Cần lắm những “cái đầu lạnh” và “trái tim nóng”

Thứ Năm, 30/03/2017, 08:49
Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, rất cần những “cái đầu lạnh” và “trái tim nóng” của giới chuyên môn, đặc biệt là của các nhà lãnh đạo biết lắng nghe ý kiến người dân và nhà khoa học, có cái nhìn tỉnh táo trước “ma trận dự án” mà trong đó tồn tại không ít “lợi ích nhóm”, để giúp dân, giúp nước tránh được những tai ương.


Những ngày vừa qua, sau những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, với sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, tình trạng khai thác cát trái phép thuyên giảm rõ rệt; cát tặc không còn ngang nhiên lộng hành, thách thức dư luận như trước đây.

Tuy nhiên, khai thác cát trái phép chỉ là một trong số nhiều vấn nạn với các dòng sông nói riêng và môi trường nói chung. Bởi vậy, bảo vệ sự trong sạch của các dòng sông, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ đặt ra với mọi bộ, ngành, địa phương trên tinh thần “Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế” mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định.

Trong xu thế đó, dư luận rất đồng tình khi ngày 28-3-2017, tỉnh Tiền Giang tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các nhà khoa học về chủ trương đầu tư Nhà máy Giấy Đại Dương.

Trong cuộc họp nêu trên, đã có sự tranh luận “nảy lửa” giữa 2 luồng ý kiến, một bên là các nhà khoa học và một bên là chủ đầu tư cùng các chuyên gia của họ.

Phía các nhà khoa học có những ý kiến “nặng kí” khẳng định dự án sẽ gây ô nhiễm trầm trọng với nguồn nước và sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Tiền Giang. Như ý kiến của TS Lương Quang Xô, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam lo ngại: “Dù công nghệ có tốt thế nào thì cũng không thể xử lý hết các chất có trong nước thải của ngành sản xuất giấy”.

Còn PGS.TS Lê Trình (Viện Khoa học môi trường và Phát triển) khẳng định: “Ngành công nghiệp giấy thải ra nhiều chất độc hại cho môi trường. Trong thực tế, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Doanh nghiệp nào làm dự án đều có cam kết, nhưng giữa cam kết và thực hiện có khoảng cách nhất định. Formosa cũng cam kết nhưng rồi lại gây ra hậu quả vô cùng lớn”.

Đó là ý kiến của phía các nhà khoa học, còn chủ đầu tư và các chuyên gia của Nhà máy Giấy Đại Dương thì khăng khăng cho rằng: Công nghệ của họ hiện đại nhất hiện nay, môi trường và nguồn nước sẽ được bảo đảm an toàn, sản xuất và đời sống của người dân sẽ không bị ảnh hưởng... Cuối cùng, nhà đầu tư dự án chốt lại bằng việc “sẽ kiện đòi 10 triệu USD nếu dự án bị thu hồi”, do họ đã triển khai thực hiện một phần dự án.

Cuộc tranh luận nảy lửa nêu trên chỉ tạm dừng khi kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho rằng: “Do tính chất dự án sản xuất giấy phức tạp, có dư luận trái chiều nên cần phải thận trọng xem xét kỹ trước khi đưa ra quyết định có tiếp nhận dự án này hay không”.

Chưa biết kết cục sẽ ra sao nhưng rõ ràng cuộc họp thẳng thắn lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà chuyên môn là cần thiết và rất có tác dụng nhằm phản biện về một dự án còn nhiều dấu hỏi trong báo cáo tác động môi trường. Cuộc họp cũng thể hiện tinh thần dân chủ của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trong việc lắng nghe dư luận và các chuyên gia, nhằm đưa ra những quyết định đúng nhất.

Cách đây không lâu, “Dự án xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng” cũng gây xôn xao dư luận. Đây là một siêu dự án kết hợp giao thông với thủy điện sẽ tác động tiêu cực đến hàng chục triệu người dân Bắc bộ, dù đó là nông dân, công nhân hay bất cứ tầng lớp nào.

Đề án này dự kiến có giá trị nhiều tỉ USD, theo những thông tin ban đầu – dễ khiến người dân lo lắng khi nó “vẽ” ra một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía Bắc, xuôi xuống một số vùng biển; nạo vét 288km đường sông và kết hợp làm nhiều nhà máy thủy điện nhỏ, kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp đảm bảo cho tàu 400 tấn và sà lan 600 tấn lưu thông quanh năm…

Khi thông tin về dự án được đưa ra, các nhà khoa học đã tự giác, nhiệt thành vào cuộc và đi đến nhận thức chung: Nếu dự án này được triển khai, vựa lúa Bắc bộ có thể chỉ còn trong kí ức và an ninh lương thực khó được bảo đảm vì địa tầng thay đổi, sụt lún trên diện rộng và thiếu nước ngọt từ dòng sông Cái đã bị nhiều đập chặn dòng tích nước; đó là chưa kể những quan ngại về an ninh, quốc phòng…

Đặc biệt là ý kiến của GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, người đã có nhiều năm gắn bó với công tác thuỷ lợi: “Tính khả thi của dự án là không và có lẽ, mục đích trước hết của nó là nhằm “rút ruột” tài nguyên cát, khoáng sản từ gần 300km của dòng sông Cái đã nuôi sống dân tộc Việt từ hàng ngàn năm nay!”.

Một ý kiến được đánh giá cao của GS Vũ Trọng Hồng khi ông nêu ra những ví dụ đau lòng và cảnh báo tuyệt đối không nên giao cho tư nhân triển khai công trình (kiểu như siêu dự án này) trên những dòng sông huyết mạch, (bởi nếu họ bán dự án cho đối tác nước ngoài thì khác nào cõng rắn cắn gà nhà) kể cả những công trình ấy do Chính phủ thực hiện cũng cần phải xem xét kĩ… 

 Thấu hiểu nỗi lo của người dân và các nhà khoa học, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định chưa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật; đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành chức năng xem xét lại; yêu cầu phải lập Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng…

Khi ý kiến của Thủ tướng được thông báo, dư luận nói chung và người dân đều “thở phào” bởi quyết định này, có thể nói, đã ngăn chặn một thảm họa về môi trường và xã hội, đã cứu dòng sông Hồng thoát khỏi “cái chết tức tưởi”.  

Rõ ràng, lòng yêu nước của người dân, chuyên môn của nhà khoa học dũng cảm và sự quyết đoán của nhà lãnh đạo đã ngăn chặn một thảm họa môi trường với sông Hồng và đồng bằng Bắc bộ.

Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, rất cần những “cái đầu lạnh” và “trái tim nóng” của giới chuyên môn, đặc biệt là của các nhà lãnh đạo biết lắng nghe ý kiến người dân và nhà khoa học, có cái nhìn tỉnh táo trước “ma trận dự án” mà trong đó tồn tại không ít “lợi ích nhóm”, để giúp dân, giúp nước tránh được những tai ương.

Trần Duy Hiển
.
.
.