Có một nơi để các “Bà mẹ Gạc Ma” tìm về

Thứ Tư, 14/03/2018, 14:53
Tại vùng biển ấy, vào thời điểm ấy, đã có một cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc và đã có những người con nằm lại nơi đảo xa.

Những ngày này, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại phía Bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa luôn mở rộng cửa để đón hàng ngàn thân nhân và du khách khắp nơi tìm về. Họ đến đây để tưởng nhớ, tri ân 64 liệt sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma 30 năm về trước (14-3-1988) - những người đã “nằm lại phía chân trời” để làm nên một biểu tượng “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Trong dòng người trở về Gạc Ma dịp này có ông Đặng Ngọc Tùng – nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Ông Tùng chính là người đã khởi xướng ý tưởng xây dựng công trình ý nghĩa này và dành hết tâm huyết của mình cho đến khi nghỉ hưu để hoàn tất ý nguyện: Những bà mẹ Gạc Ma sẽ có nơi tìm về.

Trung tâm tượng đài là 9 người lính đang bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Ảnh: Thái Bình, VOV- miền Trung.

“Tôi đã gặp những bà mẹ có con hy sinh ở Gạc Ma. Con cái họ đã nằm lại giữa trùng dương. Họ rất muốn có một nơi nào đó để cùng tưởng nhớ, cùng gọi tên những đứa con của mình. Tôi cảm nhận được ước vọng đau đáu của họ. Từ thực tế đó, Tổ chức công đoàn quyết định xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại bán đảo Cam Ranh”, ông Đặng Ngọc Tùng chia sẻ.

Theo lời kể của ông Đặng Ngọc Tùng, khi đưa ý tưởng này ra bàn bạc trong đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Sau đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát động quyên góp trong đoàn viên công đoàn và những người yêu nước trong cả nước, mỗi người đóng góp một viên đá để xây dựng Khu tưởng niệm. 

Hơn 100 tỷ đồng đã được huy động trong một thời gian ngắn và không phải sử dụng một đồng ngân sách cho cụm công trình này. Đó là sự thôi thúc, là tấm lòng, là trách nhiệm của những người đang sống.

Người mẹ chiến sỹ Gạc Ma tìm tên con trong khu tưởng niệm. Ảnh: Thái Bình, VOV- miền Trung

Nhớ lại giây phút đặt viên đá đầu tiên ngày 13-3-2015 và ngày khánh thành Khu tưởng niệm giai đoạn 1 vào ngày 15-7-2016, ông Đặng Ngọc Tùng vẫn không giấu nổi xúc động.

“Từ thời điểm đó, nhiều bà mẹ đã đến đây và khóc. Họ yên tâm hơn khi nghĩ rằng, con em họ sẽ có chỗ trở về, nơi hằng năm ba mẹ có thể đến “thăm” con, thắp cho con một nén nhang … Lúc đó, tôi nghĩ rằng, nếu không xây dựng Khu tưởng niệm này thì thật có lỗi với những người đã nằm xuống vì Tổ quốc. Suốt quá trình vận động cũng như xây dựng, chúng tôi rất quyết tâm. Lúc đầu tìm địa điểm cũng khó, rồi chọn phương án thi công… Nhưng chúng tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn của chính quyền địa phương là tỉnh Khánh Hòa, sự quyết tâm của đoàn viên công đoàn và người lao động. Chúng tôi thấy rằng, không thể chần chừ việc này”, ông Đặng Ngọc Tùng bồi hồi nhớ lại.

Một công trình ý nghĩa, tưởng niệm 64 liệt sĩ nằm lại Gạc Ma đã trở thành hiện thực vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ vào tháng 7-2016. Từ đó đến nay, nơi đây không chỉ là một địa chỉ tâm linh mà còn là nơi dành cho khách du lịch trong và ngoài nước cùng nhớ về một sự kiện không thể nào quên trong lịch sử Việt Nam.

Dù phấn khởi khi ý nguyện đã hoàn thành nhưng ông Đặng Ngọc Tùng bảo “Tôi không bao giờ nghĩ rằng, đấy là mong muốn của riêng cá nhân mình. Những người nằm xuống vì sự tồn tại của Tổ quốc này thì không chỉ thân nhân của họ mà những người Việt Nam yêu nước đều không thể quên được họ. Cho nên, những người còn sống có trách nhiệm giúp các thế hệ con cháu cũng phải hiểu được rằng, đã có những sự hy sinh để bảo vệ nền độc lập và sự toàn vẹn của đất nước. Đó là bằng chứng sống để nhắc nhở các thế hệ con cháu rằng, tại vùng biển ấy, vào thời điểm ấy, đã có một cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của đất nước và đã có những người còn nằm lại nơi đảo xa”.

Ông Đặng Ngọc Tùng (thứ tư từ trái sang) trong ngày khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma giai đoạn 1 vào tháng 7/2016. Ảnh: Zing.vn

Ông Đặng Ngọc Tùng đã có 4 lần đặt chân đến quần đảo Trường Sa. Lần gần đây nhất là năm 2016 để khánh thành bệnh xá tại đảo Song Tử Tây và công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại đảo Sơn Ca. 

Ông Đặng Ngọc Tùng kể “Trên đường di chuyển từ đảo Song Tử Tây vào đất liền, chúng tôi có đi qua đảo Gạc Ma. Chúng tôi thực sự xót xa khi nghĩ rằng, trước ngày 14-3-1988, nơi đây đã từng thuộc về Việt Nam”.

Vậy, bài học Gạc Ma có thể nhắc chúng ta điều gì trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay? 

Ông Đặng Ngọc Tùng chia sẻ “Tôi thấy chủ trương của lãnh đạo Đảng và Nhà nước chúng ta rất đúng đắn. Đó là duy trì đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, vận động sự ủng hộ của nhân dân toàn thế giới để các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về luật Biển. Mình phải chủ trương: đấu tranh trong hòa bình để gìn giữ chủ quyền đất nước chứ không dùng quân sự. Chúng ta dùng lý trí, lẽ phải và công pháp quốc tế để nói cho thế giới hiểu được rằng, chúng ta luôn mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị, hòa bình, bình đẳng với các nước”.

Năm nay, kỷ niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma, ông Đặng Ngọc Tùng từ TP Hồ Chí Minh, lại lặng lẽ trở về Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Ranh, Khánh Hòa, thắp cho các anh một nén nhang. Lại một lần nữa xúc động vì rất đông người cũng tìm về đây, ông bảo “Đúng là những người hy sinh bảo vệ Tổ quốc luôn sống mãi trong lòng dân tộc”.

Theo VOV
.
.
.