Cách mạng Tháng Mười Nga và CAND Việt Nam

Thứ Hai, 06/11/2017, 17:11
Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và sự ra đời của nước Nga Xô viết, Liên Xô và hệ thống XHCN đã dẫn tới sự hình thành và phát triển của hệ thống các Cơ quan Công an Xã hội chủ nghĩa, về bản chất và tổ chức hoạt động hoàn toàn khác với các loại hình cơ quan Công an đã từng tồn tại trước đó trong xã hội loài người.

Trước khi Cách mạng Tháng Mười Nga diễn ra và ra đời nước Nga Xô viết, trên thế giới và kể cả hiện nay nhiều nước dựa vào địa bàn đấu tranh để thành lập Cơ quan Công an. 

Cơ quan Công an làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh bên ngoài biên giới quốc gia các nước gọi là Cơ quan Tình báo quốc gia trực thuộc Chính phủ, Cơ quan Công an làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh nội địa từ biên giới quốc gia vào trong nội địa  các nước gọi là Cơ quan Cảnh sát quốc gia trực thuộc Chính phủ hoặc Bộ Nội vụ (một số nước có Vua gọi là Cảnh sát Hoàng gia). 

Mô hình này có ưu điểm là các cơ quan Công an ít trùng lặp địa bàn đấu tranh, tuy nhiên ở mô hình này tính chính trị, tính giai cấp của cơ quan Công an không được đề cao. Các cơ quan bảo vệ Đảng cầm quyền, bảo vệ Nhà nước ít được coi trọng và đặt đúng tầm quan trọng của mình.

Năm 1917 Cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Để có một mô hình Công an đặc trưng riêng của nước Nga Xô viết khác các nước Tư bản chủ nghĩa, V.I.Lênin đã thành lập Cơ quan đặc biệt toàn Nga (Vtreca) để làm nhiệm vụ bảo vệ Đảng Bônsevích Nga và Nhà nước Xô viết. Về sau từ mô hình Vtreca đã phát triển thành Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB). Bộ Nội vụ Liên Xô (MVĐ). 

Nhiều nước XHCN cũng áp dụng mô hình này của Liên Xô. Lực lượng Công an theo mô hình Liên Xô lấy tính chính trị của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự để phân chia lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia gọi là An ninh; lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội gọi là Cảnh sát. Hiện nay nhiều nước vẫn đang áp dụng mô hình phân chia Công an thành An ninh, Cảnh sát. 

Liên bang Nga sau sự đổ vỡ của Liên Xô về cơ bản vẫn có hai hệ thống: Cơ quan An ninh, Cơ quan Cảnh sát nhưng chia Cơ quan bảo vệ an ninh, trật tự ra nhiều cơ quan nhỏ như: Cơ quan An ninh Liên bang FSB, Cơ quan Tình báo Liên bang, Bộ Nội vụ, Cơ quan chống ma túy Liên bang, Cơ quan Vệ binh quốc gia Liên bang, Cơ quan Thi hành án Liên bang,v.v..

Ngày 19-8-1945 Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Học tập mô hình của Liên Xô và các nước XHCN, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên cơ quan bảo vệ an ninh, trật tự của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là Công an nhân dân Việt Nam. Luật Công an nhân dân hiện nay đã quy định Công an nhân dân Việt Nam bao gồm 2 lực lượng An ninh nhân dân và Cảnh sát nhân dân.

Hệ thống tổ chức Công an được phân chia thành lực lượng An ninh, Cảnh sát là phù hợp và thuận tiện cho hoạt động trong điều kiện Đảng Cộng sản cầm quyền và lãnh đạo xã hội. Tính đảng Cộng sản của cơ quan Công an XHCN được đề cao. Về bản chất cơ quan Công an XHCN, trong đó có Công an nhân dân Việt Nam là một tổ chức chính trị vũ trang và có tính Đảng Cộng sản cao. Từ năm 1990 Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Đảng ủy Công an Trung ương và cơ chế này được ghi rõ trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ hai, chế độ một người chỉ huy được nêu cao trong mô hình Công an nhân dân Việt Nam với cơ chế người chỉ huy Cơ quan Công an kiêm Bí thư Đảng ủy cơ quan Công an cùng cấp. Năm 1990, Đảng ủy Công an Trung ương do Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam làm Bí thư. 

Hiện nay Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương do Bộ trưởng Bộ Công an đảm nhận. Mô hình chỉ huy này tập trung, thống nhất và nêu cao vai trò của người đứng đầu. Tổ chức Cơ quan Công an nhân dân Việt Nam đều gắn với các cấp hành chính quốc gia vì vậy tạo thuận lợi cho sự quản lý nhà nước về an ninh, trật tự của Chính phủ Trung ương và chính quyền các cấp. Điều này phù hợp với lý luận quản lý của Khoa học quản lý hiện đại.

Thứ ba, Công an nhân dân Việt Nam được quy định là lực lượng vũ trang tập trung, thống nhất. Điều này là tương đồng với Quân đội nhân dân Việt Nam, dễ chỉ huy, chỉ đạo.

Thứ tư, ngoài tính vũ trang, Công an nhân dân Việt Nam có tính nhân dân cao. Khác với Cơ quan Công an các nước tư bản quá coi trọng yếu tố kỹ thuật hoặc nghiệp vụ thuần túy, Công an nhân dân Việt Nam đặc biệt coi trọng biện pháp quần chúng và phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc.

Thứ năm, trang phục của Công an nhân dân Việt Nam được thiết kế thân thiện với xã hội, với nhân dân.

Tuy nhiên, cũng giống như các cơ quan Công an Xã hội chủ nghĩa khác, tổ chức bộ máy CAND Việt Nam hiện tại có một số nhược điểm: Một số lực lượng trong ngành Công an trùng dẫm chức năng nhiệm vụ như An ninh kinh tế và Cảnh sát kinh tế; An ninh mạng và Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, An ninh chống khủng bố và Cảnh sát cơ động, An ninh xuất nhập cảnh và Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội,v.v. hệ thống đào tạo còn thiên nhiều về lý thuyết; bộ máy còn chưa tuân thủ theo nguyên tắc: quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội là lĩnh vực quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực nhưng phải giao cho một Bộ ( Bộ Công an) đảm nhiệm chính. 

Công tác an ninh, trật tự ở Việt Nam bị chia cắt ra cho nhiều lực lượng tham gia đấu tranh như phòng chống ma túy chia cho 14 Bộ, ngành đảm nhiệm trong đó phòng chống tội phạm ma túy giao 4 cơ quan ( Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải Quan, Cảnh sát biển) đấu tranh; phòng chống buôn lậu giao cho 5 cơ quan ( Hải quan, Quản lý thị trường, Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển) đấu tranh; bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm giao cho 5 Bộ, ngành quản lý; điều tra tội phạm giao cho 5 bộ, ngành tiến hành (Công an, Quân đội, Hải quan, Kiểm lâm, Viện Kiểm sát)… 

Vì vậy ở Việt Nam phải sinh ra nhiều Ủy ban quốc gia, Ban chỉ đạo liên ngành chỉ đạo và thực tế hiệu lực rất thấp.

Nghiên cứu kinh nghiệm của V.I.Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga, kinh nghiệm của Liên Xô và hệ thống Công an XHCN, để đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng CAND Việt Nam trong tình hình mới, tổ chức CAND Việt Nam trong thời kỳ mới cần tuân thủ nguyên tắc: Quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội là lĩnh vực quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực nhưng phải do Bộ Công an đảm nhiệm là chính. 

Công an nhân dân Việt Nam bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội xuyên suốt từ bên ngoài biên giới quốc gia, tại biên giới quốc gia, trên biển đến nội địa. Công tác Công an phải giao và tập trung vào Bộ Công an đảm nhiệm.

Để kế tiếp truyền thống và giữ bản chất đặc trưng của Công an Xã hội chủ nghĩa cần tiếp tục giữ tên gọi Công an nhân dân Việt Nam để thể hiện tính nhân dân. Công an nhân dân Việt Nam là Công an nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ. Công an nhân dân Việt Nam đặc biệt coi trọng biện pháp quần chúng và phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc.

Vẫn tiếp tục tổ chức Lực lượng An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân trong Công an nhân dân nhưng hai lực lượng này chỉ giữ lại những bộ phận mang tính truyền thống và không trùng dẫm nhiệm vụ lên nhau. Những lực lượng Công an trùng dẫm nhiệm vụ cần thống nhất lại. Tổ chức, bộ máy Công an nhân dân Việt Nam được tổ chức theo hướng “ Bộ tinh gọn, tỉnh vững mạnh, huyện toàn diện và xã, phường bám sát cơ sở”.

Giữ cơ chế Đảng ủy Công an Trung ương và cơ chế này cần tiếp tục được ghi rõ trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực hiện chế độ một người chỉ huy với cơ chế người chỉ huy Cơ quan Công an kiêm Bí thư Đảng ủy cơ quan Công an cùng cấp. 

Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương do Bộ trưởng Bộ Công an đảm nhận. Mô hình chỉ huy này tập trung, thống nhất và nêu cao vai trò của người đứng đầu, đồng thời vẫn khẳng định sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam với Công an nhân dân Việt Nam. Tổ chức Cơ quan Công an nhân dân Việt Nam gắn với các cấp hành chính quốc gia để tạo thuận lợi cho sự quản lý nhà nước về an ninh, trật tự của Chính phủ trung ương và chính quyền các cấp.  

Công an nhân dân Việt Nam tiếp tục được quy định là lực lượng vũ trang tập trung, thống nhất để tương đồng với Quân đội nhân dân Việt Nam. Áp dụng song trùng hai hệ thống cấp bậc hàm Công an của thế giới và cấp bậc hàm Quân sự của Liên Xô để Công an nhân dân Việt Nam thể hiện được ngoài là một lực lượng vũ trang nhân dân, còn là một cơ quan tư pháp, một cơ quan hành chính nhà nước.

Quy hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo của ngành Công an. Củng cố mô hình đào tạo đại học Công an của các nước Xã hội chủ nghĩa, đồng thời có kết hợp mô hình đào tạo nghề Công an của các nước tư bản.

100 năm sau Cách mạng tháng Mười Nga ra đời và hôm nay Liên Xô vĩ đại không còn nữa, nhưng Công an nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục trưởng thành và phát triển dưới ánh sáng của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại với sự hoàn thiện, bổ sung của những ưu điểm của các mô hình Công an thế giới trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện CSND
.
.
.