Bảo vệ môi trường cần bám sát thực tiễn

Thứ Ba, 13/10/2015, 07:45
Dự thảo văn kiện của Đại hội XII của Đảng đã quan tâm tới những vấn đề xung quanh lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, theo thiển nghĩ của cá nhân tôi, bản dự thảo mới chỉ quan tâm tới các giải pháp mang tính quản lý về mặt hành chính và kết luận còn mang tính chung chung.

Cụ thể, xin trích dẫn ở mục 6 trong phần  “Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015” như sau: “Hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được hoàn thiện. Công tác kiểm tra, thanh tra việc thực thi và xử lý vi phạm được chú trọng”.

Viết như đoạn trích dẫn là chưa đánh giá được cụ thể, không thể xác định được hoàn thiện tới mức nào (?) ở câu một và chú trọng (?) ra sao ở câu hai trong đoạn trích.

Viết như vậy thì “việc quản lý” và xử lý của Nhà nước về lĩnh vực môi trường là quá trọn vẹn rồi, chúng ta đã tự thỏa mãn trong quản lý điều hành xã hội về lĩnh vực môi trường mà chẳng có thiếu sót, sai lầm gì!

Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống và ngay cả trong dự thảo văn kiện, để giữ cho môi trường không bị làm xấu thêm thì vấn đề trách nhiệm chấp pháp của các cơ quan quản lý Nhà nước phải được đề cập đến rõ ràng, việc trách nhiệm của các cơ sở sản xuất cũng vậy và cần tránh mang nặng tính phong trào. Không thể cứ “phát huy vai trò của cộng đồng, của doanh nghiệp... chung chung”, không phải là vai trò mà phải là trách nhiệm bắt buộc. 

Trên trang web MaxReading.com -  Việt Nam môi trường và cuộc sống - Chất thải rắn đô thị và công nghiệp chính thức phản ánh: Thực tế ở nhiều địa phương, có rất nhiều loại chất thải khác nhau, phát thải ra một cách tùy tiện trong các cơ sở công nghiệp mà không hề có sự quản lý. Tại các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, vấn đề thu gom lưu chứa chất thải nguy hại chưa được quan tâm, còn các nhà máy có quy mô lớn, vấn đề này mới bắt đầu và được quan tâm hơn. Chỉ có những công ty liên doanh hoặc công ty do nước ngoài đầu tư thì công tác này mới thực sự được chú trọng.

Có thể nhận xét rằng hoạt động thu gom, lưu chứa chất thải công nghiệp nguy hại còn bị hạn chế do thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể của Nhà nước, như: Quy chế quản lý chất thải nguy hại mặc dù đã được ban hành từ năm 1999, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể; Chưa có các quy định quy phạm kỹ thuật đối với phương tiện thu gom và lưu giữ tạm thời chất thải công nghiệp nguy hại; Chưa có quy định về thủ tục xin phép vận chuyển hoặc quá cảnh chất thải nguy hại.

Vậy các đánh giá hiện trạng môi trường và các con số nêu ra trong báo cáo dự thảo phải có độ tin cậy. Và dự thảo về vấn đề môi trường cần bám sát thực tiễn xã hội để có hướng xử lý, tạo điều kiện cho xã hội phát triển bền vững chứ không nêu chỉ tiêu mang tính ước vọng.

PGS - TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên BCH Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh
.
.
.