Bảo vệ những “chiến sĩ áo trắng” trên trận chiến chống dịch COVID-19
- Việt Nam thêm bác sĩ bị lây chéo, thế giới đã có hơn 2 vạn người chết vì COVID-19
- Thêm 3 ca ở BV Bạch Mai, Việt Nam có 163 người nhiễm COVID-19
- Xét nghiệm COVID-19 gần 5 nghìn nhân viên và người bệnh tại BV Bạch Mai
Hai bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đã lây nhiễm chéo trong trong quá trình điều trị, 28 y, bác sĩ liên quan đã phải cách ly; 2 nhân viên điều dưỡng nhiễm bệnh cũng phải cách ly hơn 150 thầy thuốc và tạm dừng đóng cửa cả một Trung tâm Bệnh nhiệt đới. Đóng cửa cùng cách ly nhân viên y tế Khoa Thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai khi phát hiện bệnh nhân ở đây nhiễm COVID, gần 4.000 bác sĩ của bệnh viện phải xét nghiệm sàng lọc.
Bảo vệ nhân viên y tế - những chiến sĩ áo trắng ở tuyến đầu chống dịch đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.
Bác sĩ phải luân chuyển để tránh mệt mỏi
Khám sàng lọc tại bệnh viện là một trong ba nguồn có khả năng phát hiện bệnh nhân, nhưng đây cũng là nơi có khả năng lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế nếu việc thăm khám không đảm bảo an toàn.
Nhân viên y tế ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các địa phương hơn 2 tháng qua đã khám sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm cho hàng chục nghìn người – đây là một trong những nguồn dễ lây nhiễm nếu không đảm bảo các biện pháp phòng hộ an toàn. Các bác sĩ điều trị, các điều dưỡng, y tá chăm sóc người bệnh nhiễm COVID-19 dù phòng hộ có kỹ đến đâu nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm virus.
Nhân viên y tế truyền tải thông điệp để bảo vệ sức khỏe cả cộng đồng. |
Những ngày vừa qua, Việt Nam đã phải cách ly 14 ngày với hàng trăm thầy thuốc, tạm đóng cửa cả một Trung tâm Bệnh nhiệt đới, một Khoa Thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai; cách ly 28 bác sĩ, nhân viên y tế của Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Nếu dịch bùng phát, sẽ thật khó khăn bởi mỗi khi có đồng nghiệp nhiễm bệnh, tất cả cách ly 14 ngày. Bác sĩ vốn ít ỏi tính trên tỷ lệ dân số, nếu lại có nhân viên y tế nhiễm bệnh thì càng thiếu hụt nhân lực. Vậy nên, nếu các cơ sở y tế không thực hiện nghiêm ngặt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, không nêu cao cảnh giác, không có quy định xử lý nếu nhân viên không thực hiện, thì việc lây nhiễm có thể xảy ra.
Trong những ngày qua, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế cho biết họ thiếu hụt khẩu trang y tế, có nơi bác sĩ phải dùng khẩu trang vải 2 lớp mỏng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, ngành y tế đã có kế hoạch và ký mua sắm dự trù là 30 triệu khẩu trang, tuy bây giờ mới đang ở bước mua được khoảng 5 triệu khẩu trang y tế. Trong thời điểm khó khăn này, ông Sơn kêu gọi người dân nên nhường khẩu trang y tế cho nhân viên y tế, sẽ góp phần tạo an toàn cho nhân viên y tế. Chính sự an toàn của nhân viên y tế sẽ giúp bảo đảm cho sự an toàn của cộng đồng. Ông Sơn cho biết, cung cấp đầy đủ trang bị phòng hộ cho những “chiến sĩ áo trắng” là vô cùng cấp thiết.
Trong buổi làm việc gần đây nhất với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khi bác sĩ đầu tiên ở đây lây nhiễm chéo COVID-19, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói rằng, chúng ta hoàn toàn thấu hiểu cho các chiến sĩ áo trắng trước một cuộc chiến kéo dài hơn 2 tháng, họ đã làm việc quần quật trong khoa, chưa được về nhà, chưa gặp người thân. Các trang bị phòng hộ dù có đầy đủ đến đâu thì cũng không thể đảm bảo an toàn 100%.
Có thể trong lúc thay đồ không may bị nhiễm. Hoặc nam bác sĩ (bệnh nhân 141) bị lây nhiễm chéo khi thao tác thiết lập máy thở cho bệnh nhân 28. Để giảm tình trạng lây nhiễm từ người bệnh sang nhân viên y tế tới mức tối đa, trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục kéo dài thêm nữa, Thứ trưởng đề nghị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phải có kế hoạch luân chuyển cán bộ để các thầy thuốc đỡ mỏi mệt. Trước hết trên tinh thần tự nguyện, không phải luân chuyển toàn bộ cả khoa mà từng nhóm một. Đồng thời cũng có biện pháp nhắc nhở, kể cả xử lý các hành vi cố tình không tuân thủ các nguyên tắc chống nhiễm khuẩn, bảo hộ cũng như chăm sóc người bệnh.
Cần có đãi ngộ thỏa đáng
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Trưởng Khoa Y tế công cộng và Điều dưỡng, Trường ĐH Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nêu quan điểm, ngoài cung cấp đầy đủ trang thiết bị bảo hộ, huấn luyện an toàn kỹ càng thì chúng ta cũng phải có giải pháp đảm bảo sức khỏe cho các nhân viên y tế làm việc lâu dài.
Chúng ta có thể thay đổi, luân phiên các nhóm công tác ở những vị trí rủi ro cao nhất, tăng cường bác sĩ từ các bệnh viện tuyến sau cho tuyến trước. Về cơ chế chính sách cũng phải có những chính sách đặc thù để bồi dưỡng vật chất nhiều lần hơn, động viên tinh thần cho các cán bộ y tế ở những vị trí xung yếu trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm.
Ngay sau khi có 2 bác sĩ lây nhiễm COVID-19 trong bệnh viện, ngày 26-3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã chỉ đạo các bệnh viện, Sở Y tế trên cả nước phải nghiêm túc và quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng chống lây nhiễm cho nhân viên y tế và tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Các cơ sở y tế phải dự trù và cung cấp đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, trong trường hợp thiếu, không mua được phải báo cáo ngay với cơ quan quản lý trực tiếp và Ban Chỉ đạo các cấp để tìm giải pháp khắc phục.
Trong các kỹ thuật điều trị, chăm sóc người bệnh có tạo ra các hạt khí dung như gây mê, đặt nội khí quản… có nguy cơ lây nhiễm cao, yêu cầu người hành nghề tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn; chỉ thực hiện khi đã trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ chuyên dùng. Tập huấn cho người thực hiện đầy đủ, kỹ lưỡng.
Chú ý bố trí khu vực sinh hoạt của nhân viên y tế cách xa khu vực cách ly và điều trị người bệnh (căn cứ trên điều kiện thực tế của đơn vị). Nhân viên y tế làm việc tại các bệnh viện có điều trị COVID-19 nói chung và các khu cách ly nói riêng cần hạn chế tối đa đến các khu vực đông người và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Bảo vệ các “chiến sĩ áo trắng” ở nơi tuyến đầu phòng chống dịch chính là bảo vệ sức khỏe của người dân chúng ta. Trong thư khen, động viên các “chiến sĩ áo trắng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi và đề nghị đồng bào, đồng chí trong cả nước tiếp tục động viên, chia sẻ, chung tay ủng hộ những người chiến sĩ áo trắng yêu quý của chúng ta trong cuộc chiến với COVID-19 đầy cam go và nguy hiểm.
Một bác sĩ công tác ở Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Trong thời gian này, Khoa Cấp cứu A9 đã tiếp nhận khám và xử trí cấp cứu cho khoảng 150 - 200 bệnh nhân mỗi ngày, trong đó có rất nhiều bệnh nhân tới khám vì sốt và từ vùng dịch về. Do vậy, ngoài nhiệm vụ đảm bảo việc khám và xử trí cấp cứu kịp thời cho người bệnh, các bác sĩ và nhân viên y tế của khoa phải khám sàng lọc bệnh nhân sốt nhằm phát hiện những người có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 để chuyển thẳng tới tuyến chuyên khoa (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương). Đây là những nhiệm vụ hết sức nặng nề và nguy cơ nhiễm bệnh cao. Tuy nhiên, không vì thế mà tập thể Khoa Cấp cứu A9 nản lòng, chủ quan kể từ làn sóng xâm nhập bệnh COVID-19 lần 1 vào Việt Nam cho tới nay. Không biết dịch bệnh COVID-19 bao giờ mới chấm dứt, nhưng tập thể Khoa Cấp cứu A9 đã và đang quyết tâm, kiên trì và vững tin bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió để hoàn thành nhiệm vụ cũng như bảo đảm an toàn cho người bệnh, bác sĩ và nhân viên y tế của khoa. |