Bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm

Thứ Sáu, 28/07/2017, 23:55
Ngày 31-10-2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về “Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh đa cấp”. Đồng thời chỉ đạo Bộ Công thương tiến hành rà soát, kiểm tra chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp. Tính đến tháng 11-2016, Bộ Công thương đã thu hồi giấy phép kinh doanh của 14 công ty, tạm ngừng và chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp 11 công ty...


Hoạt động kinh doanh đa cấp trá hình thời gian qua cũng diễn biến hết sức phức tạp. Lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, một số đối tượng đã “biến tướng” phương thức bán hàng này để trục lợi mà hành vi phổ biến là lợi dụng hoạt động kinh doanh đa cấp trá hình để lừa đảo chiếm đoạt tài sản như kinh doanh tiền ảo, bất động sản, đầu tư tài chính, lập sàn giao dịch cho - nhận... như vụ lừa đảo kinh doanh đa cấp của Công ty liên kết Việt, MB24, Cộng đồng Việt, Tâm mặt trời, Diamond Holiday với số tiền chiếm đoạt, số lượng người dân bị hại là rất lớn, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng lớn đến trật tự, an toàn xã hội.

Để ngăn chặn tình hình này, ngày 31-10-2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về “Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh đa cấp”. Đồng thời chỉ đạo Bộ Công thương tiến hành rà soát, kiểm tra chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp. Tính đến tháng 11-2016, Bộ Công thương đã thu hồi giấy phép kinh doanh của 14 công ty, tạm ngừng và chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp 11 công ty.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự năm 2015 thì các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp được xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do việc phải chứng minh có đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo (như phải làm rõ được ý thức chủ quan của người phạm tội, người bị hại phải tố cáo, hậu quả đã xảy ra...) mới được khởi tố, điều tra, xử lý dẫn đến quá muộn, không thể khắc phục được hậu quả, không thể thu hồi được số tiền bị chiếm đoạt.

Do chưa có quy định để xử lý hình sự sớm đối với hành vi vi phạm, ngăn chặn hậu quả xảy ra nên thực tế trong thời gian qua cơ quan chức năng đã điều tra khám phá và xử nhiều vụ án hình sự về liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa đảm bảo yêu cầu phòng ngừa tội phạm không ngăn chặn sớm được thiệt hại xảy ra.

Vì vậy, để bảo đảm việc phòng ngừa tội phạm, ngăn chặn sớm thiệt hại cho người dân, đáp ứng yêu cầu cần xử lý sớm đối với tội phạm này, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a) là rất cần thiết và phù hợp. 

Theo quy định của Điều 217a, xử lý hình sự về tội này đối với 2 hành vi đó là: tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; đồng thời, 2 hành vi trên bị xử lý hình sự phải kèm theo các yếu tố đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp hoặc đã bị kết án về tội vi phạm quy đinh về kinh doanh theo phương thức đa cấp, chưa được xóa án tích hoặc thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho người khác.

Theo đó, người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc một trong các trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 174 (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) và Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản) của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Trong trường hợp phạm tội mà thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho người khác 1.500.000.000 đồng trở lên hoặc với quy mô mạng lưới người tham gia 100 người trở lên thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. 

Trung tướng, GS. TS Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp
.
.
.