Ai cũng có thể là nạn nhân dự bị của Facebook

Thứ Sáu, 04/08/2017, 09:57
Theo một con số khảo sát không chính thức của một tổ chức nước ngoài, số lượng người Việt sử dụng mạng xã hội Facebook lên tới hơn 35 triệu người. 


Con số này nói lên điều gì, đó là một con số bốc phét và nói thách thái quá. Họ không hề biết rằng vô số người dùng mạng xã hội Việt không trong sáng như tiêu chuẩn chung rằng mỗi cá nhân nên mặc định sở hữu 1 tài khoản.

Với công cuộc bán hàng online và tung tin đồn nhảm lên đến cao trào như hiện nay thì “các mẹ” đều sở hữu vài đến vài chục tài khoản (account) để tự khen mình, để tự cảm ơn hàng tốt quá và cả để “âm binh” đi chia sẻ (share) những tin tức giật gân trong một khoảnh khắc nào đó chính chủ nghĩ ra. Họ cần một hiệu ứng đám đông kết nối qua sợi dây liên kết “các mẹ ơi biết gì chưa”, thêm mỗi người theo dõi là thêm một khách hàng tiềm năng.

Trước khi thế giới có Facebook, trước khi cả người Việt Nam có loa phường thì mỗi cá thể người đã biết gắn kết thế giới bằng khả năng truyền thông sâu sát của mình.

Đàn ông làm việc quần quật ngoài đồng. Phụ nữ cũng làm việc quần quật, nhưng làm việc nhà, tham gia các hoạt động lao động sản xuất có tính chất quần tụ trong làng xóm. Trong tiếng Anh, từ gossip (buôn chuyện; ngồi lê) vốn được tạo ra từ 2 từ “god” (tiền tố: đỡ đầu) và “sibb” (đại gia đình), có nghĩa là các bậc đỡ đầu cho một đứa trẻ con.

Trong phòng sinh nở, chỉ có phụ nữ ngồi chờ đứa trẻ ra đời. Và đó là lúc các chị các mẹ bắt đầu trao đổi thông tin, gắn kết cộng đồng, cũng như sáng tác các bi kịch về cuộc đời người khác. Đấy chỉ là một ví dụ. Các chị các mẹ có thể làm việc đó khi đi chợ, ra cầu ao giặt quần áo, hoặc đi xin lửa nấu cơm. Diêm rất đắt, và đi xin lửa thì nên có ti tí chuyện làm quà.

Đây chính là hoạt động truyền thông xã hội thời kỳ “sơ khai” của con người khi ấy chủ yếu diễn ra trong làng, được thực hiện bởi chị em phụ nữ. Chúng ta có thể thấy nó rất quen thuộc, cái sự truyền thông trong thời đại số thật ra cũng diễn ra y như thế. Bạn cần thêm mắm dặm muối để có thêm... likes. Cái sự sáng tác dựa trên cuộc đời người khác vốn đã là một nhu cầu truyền thông căn bản để “lấy số” trong cộng đồng từ nghìn năm trước đến nghìn năm sau.

Thế kỷ XXI, mặc dù nhiều chị em vẫn giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của các bậc tiền nhân sống trong làng, vẫn ngồi buôn chuyện say sưa nói xấu ai đó, tung một cái tin giật gân nào đó trong phòng máy lạnh hay quán ăn Hàn Quốc, thì ta có thể nhận ra: Bây giờ cái sự ngồi lê, bịa chuyện trắng trợn, nói xấu nhau nó không còn từ một ai.

Khi người ta trao cho cánh đàn ông một công cụ đậm chất làng xã, là cái tài khoản facebook, khi người ta tước mất một phần đời cao đẹp của anh ấy bên chén rượu bằng sự gây nghiện của facebook và xây nhà, làm vườn giờ đã có phục vụ tận răng, thì anh ấy cũng dễ dàng lẫn lộn vào đám đông cuồng nộ thiếu tư duy mà không tha một “cô Lụa, cô Gấm” nào cả. Một cô đăng tý ảnh hở hang lên “phây”? Một ca sỹ dính tý scandal? Một chuyện ngoài đường ngoài chợ nào đấy được mô tả bằng 30 giây video-clip?

Lúc ấy thì đừng bảo chỉ đàn bà mới hay nói xấu nhau. Lúc ấy thì nào là chuyện đạo đức, rồi thì các chi tiết thêm mắm dặm muối, những phát ngôn kiểu “Con ấy thế nào, tôi biết” (nhà tôi ở cách nhà nó 2 dãy phố và hay gặp nó chạy bộ thể dục trong công viên…).

Theo vô số nghiên cứu về nhân chủng học thì con người về cơ bản là thích hóng chuyện và đều có nhiệt tâm chia sẻ tin đồn. Sử gia Mitchell Stephens từng nói: “Nhân loại đã liên tục trao đổi tin tức, xuyên suốt mọi lịch sử và trải qua các nền văn hóa…”.

Tin tức thỏa mãn khát vọng căn bản của con người, là nhu cầu nội tại, là bản năng. Loài người muốn biết những gì đang xảy ra bên ngoài kinh nghiệm trực tiếp của mình. Và khi họ được biết, những biến cố không tự nhìn thấy sẽ lại tạo ra một “khoái cảm” thông tin hoặc một cảm giác an toàn.

Có một dạo người ta râm ran cái mốt mở đầu câu chuyện bằng cụm “Các mẹ ơi, biết gì chưa?”. Câu này mô tả hoạt động của các mẹ trên các diễn đàn bỉm sữa, một hoạt động rất đặc trưng và cao quý của phụ nữ. Nhưng rồi cái phong trào “Các mẹ ơi, biết gì chưa” ấy, nó lây lan sang tất các lĩnh vực, người phát ngôn từ mọi giới tính.

Các mẹ ơi, biết gì chưa? Virus Ebola đã về đến Hà Nội rồi đấy. Các mẹ ơi, biết gì chưa? Đây là video cận mặt hai con mẹ mìn bắt cóc trẻ con lấy nội tạng nhé. Các mẹ ơi, có vụ đánh ghen này khốc liệt lắm, phải bôi ớt cho nó nhớ, các mẹ xem phút thứ 3.25 clip đính kèm.

Và thế là cuộc đời riêng của những  con người ấy bị hủy hoại. Kinh khủng hơn chuyện sau lũy tre làng đời cha ông rất nhiều. Người ta hay kể cho nhau nghe những chuyện định kiến làng xã, những cô gái cạo đầu bôi vôi hay bỏ xứ mà đi vì miệng lưỡi người làng. Bây giờ, chẳng cần quen biết gì nhau để mà phán xét, sáng tác. Đã có vài cô gái trẻ tự tử vì những điều được bịa đặt ác ý trên “phây”.

Tụ tập đưa chuyện nói xấu nhau, đấy coi như là cái di sản văn hóa chưa đẹp mà ta thừa hưởng từ làng chưa dứt ra được. Nhưng thời đại này, ai cũng có thể trở thành một người đưa tin “thần thánh” không cần não của thế kỷ XIX ấy. Họ bật máy tính lên, giống với với việc ra cái ao đầu làng, ngồi xổm xuống, bắt đầu chẩu mỏ lên và bịa đủ thứ chuyện trên đời.

Có thêm tí likes, có thêm khách đặt hàng “kem trộn trắng da”, phần thưởng quả nhiên không tồi. Còn đám nạn nhân của mạng xã hội à, không chết được đâu, cùng lắm nhục mấy hôm. Hay như có một “mẹ” tung tin vụ người ta đánh thừa sống thiếu chết hai phụ nữ bán tăm mà vu là bắt cóc ấy, chị bảo “À thà đánh nhầm còn hơn bỏ sót”.

Có thể chúng ta, trong giây phút nào đó bỗng thấy xót xa cho văn hóa đám đông mạng ngày càng hung dữ và tạo ra bao hệ lụy đến tận cả làng quê, nơi xa lắm với Facebook.

Cứ đà thế này, ai cũng là một nạn nhân dự bị của Facebook.

Minh Trí
.
.
.