“Siêu dự án” sông Hồng có gì đặc biệt?

Thứ Sáu, 06/05/2016, 12:15
Dự án giao thông thủy xuyên Á - cái tên được dư luận chú ý hàng đầu hiện nay, đang đề xuất rất nhiều ưu đãi, đặc thù để thực hiện dự án, bởi theo tính toán của chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 24.510 tỷ đồng, dự án này không có khả năng tự hoàn vốn.


Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức hợp đồng BOO (Xây dựng – Sở hữu – Vận hành) có chủ đầu tư là Công ty TNHH Xuân Thiện (Ninh Bình), có vốn pháp định trong đăng ký kinh doanh là 1.200 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án, theo hồ sơ của chủ đầu tư, là cải tạo, nâng cấp tuyến vận tải đường thủy xuyên Á trên tuyến sông Hồng, kết nối đồng bộ với tuyến vận tải thủy Hải Phòng – Việt Trì, tuyến Hà Nội – Lạch Giang (đã và đang đầu tư theo dự án WB 6 của Bộ GTVT)

Dự án sẽ xây dựng 6 đập dâng nước và âu tầu, nạo vét luồng trên toàn tuyến đường thủy nội địa đoạn Việt Trì – Lào Cai (chiều dài 288 km); kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW, cung cấp điện lượng hàng năm khoảng 912 triệu kWh/năm. Bên cạnh đó, xây dựng thêm 7 cảng dọc tuyến, bao gồm Cảng Phố Mới, Apatit, Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội).

Về địa điểm đầu tư, tuyến công trình giao thông thủy kết hợp xây dựng thủy điện sẽ thuộc địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và Hà Nội.

Dự án này chưa làm rõ được các lợi ích về kinh tế - xã hội, trong khi rất nhiều nhà khoa học đang cảnh báo tác động tiêu cực về môi trường đối với sông Hồng

Về nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên, dự án sử dụng đất xây dựng các công trình đường thủy, công trình cảng thủy nội địa, công trình thủy điện, công trình phụ trợ phục vụ quản lý khai thác. Bên cạnh đó, dự án sử dụng nguồn nước mặt sông Hồng để điều tiết phục vụ giao thông thủy kết hợp chạy máy phát điện.

Về tiến độ, dự án dự kiến được thực hiện trong 6 năm (2016 – 2021), chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (3 năm): Xây dựng đợt 1 các công trình nạo vét chỉnh trị sông giai đoạn 1 – thuộc tiểu dự án 1 (đoạn Việt Trì – Yên Bái). Xây dựng các công trình đầu mối Yên Bái, Lâm Giang I, Lâm Giang II; nâng cấp báo hiệu đường thủy, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị quản lý; xây dựng hệ thống cảng.

Giai đoạn 2 (3 năm): Hoàn thiện các công trình thuộc dự án 1 (đoạn Việt Trì –Yên Bái). Xây dựng các công trình đoạn Yên Bái – Lào Cai bao gồm: Nạo vét, phá đá các đoạn cạn, thanh thải chướng ngại vật; Xây dựng công trình đầu mối Bảo Hà, Bảo Châu, Thái Niên.

Công trình sẽ do nhà đầu tư tự tổ chức quản lý, khai thác theo thỏa thuận hợp đồng và các quy định của pháp luật; thành lập các trạm thu phí hoặc kết hợp với đơn vị quản lý công trình, cảng vụ.

Tổng mức đầu tư dự án là 24.510 tỷ đồng bao gồm:

Chi phí xây dựng: 8.207 tỷ đồng

Chi phí thiết bị: 4.558,1 tỷ đồng

Chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư: 1.230 tỷ đồng

Chi phí quản lý dự án: 69,5 tỷ đồng

Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng: 241,8 tỷ đồng

Chi phí khác: 247,8 tỷ đồng

Chi phí dự phòng: 6.549,4 tỷ đồng

Lãi vay trong thời gian xây dựng: 3.407 tỷ đồng

Trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 30% và vốn vay là 70% tổng vốn đầu tư, với lãi suất được tạm tính khoảng 9% đối với nội tệ và 4% đối với ngoại tệ.

Nguồn thu của dự án được dự kiến từ bán điện, thu phí luồng tuyến trên từng đoạn, thu từ khai thác cảng. Mức thu phí dự kiến sẽ là 10.000 – 15.000 đồng/tấn đoạn Việt Trì – Yên Bái và 40.000 – 45.000 đồng/tấn đoạn Yên Bái – Lào Cai. Hàng quốc tế sẽ phải trả phí gấp đôi. Chủ đầu tư dự kiến miễn phí 3 năm đầu đối với tất cả các loại phương tiện và miễn phí cho các loại phương tiện dưới 50 tấn.

Các chỉ tiêu kinh tế - tài chính của dự án được tính toán như sau: Lợi nhuận thuần sẽ khoảng 1.296 tỷ đồng

Tỷ số lợi ích/chi phí là 7,83%

Thời gian hoàn vốn, kể cả thời gian xây dựng: 25 năm

Các đề xuất “ưu đãi”, hỗ trợ của chủ đầu tư bao gồm:

Hỗ trợ giá bán điện đặc thù cho công trình, đồng thời có lộ trình tăng giá bán điện để hỗ trợ bù giá thu phí vận tải thủy và chi phí quản lý thu phí, duy tu, bảo dưỡng công trình. Theo đó, chủ đầu tư đề xuất 5 năm đầu mức giá là 1.900 đồng/kWh; 5 năm tiếp theo nâng lên mức 2.380 đồng/kWh và các năm tiếp theo tối thiểu từ 2.970 – 3.560 đồng/kWh và theo quy định của ngành điện.

Miễn thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên nước và thuế dịch vụ môi trường rừng (điều này Bộ Tài chính cho rằng không đúng với quy định của pháp luật hiện nay và đề nghị, nếu dự án được cho phép thực hiện, phải thuân thủ quy định hiện hành về các nghĩa vụ thuế, phí này); miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho đến khi hoàn vốn.

Mức phí luồng, tuyến và phí qua âu được điều chỉnh theo thời gian.

V.H
.
.
.