Cơ hội tăng trưởng nhanh đan xen những thách thức từ các vấn đề xã hội

Thứ Hai, 01/01/2018, 08:22
Trong điều kiện tổng số thu phải tăng lên, tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố giảm mạnh, để đảm bảo số thu ngân sách đạt hơn 1.000 tỷ đồng mỗi ngày, hiện nguồn chính của TP Hồ Chí Minh đến từ lĩnh vực kinh tế tư nhân (KTTN). Vì vậy, vấn đề nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu đã được thành phố đặt ra từ nhiều năm qua.


Giám đốc Sở KH&ĐT Sử Ngọc Anh cho biết, đến cuối năm 2017, tại thành phố đã có trên 330.000 doanh nghiệp (DN), trong đó số DN có vốn FDI mới dừng lại ở con số 7.330; DN nhà nước hiện còn không đáng kể, còn lại chủ yếu là DN tư nhân.

Ngoài số DN tư nhân này, trên địa bàn còn tới 281.000 hộ DN kinh doanh cá thể đang được thành phố tập trung hỗ trợ để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, chuyển đổi thành DN. Với cơ cấu DN này, KTTN hiện chiếm tỷ trọng 50-60% trong ngồn vốn đầu tư; trong sản xuất công nghiệp, KTTN chiếm 48%; trong thương mại, KTTN đã chiếm 88% và trong xuất nhập khẩu, loại hình kinh tế này chiếm tỷ trọng 36% của thành phố.

Giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của thành phố, song những năm qua việc tiếp cận đất đai để phục vụ sản xuất, kinh doanh của khối DN tư nhân tại thành phố gặp rất nhiều khó khăn.

Quá tải hạ tầng đô thị là một trong những thách thức lớn đối với TP Hồ Chí Minh.  

Đa số DN trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải tự đi thuê mặt bằng để phục vụ hoạt động; những DN sản xuất sản phẩm hàng hóa muốn thuê mặt bằng, nhà xưởng trong các KCN cũng không hề dễ dàng khi với quy mô DN vừa và nhỏ, việc bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư ban đầu là không đơn giản; chỉ một số ít DN tư nhân đủ lực để có thể mua đất, tạo dựng nhà xưởng.

Do đó, cơ chế đặc thù cho phép thành phố được tự quyết trong chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp từ 10ha trở lên đã mở ra cơ hội tiếp cận đất đai với khối DN tư nhân.

Theo tính toán của một số chuyên gia kinh tế, chỉ cần TP Hồ Chí Minh thực hiện chuyển đổi khoảng 1/3 quỹ đất nông nghiệp hiện có thành đất công nghiệp - dịch vụ, sẽ giúp tăng GRDP của thành phố lên 2,73 lần.

Việc này sẽ tạo đà thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới. Đẩy nhanh chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phục vụ sản xuất công nghiệp và kinh doanh dịch vụ không chỉ phù hợp với định hướng phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ thành lĩnh vực kinh tế chủ lực của thành phố, mà còn giúp mở rộng cánh cửa tiếp cận đất đai cho khối DN tư nhân.

Vấn đề này càng trở lên bức thiết hơn khi TP Hồ Chí Minh còn đến 118.052ha đất nông nghiệp, nhưng hằng năm chỉ đem lại giá trị khoảng 6.494 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,89% GRDP của thành phố; giá trị gia tăng mỗi hecta đất sản xuất chỉ đạt 55 triệu đồng/ha.

Trong khi đó, đất dành cho công nghiệp, dịch vụ chỉ có 14.264ha nhưng đã tạo được giá trị đến 726.978 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng đến 99,1% GRDP của thành phố với giá trị gia tăng đã đạt đến 50,9 tỷ đồng/ha.

Dù vậy, theo ông Cao Thanh Bình, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố, TP Hồ Chí Minh vẫn cần giữ lại quỹ đất nông nghiệp ở mức cần thiết để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại. Bởi đầu tư vào lĩnh vực này tại thành phố hiện còn nhiều tiềm năng để thu hút DN và hộ kinh doanh cá thể.

Theo ông Bình, còn một mảng rất quan trọng là phải làm sao để người dân có thể góp vốn bằng đất, các HTX tăng cường liên kết trong hoạt động và DN đầu tư vốn vào sản xuất ở khu vực nông thôn để bao tiêu sản phẩm đầu ra. Từ đó sẽ giúp các hộ dân yên tâm mở rộng quy mô đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến.

Đến nay thực tế dân số TP Hồ Chí Minh đã ở mức gần 13 triệu người với gần 3 triệu người nhập cư, trong lúc số liệu thống kê chính thức lại chỉ có 8,3 triệu người. Dân số tăng nhanh ngoài dự báo đã tạo áp lực rất lớn, quá tải trong tình thế bị động đối với hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội của thành phố.

Tại hội thảo về “Bảo đảm trật tự an toàn xã hội, hướng đến thành phố có chất lượng sống tốt” do Viện Nghiên cứu và Phát triển tổ chức ngày 26-12, Thượng tá Nguyễn Thế Lâm, Phó phòng Pháp chế, Công an thành phố đã nêu ra những băn khoăn khi tội phạm trên địa bàn có thể gia tăng từ năm 2018.

Xuất phát từ việc thành phố thực hiện chính sách đặc thù để phát triển kinh tế, cải thiện môi trường sống, người nhập cư sẽ tập trung về đông hơn nữa, kéo theo đó là nguy cơ gia tăng tội phạm, người nghiện ma túy... trong số hơn 21.000 người nghiện tại TP hiện nay, đã có nhiều đối tượng đã lập băng nhóm gây án chuyên nghiệp.

Tội phạm đang trẻ hóa do bị tác động bởi văn hóa lệch lạc trên mạng Internet, thậm chí nguyên nhân dẫn đến hình thành nhóm tội phạm khá đơn giản là từ những thanh niên thất nghiệp, công nhân nhập cư. Rồi tình trạng nhiều băng nhóm lừa đảo, hoạt động cho vay kiểu tín dụng “đen", đòi nợ thuê, bảo kê... tập trung ở các khu công nghiệp và địa bàn giáp ranh.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, không chỉ riêng tình hình tội phạm, mà tổng thể trật tự kinh tế - xã hội của thành phố cũng đang đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng, từ vấn đề TTATGT; sản xuất, kinh doanh, buôn bán; cư trú, y tế, giáo dục; môi trường, an toàn thực phẩm...

Trong đó, yếu tố tác động nhiều nhất là quá tải dân số và mật độ dân cư. Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, TP không thể giải quyết mục tiêu kéo giảm tội phạm, nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường... bằng các biện pháp hành chính ngắn hạn mà cần có tầm nhìn tổng thể trong phát triển kinh tế - xã hội.

Như vậy, thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, TP Hồ Chí Minh đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đòi hỏi phải giải quyết một cách căn cơ để có thể phát triển đô thị bền vững.

Đức Thắng
.
.
.