Lại nóng với 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Thứ Hai, 17/12/2012, 09:17
Không chỉ quá sơ sài trong điều tra xã hội học, báo cáo ĐTM của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chưa đánh giá việc tích nước của tất cả các dự án thủy điện (nhất là vào mùa khô) từ đầu nguồn đến hạ nguồn, khiến tình trạng xâm nhập mặn phía hạ lưu càng trở nên trầm trọng, đe dọa đến an ninh lương thực, an sinh xã hội trên lưu vực sông Đồng Nai.

Ngày 16/12, tại TP Hồ Chí Minh, mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRS) tổ chức hội thảo năm 2012. Tại hội thảo, vấn đề nóng của lưu vực sông Đồng Nai và tác động của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A lại được các nhà khoa học, các cơ quan báo chí rất quan tâm. Tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng: “Việc hình thành một hồ chứa nước lớn và kéo dài trên một đoạn sông sẽ làm thay đổi đáng kể môi trường sống của các loài động và thực vật đặc hữu; đặc biệt là các loài nguy cấp, cắt đứt đường di chuyển, trốn chạy của những loài có nguy cơ bị săn bắt, thay đổi đặc điểm kiếm ăn. Đồng thời hồ chứa sẽ làm gia tăng số lượng, diện tích quần thể của những loài không mong đợi như: cây Mai Dương, các loài tảo độc, các sinh vật đáy sẽ thay đổi do thay đổi áp suất và nhiệt độ ở đáy sông nay thành hồ chứa nước…”.

Không chỉ mất diện tích rừng như báo cáo đánh giá tác động môi trường (báo cáo ĐTM), các nhà khoa học nghi ngại diện tích rừng bị mất sẽ lớn hơn do hồ nước làm nền đất bị mềm nhão, dễ sạt lở và rửa trôi. Chưa hết, đất ngập úng sẽ làm rễ cây rừng bị ngộp vì thiếu thoáng khí và cây rừng dễ bị chết đi, đổ ngã và tình trạng xói mòn xung quanh hồ gia tăng nhanh chóng; khi đó diện tích đất rừng bị mất đi sẽ nhiều hơn theo năm tháng chứ không đơn thuần là phần đất mặt bị ngập nước. Ngoài ra, chuyện di dời các cá thể: chim, cá, thú… bị nguy cấp gần như không tưởng, việc thu thập gen và cây giống cũng không đơn giản như báo cáo ĐTM đã nêu.

Vườn Quốc gia Cát Tiên sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng...

Không chỉ quá sơ sài trong điều tra xã hội học, báo cáo ĐTM của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chưa đánh giá việc tích nước của tất cả các dự án thủy điện (nhất là vào mùa khô) từ đầu nguồn đến hạ nguồn, khiến tình trạng xâm nhập mặn phía hạ lưu càng trở nên trầm trọng, đe dọa đến an ninh lương thực, an sinh xã hội trên lưu vực sông Đồng Nai. Báo cáo ĐTM cũng chưa làm rõ tính pháp lý, tuân thủ luật đa dạng sinh học, tuân thủ cam kết quốc tế; chưa phân tích đánh giá chi tiết và thuyết phục những ảnh hưởng đối với đa dạng sinh học của Vườn QG Cát Tiên như: các loại động vật, thực vật quý hiếm, biến đổi hệ sinh thái, môi trường, di dân, xã hội… chưa có các giải pháp đề xuất khắc phục mặt tiêu cực của 2 dự án một cách thiết thực và khả thi.

Theo Tiến sĩ Phạm Hữu Khánh, Vườn QG Cát Tiên: “Vườn QG Cát Tiên được thế giới công nhận là khu Ramsar, khu dự trữ sinh quyển, nằm trong không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận và hiện đang trình hồ sơ để được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tác động trực tiếp đến lưu vực sông Đồng Nai, làm thay đổi lượng chất dinh dưỡng trong nước, chất lượng nước sông có nguy cơ bị ô nhiễm, làm tăng lượng trầm tích, thúc đẩy nhanh quá trình nâng dần đáy sông và đáy bàu; thay đổi dòng chảy, gây ngập úng vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô ở vùng hạ lưu, làm biến dạng hình thái của sông, bàu. Khi dòng chảy trái với quy luật tự nhiên, sẽ gây hậu quả khó lường như: xói mòn đất, sạt lở bờ sông, lũ quét, vỡ đập do động đất… Nếu dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tiếp tục thực hiện, Bàu Sấu và các bàu lân cận có nguy cơ mất dần các giá trị và chức năng của các vùng đất ngập nước và sẽ biến mất…”.

... nếu các dự án thủy điện được triển khai.

Tại buổi hội thảo, các nhà khoa học đều cho rằng sản xuất điện là rất cần thiết cho sự phát triển của xã hội, tuy nhiên không thể đánh đổi tất cả, đặc biệt là với môi trường sinh thái. Đối với 2 dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, báo cáo ĐTM 2012 chưa đưa ra đầy đủ thông tin và chưa tính toán các tác động một cách đầy đủ, chính xác; báo cáo ĐTM 2012 cũng chưa đưa ra các giải pháp giảm thiểu, khắc phục phù hợp, thỏa đáng và khả thi. Các nhà khoa học đề nghị, ngoài việc làm rõ những vấn đề đã nêu trong báo cáo ĐTM 2012; trong báo cáo ĐTM cần bổ sung, làm rõ về tác động của đường dây cao thế và hệ thống truyền tải điện của cả 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A; động đất và động đất kích thích của 2 dự án chưa được báo cáo ĐTM 2012 nghiên cứu chi tiết, kỹ lưỡng và các giải pháp cụ thể cho vấn đề này. Với báo cáo ĐTM 2012, chưa thể đủ điều kiện để được xem xét thông qua để làm cơ sở tiến hành xây dựng dự án.

Dự án thuỷ điện Đồng Nai 6, thuộc quy hoạch khai thác bậc thang thuỷ điện Đồng Nai. Quá trình thực hiện, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai thay đổi dự án thành 2 bậc thang thuỷ điện là Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, với tổng công suất là 241 MW và tổng sản lượng điện gần 1 tỷ KWh/năm. Với cao trình mực nước dâng 224m, đập thủy điện Đồng Nai 6 sẽ làm ngập vĩnh viễn 171,36ha đất rừng, trong đó có 87ha đất rừng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Vườn Quốc gia Cát Tiên (Vườn QG Cát Tiên). Thủy điện Đồng Nai 6A nằm trong vùng lõi Vườn QG Cát Tiên sẽ làm ngập hơn 110ha đất rừng, có trên 50ha thuộc phân khu chức năng bảo vệ nghiêm ngặt. Tính chung, hai Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ chiếm 137,5ha đất rừng của Vườn QG Cát Tiên và làm ngập 281ha đất rừng tính chung trong khu vực.

Hiện nay, trên đoạn sông Đồng Nai xung quanh khu vực Vườn QG Cát Tiên có 6 dự án với 10 công trình thủy điện đang triển khai gồm: Đồng Nai 5, Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A, Đồng Nai 7, Đức Thành và bậc thang Tà Lài - Phú Tân 1 - Phú Tân 2 - Thanh Sơn - Ngọc Định. Theo đánh giá của các nhà khoa học, hiện vòng vây thủy điện nằm sát và trong Vườn QG Cát Tiên đều là các thủy điện nhỏ và vừa nhưng khả năng chiếm đất rừng đầu nguồn và chiếm đất vườn quốc gia rất lớn, trung bình 1,5ha đất rừng trên mỗi MW điện. Việc phát triển quá nhiều công trình thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai đã tác động đến tài nguyên nước và đa dạng sinh học trên lưu vực sông Đồng Nai. Việc xây dựng đập thủy điện đi kèm với việc mất một diện tích rất lớn rừng và đất nông nghiệp; trong quá trình vận hành các đập thuỷ điện đã làm thay đổi dòng chảy, nhiệt độ nước qua hệ thống máy phát gây ảnh hưởng cho một số loài và làm suy giảm đa dạng sinh học. Điều đáng nói là hiện vẫn chưa có một nghiên cứu tổng hợp, đánh giá những tác động về môi trường cũng như những tác động xã hội trước mắt và lâu dài đối với sông Đồng Nai và dân cư sống trên lưu vực dòng sông này.

Công Trường
.
.
.