Chủ đầu tư phớt lờ trích đất xây nhà ở xã hội

Thứ Tư, 16/11/2016, 07:57
Sau khi HĐND TP Hà Nội có quyết định thành lập đoàn giám sát kiểm tra tỉ lệ trích diện tích dành làm nhà ở xã hội (NOXH) của các dự án nhà đất trên địa bàn TP theo quy định của Luật Thủ đô và Nghị quyết của HĐND TP.


Kết quả giám sát mới nhất tại Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho thấy, còn rất nhiều tồn tại, đặc biệt, nhiều chủ đầu tư phớt lờ việc thực hiện nghĩa vụ trích quỹ đất thực hiện xây dựng NOXH theo đúng nguyên tắc.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc HĐND TP Hà Nội thành lập đoàn giám sát vì thời gian gần đây, cử tri đã gửi đến nhiều phản ánh về vấn đề trên. Nguyên tắc, các dự án phát triển nhà thương mại phải dành 20% quỹ đất để làm NOXH, tuy nhiên, lâu nay các chủ đầu tư vẫn cố tình phớt lờ trách nhiệm và nghĩa vụ này.

Đáng chú ý, việc phát triển NOXH được coi là trụ cột chính sách của ngành xây dựng nhưng việc giám sát, kiểm soát các chủ đầu tư sử dụng quỹ đất 20% làm NOXH lâu nay vẫn chưa được sát sao dẫn tới thiếu hụt nghiêm trọng NOXH. 

Nội dung chính trong chương trình giám sát của HĐND TP là phải xem xét, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện quy định khi phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên phải dành 25% diện tích đất ở hoặc 25% diện tích nhà ở để phát triển NOXH.

Nhà ở thương mại thừa, nhà ở xã hội ngày càng thiếu. Ảnh: Thiện Hoàng.

Cách đây 3 năm, vào tháng 7-2013, HĐND TP Hà Nội đã quy định chính sách ưu tiên cho NOXH. Theo đó, mỗi dự án thương mại phải dành ít nhất 25% diện tích đất ở, hoặc 25% diện tích sàn nhà ở để xây dựng NOXH. HĐND TP Hà Nội cho biết, tổng nhu cầu NOXH giai đoạn 2013 - 2020 là khoảng 9 triệu mét vuông sàn, tương ứng với hơn 1.000ha đất. 

Trong khi đó, theo số liệu tổng hợp của các đồ án quy hoạch phân khu được duyệt và đang nghiên cứu, quỹ đất phát triển nhà ở mới trong khu đô thị trung tâm dự kiến khoảng 4.200ha. Như vậy, diện tích dành cho NOXH đến năm 2020 của thành phố sẽ là hơn 1.000ha đất, tương đương khoảng 25,1% diện tích đất xây nhà ở mới theo quy hoạch.

Theo Bộ Xây dựng, ước tính đến năm 2020, Hà Nội thiếu khoảng 7 triệu mét vuông NOXH. Sau khi phát triển mạnh giai đoạn năm 2013-2014, từ đầu 2016, số dự án NOXH khởi công mới giảm hẳn do gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đã được cam kết, giải ngân gần hết.

Tại buổi giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội với Sở QH&KT Hà Nội vừa qua, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Bùi Xuân Tùng cho rằng, khi phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn TP có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên phải dành 25% diện tích đất ở hoặc 25% diện tích nhà ở để phát triển NOXH. Nghị quyết không phân biệt vị trí dự án thuộc khu vực đô thị hoặc khu vực nông thôn mà áp dụng trên toàn địa bàn TP. 

“Tuy nhiên, theo Nghị định của Chính phủ, đối với dự án có quy mô trên 10ha tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị loại 3 trở lên mới phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây dựng NOXH. Do vậy cần nghiên cứu chỉnh sửa Nghị quyết cho phù hợp với thực tiễn nhằm thu hút khuyến khích đầu tư tại các khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh”, ông Tùng kiến nghị.

Thực tế, đã có nhiều đợt kiểm tra, số dự án NOXH được trích từ quỹ đất 20% chỉ đếm trên đầu ngón tay như: NOXH Khu đô thị Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội), Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội), Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, Khu đô thị Đại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội) với khoảng hơn 3.000 căn hộ được đưa ra thị trường. Vì vậy mới có cảnh người dân xếp hàng, chen chân đi nộp hồ sơ mua NOXH mỗi khi có dự án mở bán. Trong khi đó, hàng chục đô thị mới ra đời nhưng đều bỏ qua quy định này. 

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng, quy định về quỹ đất dành cho NOXH chưa chặt chẽ là “kẽ hở” giúp chủ đầu tư “né” quỹ đất này. Các cấp phê duyệt quy hoạch xây khu đô thị không quy định rõ phần nào dành xây NOXH nên chủ đầu tư thường dành những phần đất có vị trí không đẹp, chưa giải phóng mặt bằng giao cho TP. 

Câu chuyện về thiếu NOXH, nhưng lại thừa đất bỏ hoang tại các khu đô thị chưa bao giờ hết “nóng”. Đó là vì mâu thuẫn lợi ích. Chủ đầu tư không bao giờ muốn mất đi quyền lợi của mình. Và nghịch lý này sẽ chỉ chấm dứt khi có những chế tài xử lý kiên quyết nếu các chủ đầu tư cố tình vi phạm.

Ngọc Yến
.
.
.