên, nói về nguồn vốn cũng bị áp lực của dư luận xã hội cũng như trên diễn đàn Quốc hội, là tiền thuế của nhân dân đóng góp không phải là tiền để các cơ quan mang đi bồi thường cho sai phạm trong hoạt động tố tụng hình sự” - Chánh án TAND Tối cao nói.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc giải quyết bồi thường oan sai phải lấy tiền NSNN, đồng thời phải giải thích cho nhân dân hiểu chứ không nên lập quỹ hay rạch ròi khoản này chi cho việc này, khoản khác chi cho việc khác vì không phù hợp với Luật Ngân sách. 

“Không nên thành lập quỹ vì hiện chúng ta có quá nhiều quỹ rồi, cả nước chắc phải 80 quỹ, trong đó 50 quỹ đang hoạt động, mà quỹ thì cũng là ngân sách thôi” – Phó Chủ tịch Quốc hội nêu. 

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, đa số ý kiến nhất trí theo tinh thần của Ủy ban Pháp luật, cơ quan nhà nước làm oan sai thì nhà nước phải bồi thường và không nên lập quỹ. Tuy nhiên nên cân nhắc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Ngân sách để giao cho một cơ quan lập dự toán hằng năm về khoản này.

Cũng theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, vấn đề khó nữa trong giải quyết bồi thường oan sai là bên cạnh những khoản vận dụng rất dễ, như chi phí, tính trên thu nhập tối thiểu của người dân nhân với những ngày bị tù oan thì có những khoản rất lớn nhưng lại hoàn toàn mang tính định tính, không thể định lượng được, ví dụ như tổn hại về danh dự, sức khỏe, tinh thần gần như chỉ mang tính ước lệ…

Chánh án TAND Tối cao lo ngại, nếu không quy định cụ thể thì rất khó cho các cơ quan trong việc giải quyết bồi thường oan sai. Ví dụ như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, khi tiến hành kiểm điểm lại thì tất các cơ quan liên quan nói việc vận dụng bồi thường cho ông Chấn không đúng, dẫn đến khoản bồi thường quá cao (7,2 tỷ đồng - PV). Việc này tạo ra chuẩn mực, các trường hợp bồi thường sau người yêu cầu bồi thường sẽ cho rằng 10 năm tù oan phải bồi thường thế này, 12 năm phải thế kia, 17 năm là mức này… 

“Hiện chúng tôi đang chỉ đạo TAND tỉnh Bình Thuận bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén. Nếu theo đúng khung quy định của Bộ Tài chính thì mức bồi thường cho ông Nén là rất hạn chế và nó chênh lệch khá cao so với ông Chấn, mặc dù ông Chấn tù oan 10 năm, còn ông Nén là 17 năm” - Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, tất cả những gì gây thiệt hại cho người dân, làm oan sai thì phải bồi thường. Tuy nhiên, việc bồi thường nên lượng hoá ra và không nên tuyệt đối. 

“Ví dụ, anh tạm giam người ta, bỏ tù người ta ảnh hưởng thu nhập thì bồi thường theo thu nhập. Nếu người ta đi làm có lương thì phải lấy lương cơ sở tính. Đối với việc bồi thường về tinh thần, loại án nặng làm người ta hoảng loạn thì mức khác, nhẹ hơn thì mức khác, phải bằng lương cơ sở nhân lên số ngày người ta bị giam…”. 

Đối với câu hỏi cơ quan nào bồi thường, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng ý với ý kiến của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình, là cấp nào ra quyết định sai thì phải xin lỗi, bồi thường.

Kết lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thống nhất, cơ quan nào gây ra oan sai thì cơ quan đó chịu trách nhiệm bồi thường. “Nếu các cơ quan tiến hành tố tụng có sự liên đới, theo cả một quy trình thì phải xác định từng khâu một trong quy trình tố tụng, tuy nhiên trên cơ sở cơ quan nào ra quyết định oan sai sau cùng thì phải có trách nhiệm xin lỗi và bồi thường cho dân. Còn việc xác định trách nhiệm cụ thể và bồi hoàn thì tính sau” – Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Quỳnh Vinh
.
.
.