Cần có phương thức đấu tranh phù hợp, hiệu quả với các quan điểm sai trái trên mạng Internet

Thứ Hai, 07/12/2015, 09:26
Trong các hoạt động chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch đặc biệt chú trọng mặt trận tuyên truyền nhằm vào hệ thống lý luận của Đảng.


Nội dung tuyên truyền chủ yếu là đả phá cơ sở lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng CNXH là “không tưởng”, đẩy mạnh quan điểm sùng bái chủ nghĩa tư bản; đả phá lý luận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về vấn đề đa đảng, đa nguyên; về nền dân chủ XHCN…

 Nhìn về chiều dài lịch sử, những quan điểm chống phá nói trên đã nẩy sinh từ lâu, ngay cả khi thành trì CNXH còn vững mạnh, đến thời điểm Liên Xô, Đông Âu tan rã thì được đẩy lên thành cao trào. Ngày nay, quan điểm chống phá nhằm vào hệ thống lý luận vẫn được các thế lực xấu tăng cường, nhất là trên mạng Internet, trong đó chúng thường mở các đợt “cao điểm” vào dịp Việt Nam chuẩn bị đại hội Đảng toàn quốc, sửa đổi Hiến pháp, ban hành mới hoặc sửa đổi những đạo luật quan trọng có liên quan xây dựng, hoàn thiện thể chế chính trị. 

Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TW, ngày 28-3-1992 của Bộ Chính trị khóa VII, công tác lý luận của Đảng đã đạt được những kết quả quan trọng. Tư duy lý luận tiếp tục có bước phát triển, chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (năm 2011) và Hiến pháp năm 2013.

Đã bước đầu hình thành hệ thống lý luận cơ bản về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam (về bản chất, đặc trưng của CNXH; các định hướng cơ bản xây dựng CNXH; về mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH; xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; về phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng...).

Tuy nhiên, công tác lý luận còn có những hạn chế, khuyết điểm. Nghị quyết 37-NQ/TƯ, ngày 9-10-2014 của Bộ Chính trị chỉ rõ, nhìn chung, lý luận còn lạc hậu, tính dự báo thấp, kết quả nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn. Đấu tranh tư tưởng, lý luận chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là trong điều kiện bùng nổ thông tin và phát triển mạng thông tin toàn cầu... Những hạn chế, khuyết điểm nói trên có nguyên nhân khách quan là quá trình đổi mới, phát triển đất nước nảy sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ. Về chủ quan, một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự coi trọng công tác lý luận, công tác giáo dục lý luận chính trị. Phát huy dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị còn có mặt hạn chế, bất cập. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận còn hạn chế.

Trong giai đoạn các thế lực thù địch đặc biệt chú trọng sử dụng công nghệ Internet phục vụ hoạt động tuyên truyền, chống phá, rõ ràng chúng ta cũng phải có cách nhìn đúng đắn, khách quan và phù hợp với môi trường mạng trong cuộc đấu tranh này. Trước đây, có giai đoạn cán bộ tuyên truyền khuyến nghị người dân “không nghe đài địch”, “không đọc báo chí phản động” với mục đích không để người dân bị tiêm nhiễm bởi tư tưởng, quan điểm phản động. Không nghe đài địch thì phá sóng, cắt sóng hay chuyển kênh là ngăn ngừa được. Tuy nhiên, điều này không còn phù hợp trong giai đoạn công nghệ số. Rõ ràng, không thể ngăn người dân vào mạng đọc thông tin xấu, không có lợi hay chỉ khuyến khích họ đọc báo chí chính thống, thông tin có lợi. Trong khi đó, “bức tường lửa” cũng còn rất giới hạn, chúng ta không thể ngăn chặn được sự bùng nổ thông tin bằng tường lửa khi hệ thống các trang mạng xấu đặt máy chủ ở nước ngoài.

Biển thông tin trên Internet là quá mênh mông và mọi người có thể vào bất kỳ trang thông tin nào để đọc. Do đó, chúng ta cần trang bị kỹ năng để người đọc tỉnh táo trước các luồng thông tin độc hại. Đặc biệt, cơ chế phát ngôn, nêu rõ quan điểm, thông tin chính thống là rất quan trọng. Cùng với đó là việc bổ sung, hoàn thiện lý luận và cung cấp lên mạng Internet.

Về vấn đề này, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2015 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ, hiện nay hơn 30 triệu người Việt đang sử dụng các mạng xã hội, đó là nhu cầu không thể ngăn cản. Điều quan trọng phải chủ động đưa thông tin cho chính xác trên mạng xã hội. “Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên facebook xem thông tin. Trên mạng ai nói gì thì nói nhưng nếu có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân tin. Đây là nhiệm vụ mới, cần phải làm tốt hơn” - Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Về lý luận, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TƯ, ngày 9-10-2014 của Bộ Chính trị. Các hướng nghiên cứu chủ yếu là: Tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, các giá trị bền vững phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; chỉ rõ vấn đề cần bổ sung, phát triển.

Tiếp tục đi sâu nghiên cứu về bản chất, đặc điểm của chủ nghĩa tư bản hiện đại, làm rõ tính chất, đặc điểm mới của thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Nghiên cứu tình hình thế giới và khu vực, cục diện, quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng và tương quan các lực lượng trên thế giới, những biến động về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng trong khu vực và thế giới. Nghiên cứu an ninh hàng hải trên thế giới và khu vực, vấn đề Biển Đông từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo.

Đối với những trào lưu tư tưởng, học thuyết, lý thuyết mới, tiếp tục mở rộng và đi sâu nghiên cứu trên quan điểm khách quan, biện chứng và tiếp thu những giá trị tiến bộ. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội và các tư tưởng thù địch dưới mọi màu sắc. Nghiên cứu, phát triển và hoàn chỉnh những luận cứ khoa học làm cơ sở hoạch định đường lối, chính sách của Đảng.

TS Trần Cẩm Tú
.
.
.