Chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ

Thứ Hai, 28/10/2019, 10:31
Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Ban Bí thư; cho ý kiến về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Nhân sự kiện này, xin góp một góc nhìn về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước ta mấy năm trở lại đây với kỳ vọng chào đón một kỳ Đại hội mang tính bản lề trong công tác cán bộ của Đảng ta.


Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch trong và ngoài nước luôn tìm mọi cách lôi kéo, mua chuộc, móc nối, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ” để hoạt động, chống phá sự nghiệp cách mạng của nước ta. Cùng với đó, những tệ nạn xã hội và yếu tố mặt trái của cơ chế thị trường đang hàng ngày, hàng giờ tác động xấu đến các cá nhân trong xã hội, trong đó có đội ngũ cán bộ nhà nước.

Các hoạt động vi phạm pháp luật, lợi dụng kẽ hở của pháp luật và các chính sách quản lý Nhà nước để làm giàu bất chính, sách nhiễu nhân dân đang trở nên phổ biến, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với đội ngũ cán bộ Nhà nước. Thực tế này đang gióng lên một hồi chuông báo động ở cấp độ cao trong công tác cán bộ.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, dư luận nổi lên hàng loạt những vụ việc tiêu cực liên quan đến công tác cán bộ từ cấp Trung ương đến địa phương, trong đó có những cái tên đã được báo chí và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi, đó là: Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Vũ Quang Hải, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco);

Vũ Minh Hoàng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, được bổ nhiệm giữ cương vị Phó Vụ trưởng khi chưa có thời gian công tác thực tế ngày nào tại Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; Lê Phước Hoài Bảo, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam; Trần Vũ Quỳnh Anh, nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, có con đường “quan lộ” thần tốc do “có sự nâng đỡ không trong sáng trong công tác cán bộ...”.

Hoặc tình trạng “cả họ làm quan” rộ lên ở một số tỉnh, thành trong cả nước, dẫn đến hiện tượng “khủng hoảng thừa lãnh đạo” tại các cơ quan nhà nước như: Hà Giang, Bình Định, Mỹ Đức (Hà Nội)... và tiêu biểu nhất là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có tới 44 lãnh đạo / 46 cán bộ biên chế.

Cũng trong thời gian qua, các cơ quan pháp luật đã đưa ra xét xử các vụ “đại án” liên quan đến những sai phạm của một số cán bộ cấp cao như: Đinh La Thăng,  Trịnh Xuân Thanh; cựu Chủ tịch và Phó Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng. Có thể nói, tất cả sai phạm của các trường hợp trên đều liên quan đến công tác cán bộ .

Qua những vụ việc tiêu cực ở trên, rõ ràng chúng ta thấy rằng, tổng thể bức tranh “cán bộ” của Nhà nước ta đang có những lỗ hổng. Trong đó, lỗ hổng lớn nhất là lỗ hổng trong việc quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ. Nói về nội dung này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?”.

Rõ ràng, xét về mặt lý luận thì muốn quy hoạch, bổ nhiệm hay dùng đúng người thì khâu công tác lựa chọn, xây dựng nguồn là quan trọng nhất. Khi người lãnh đạo chịu trách nhiệm quyết định về công tác cán bộ không công tâm, minh bạch, thực hiện “dân chủ giả hiệu”, thì sẽ đẻ ra “cơ chế xin cho” trong một nhóm người cùng lợi ích, mà gần đây ta vẫn đặt ra câu hỏi là liệu có hay không cái gọi là “lợi ích nhóm”?  Những người trong cùng “nhóm lợi ích” coi việc “cất nhắc” cán bộ như mảnh đất màu mỡ của riêng mình và muốn bố trí cho ai là quyền của họ. Từ đó họ ra sức sắp xếp con, cháu, người nhà hoặc đệ tử thân tín của mình vào các vị trí lãnh đạo quan trọng, hoặc những công việc đem lại lợi ích kinh tế lớn.

Chính “lỗ hổng” này dẫn đến tình trạng “thừa lãnh đạo, thiếu cán bộ”, thành lập mới hoặc tách tổ chức để thêm “ghế”, thêm lãnh đạo ở một loạt các cơ quan, ban, ngành, địa phương; rồi tình trạng “lãnh đạo chín ép”, “ngã ngựa giữa đường” hoặc “luân chuyển” cán bộ yếu, cán bộ mắc sai phạm cho cơ sở và chờ thời cơ để bổ nhiệm ở vị trí cao hơn, quan trọng hơn...

Lỗ hổng thứ hai trong công tác cán bộ là ở vai trò và tinh thần trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Đối với các cơ quan, tổ chức để xảy ra hàng loạt sai phạm như đã nêu ở trên là do chúng ta chọn sai người đứng đầu. Người đứng đầu thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không công tâm, khách quan, không vì lợi ích chung, chỉ lo thu vén cá nhân thì tổ chức đó như một ổ mối bị ruỗng mọt từ trong ruột.

Những người đứng đầu gián tiếp hoặc trực tiếp “tiếp tay”, “làm ngơ” trước những việc làm sai trái như rút ruột công quỹ, biến của công thành của tư, bổ nhiệm người nhà, đệ tử thân tín cùng chung lợi ích nhưng chưa đủ năng lực, trình độ, uy tín vào các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước; sẵn sàng nhận hoặc làm ngơ cho người nhà của mình nhận những quà tặng, phong bì trị giá bằng cả cuộc đời phấn đấu của một công chức lương thiện.

Chính những cán bộ này đã tự đánh mất mình, bất chấp những quy chuẩn về đạo đức, phẩm chất của người cán bộ cách mạng; để “những viên đạn bọc đường”, những cạm bẫy vật chất lôi kéo, sa ngã; vô hình trung đã trở thành “tấm gương méo mó”.

Lỗ hổng thứ ba nằm ở chất lượng của công tác tuyển dụng cán bộ. Rõ ràng, thực tế hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng số lượng cán bộ hưởng lương từ ngân sách Nhà nước rất nhiều, nhưng chất lượng thì thấp, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tình trạng này cũng là hệ lụy tất yếu của 2 lỗ hổng nêu trên.

Cũng do ý chí cá nhân của một nhóm người đứng đầu mà tiến hành tuyển dụng hàng loạt cán bộ, trong đó, người nhà có, quan hệ quen biết có, mà “mua bán” cũng có. Việc tuyển dụng này không căn cứ vào số lượng biên chế, định biên cho phép, dẫn đến tình trạng cán bộ vượt biên chế lên con số hàng trăm, hàng nghìn tại các cơ quan trực thuộc Bộ, ban, ngành và địa phương trong cả nước.

Lỗ hổng thứ tư nằm ở vấn đề “đạo đức công chức”. Từ việc chạy theo số lượng và chạy theo quan hệ nên chất lượng cán bộ, công chức cũng có nhiều vấn đề cần bàn đến. Một khi lãnh đạo cấp trên làm được thì lãnh đạo cấp dưới cũng “theo gương”. Từ đó sinh ra một thế hệ cán bộ “ký sinh”, “tầm gửi” không cần phấn đấu, rèn luyện, chỉ đợi “đến lượt được sắp xếp”.

Có thể nói, chính tình trạng này dẫn đến hệ lụy tiêu cực là tình trạng “tham nhũng vặt” ở lĩnh vực dịch vụ công của xã hội mà người dân chính là đối tượng phải “lãnh đủ”. Nói tóm lại, các “lỗ hổng” trong công tác cán bộ đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đã gây nên một tình trạng mất niềm tin sâu sắc trong quần chúng nhân dân.

Trước thực trạng này, cho thấy việc giải quyết những lỗ hổng trong công tác cán bộ hiện nay đang là những việc cần làm ngay của Đảng, của các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả cũng xin đề xuất một số kiến nghị như sau:

 Phải tập trung vào việc kiểm soát quyền lực, triệt tiêu yếu tố “cá nhân chủ nghĩa” trong các khâu của công tác cán bộ để lấy lại niềm tin của quần chúng nhân dân trong cả nước. Chỉ khi nào thực hiện minh bạch hóa, công khai hóa trong công tác sắp xếp cán bộ và tổ chức bộ máy ở các cấp, các ngành; sử dụng đúng người, đúng việc nhằm thực hiện đúng chức năng thu hút nhân tài, nhân lực xuất sắc cho các cơ quan, tổ chức Nhà nước, vừa đáp ứng đòi hỏi của quá trình phát triển, vừa chú trọng đến việc lấy lại niềm tin và tinh thần phấn đấu của đa số cán bộ trong bộ máy nhà nước. 

Tích cực, chủ động và tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện nề nếp, tác phong, nâng cao đạo đức công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước và hệ thống chính trị trong cả nước. Đây là việc làm trước mắt, cũng là lâu dài, đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị phải tập trung vào mục tiêu xây dựng một đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” như Bác Hồ hằng mong muốn.

Đó là một đội ngũ cán bộ công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tâm huyết, trách nhiệm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được phân công.

Có tinh thần vượt khó khăn, gian khổ, hiểm nguy; có tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết chối bỏ mọi cạm bẫy cả về tinh thần lẫn vật chất; năng động, sáng tạo, nhạy bén và tích cực đổi mới. Rõ ràng, công tác giáo dục chính trị luôn luôn phải đi trước một bước.

Chỉ khi nào nhận thức chính trị, cũng như bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ công chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy các cấp có vững vàng, kiên định, không dao động, không bị lôi kéo, mua chuộc và cám dỗ bởi các bả vinh hoa, phú quý thì mới xứng đáng với vai trò “nêu gương” và sự tận tâm, tận lực mới được phát huy.

Bên cạnh đó cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ và quản lý cán bộ, kết hợp kiểm tra công tác với kiểm tra cán bộ thông qua kết quả công việc cụ thể. Tránh tình trạng đánh giá, nhận xét chung chung, hình thức, bình bầu theo cảm tính, triệt tiêu phê bình và tự phê bình. Khuyến khích hình thức tự quản lý và quản lý chéo theo đơn vị để thường xuyên cập nhật mọi thông tin có liên quan đến công tác cán bộ.

Khuyến khích việc phát hiện sai phạm từ đơn vị để chủ động xử lý và phát huy vai trò của cấp uỷ và thủ trưởng trực tiếp. Đặc biệt, phải xác định công tác khen thưởng kỷ luật là một trong những nội dung cơ bản của công tác cán bộ. Công tác khen thưởng nằm trong việc thực hiện quyền lợi đối với cán bộ; công tác kỷ luật nằm trong việc thực hiện trách nhiệm của cán bộ đối với tổ chức.

Chính vì thế, công tác này cần phải được những người làm công tác tổ chức cán bộ thực hiện công bằng, khách quan và chính xác theo đúng các quy định của văn bản quy phạm pháp luật cũng như các quy định của từng cơ quan, đơn vị để tạo niềm tin và khí thế thi đua phấn khởi trong từng khâu công tác.

Cần phải đầu tư chiến lược và lâu dài cho công tác nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ công chức Nhà nước. Đây chính là sự quan tâm đến vấn đề quyền lợi của người lao động, bao gồm lợi ích vật chất và tinh thần mà họ nhận được trong quá trình làm việc.

Thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần động viên, quan tâm và tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ tiếp tục cống hiến nhiều hơn trong công việc được giao và giữ vững phẩm chất, đạo đức người cán bộ cách mạng, không bị sa ngã trước những cám dỗ vật chất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Theo đó, cây thì phải có gốc, không có gốc thì cây héo; sông thì phải có nguồn, không có nguồn thì sông cạn. Vì vậy, trong mọi việc mà không có cán bộ thì không thể hoàn thành. Có thể khẳng định, công tác cán bộ luôn luôn giữ vai trò trọng yếu, quyết định sự thành công và hiệu quả của tổ chức, bộ máy.

Nguyễn Hồng Hạnh
.
.
.