Xác minh cá chết do nhiễm độc nhà máy phân bón

Thứ Ba, 21/03/2017, 14:43
Sau khi một số báo đưa thông tin “Cá chết trắng ao vì nhiễm độc nước thải nhà máy” tại Lào Cai do nguồn nước dẫn vào các ao bị nhiễm độc từ nguồn nước thải của Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2, Bộ Công Thương chiều 21-3 cho hay, đã cử cán bộ kiểm tra thực tế.


Cụ thể, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã cử cán bộ cùng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam kiểm tra thực tế tại Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 (xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) để xác định nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục.

Trước đó, một số báo có đưa tin gần 7 tấn cá nuôi sắp được thu hoạch ở thôn Tân Lợi, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai bỗng chết nổi trắng ao. Nguyên nhân được lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường Lào Cai xác nhận là do nhiễm độc từ nguồn nước thải của Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. 

Cá tại ao của người dân chết nổi trắng vì nhiễm độc (Ảnh: Lao Động)

Cụ thể, trước đó, do đường ống bơm hồi lưu nước thải từ bãi Gyps của Nhà máy chảy vào suối Mã Ngan, sau đó nhập lưu vào suối Trát bị bục gây nhiễm độc nguồn nước.

Được biết, sau sự cố, Nhà máy phân bón DAP số 2 đã thừa nhận trách nhiệm và tạm ứng trước số tiền 200 triệu đồng để bồi thường thiệt hại cho gần 7 tấn cá chết của 10 hộ dân thôn Tân Lập. Số còn lại, công ty cam kết đền bù xong trước ngày 24-3.

Tuy nhiên, đền bù xong cho người dân chưa phải là cốt lõi của vấn đề, bởi nước thải của nhà máy còn có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực khác cho môi trường.

15h40 chiều cùng ngày, Bộ Công Thương đã cập nhật kết quả kiểm tra ban đầu về sự cố. Theo đó, vào lúc 13h ngày 17-3-2017, tại khu vực bãi Gyps - Công ty cổ phần DAP số 2 đã xảy ra sự cố bục đường ống dẫn nước thu hồi từ bãi gyps về tái sử dụng của xưởng, khiến nước trong đường ống tràn ra ngoài và tràn vào cống thu nước bề mặt, theo đó đi vào hệ thống thoát nước thải chung.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần DAP số 2, khi phát hiện sự cố, công ty đã ngay lập tức tiến hành đồng thời các biện pháp khắc phục, bao gồm khóa van trên đường ống nước bị bục, dùng cao su bịt kín điểm thủng để ngăn nước tiếp tục tràn ra ngoài. Dùng đất lấp miệng cống thu nước thải bề mặt để cô lập dòng nước bị tràn ra từ đường ống. Dùng vôi bột trung hòa với nước bị tràn ra ngoài môi trường.

Ngoài ra, DN này cũng tiến hành kiểm soát pH nước thải tại các điểm xả của Nhà máy và dòng nước thải chung (khu vực suối Trát) với tần suất nửa tiếng một lần để kiểm soát. Đến 14h cùng ngày đã ngăn chặn được và không còn hiện tượng nước bị rò từ ống ra môi trường; đến 18h cùng ngày pH tại điểm hòa chung các nguồn nước thải trước khi nhập vào suối Trát đã lên 6,4 và sự cố về cơ bản đã được kiểm soát.

“Các ngày sau đó, Công ty vẫn thường xuyên thực hiện các biện pháp để xử lý ô nhiễm và kiểm tra pH các nguồn thải để phát hiện kịp thời các vấn đề phát sinh và ngăn chặn” – thông báo cập nhật của Bộ cho biết.

Trong suốt quá trình sau khi phát hiện ra sự cố, Công ty đã chủ động tích cực phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Lào Cai, chính quyền địa phương tổ chức khắc phục sự cố, kiểm tra đánh giá mức độ ảnh hưởng, thống kê thiệt hại để làm cơ sở bồi thường kịp thời cho các hộ, vùng bị ảnh hưởng. 

Bộ Công Thương cho biết sẽ sớm cập nhật những thông tin tiếp theo đến người dân.


Vũ Hân
.
.
.