Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình:

Không phải có quỹ đền bù thì sẽ tăng oan sai

Thứ Sáu, 28/10/2016, 12:10
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, không phải có quỹ đền bù thì sẽ tăng oan sai, bởi “những cán bộ được phong các chức danh tư pháp có tự trọng, sĩ diện của người ta. Không phải chỉ có chuyện bồi hoàn tiền là quan trọng nhất, mà còn có công danh, sự nghiệp, kỷ luật, nhất là những kỷ luật về mặt chuyên môn”.


Bên lề Quốc hội sáng 28-10, trao đổi sâu thêm với báo chí về đề xuất lập ra một quỹ để bồi thường oan sai từ các khoản thu được qua đấu tranh với tội phạm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, không phải có quỹ đền bù thì sẽ tăng oan sai, bởi “những cán bộ được phong các chức danh tư pháp có tự trọng, sĩ diện của người ta. Không phải chỉ có chuyện bồi hoàn tiền là quan trọng nhất, mà còn có công danh, sự nghiệp, kỷ luật, nhất là những kỷ luật về mặt chuyên môn”.

Cụ thể, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết: “Ngoài việc dùng nguồn quỹ (lấy từ đấu tranh với tội phạm như hối lộ, tham nhũng, ma túy...) này để bồi thường oan sai, còn dùng để phục vụ cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm và để trang trải cho những rủi ro của cuộc đấu tranh này, đó là nguyên lý mà chúng ta đặt ra”. 

Về việc nguồn tiền thu được có thể rất lớn, trong khi số vụ án oan sai lại rất ít, hàng chục năm mới xảy ra một vụ, ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: “Quỹ này không phải chỉ để cho bồi thường oan sai, mà còn để chi cho công tác tổ chức và đấu tranh phòng chống tội phạm. 

Nhu cầu của công tác đấu tranh trong lĩnh vực này rất nhiều, thậm chí ngân sách Nhà nước còn phải bỏ ra cho công tác này nữa, như chi cho mua phương tiện, bởi nhu cầu trang bị phương tiện, thiết bị cho Bộ Công an, cho cơ quan điều tra là rất lớn, nguồn tiền cho quỹ như vậy sẽ không phải là nhiều. 

Hay trường hợp cơ quan điều tra, Cảnh sát trưng dụng xe của dân đi truy bắt tội phạm gây hư hỏng, móp méo phải sửa chữa, đền cho người dân, thì chúng ta sẽ dùng tiền này để chi trả. Còn chuyện bồi thường hoặc để khắc phục rủi ro thì quả thực không quá lớn”.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trao đổi bên lề Quốc hội 28-10

Phản hồi ý kiến cho rằng nếu Nhà nước thành lập quỹ để bồi thường oan sai thì cán bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ỉ lại, không cẩn thận gây ra oan sai, ông Bình khẳng định: “Không có việc đó. Những cán bộ đã được phong các chức danh tư pháp có tự trọng, sĩ diện của người ta. Không phải chỉ có chuyện bồi hoàn tiền là quan trọng nhất, mà còn có công danh, sự nghiệp, rồi còn có kỷ luật, nhất là những kỷ luật về mặt chuyên môn.

Chúng tôi đang xây dựng quy chế về kỷ luật nội bộ, theo tinh thần rất chặt chẽ. Ví dụ, sẽ quy định vi phạm như thế nào đó thì cán bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không được phân án để làm tiếp, như thế nào đó thì sẽ không được tái bổ nhiệm, và đến mức nào đó thì sẽ tước lại chức danh tư pháp, thậm chí bị kỷ luật”.

Liên quan đến việc đại biểu Quốc hội đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo, xem xét việc bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, “khi không thương lượng được và phải ra tòa thì không có cách nào khác là Tòa phải dựa vào luật. Tòa không dựa vào vụ nọ để xử vụ kia được, như thế là tạo tiền lệ không bao giờ có điểm dừng. Toà án chỉ tuân thủ pháp luật và dựa vào pháp luật, nếu luật bất cập thì sửa đổi, bổ sung”.

Trước đó, cho ý kiến vào dự Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) diễn ra chiều 27-10, đề cập đến việc lấy tiền ở đâu để bồi thường oan sai, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: “Dư luận cho rằng không thể lấy tiền thuế của dân đóng để chi trả cho oan sai, nên chúng tôi kiến nghị áp dụng mô hình như một số nước trên thế giới, lập ra 1 quỹ, nguồn tiền lấy từ tất cả những khoản thu được do đấu tranh với hành vi phạm tội mà có, như hối lộ, buôn lậu, ma tuý, rửa tiền... để trả cho bồi thường, không phải từ tiền thuế của dân... Trong văn bản kiến nghị với cơ quan soạn thảo, chúng tôi đã nêu nhưng không được tham khảo. Đây là câu chuyện nên tham khảo”.

Vũ Hân
.
.
.