Bốn ưu tiên của năm APEC VIệt Nam 2017

Thứ Năm, 08/12/2016, 10:32

Sáng 9-12, tại Hà Nội 350 đại biểu bao gồm đại biểu các nền kinh tế thành viên APEC quốc tế, các quan sát viên của APEC đã cùng tham dự hội thảo về các ưu tiên của năm APEC 2017 và bàn thảo những vấn đề kinh tế của khu vực. 

Đây cũng là dịp để Việt Nam nắm bắt thêm quan tâm của các nền kinh tế thành viên, tranh thủ ý kiến của các đại biểu, các tổ chức quốc tế, giới học giả và doanh nghiệp Việt Nam-APEC về xu hướng hợp tác quốc tế và khu vực liên quan đến các hướng ưu tiên mà Việt Nam đã đề xuất.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo được chia làm 5 phiên gồm: tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai châu Á-Thái Bình Dương; đẩy mạnh tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo; vai trò then chốt của APEC trong thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; MSME và năng lực cạnh tranh, sáng tạo trong kỷ nguyên số; tăng trưởng an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia APEC 2017 khẳng định, Việt Nam rất vinh dự được lần thứ 2 đăng cai tổ chức Hội nghị APEC vào năm 2017. Sau 3 thập kỷ đổi mới và gần 20 năm gia nhập APEC, Việt Nam đang ngày càng có những đóng góp tích cực hơn nữa trong APEC.

Toàn cảnh hội thảo sáng 9-12 

Theo Phó Thủ tướng, những ưu tiên trong năm APEC 2017 là tăng trưởng bền vững, sáng tạo và toàn diện; thúc đẩy hội nhập sâu rộng và kết nối khu vực; tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững.

Cụ thể, APEC phải tập trung thảo luận các vấn đề về cải cách cơ cấu, tăng năng suất, thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo và thu hẹp khoảng cách phát triển. Tiếp đó là APEC phải làm sống lại thương mại và đầu tư vì đây là chìa khóa để tăng trưởng kinh tế và đạt mục tiêu Bogor vào năm 2020.

APEC cũng cần phải tập trung xem xét vấn đề nào phù hợp với hiện tại và tương lai, nắm bắt cơ hội để đạt các thỏa thuận đã và đang diễn ra; đổi mới sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chuỗi giá trị toàn cầu và áp dụng công nghệ để tăng năng suất, chất lượng nông nghiệp.

Phó Thủ tướng khẳng định, đã đến lúc hình thành tầm nhìn APEC hậu 2020 vì sự phát triển quan hệ đối tác bền vững và toàn diện châu Á-Thái Bình Dương; hòa bình, ổn định hợp tác và thịnh vượng trong khu vực.

Huyền Chi - Linh Bùi
.
.
.