60 năm Việt Nam gia nhập Công ước Geneva

Thứ Năm, 07/12/2017, 08:28
Việc Việt Nam phê chuẩn các Công ước Geneva năm 1949 là minh chứng cho chính sách Việt Nam đề cao việc tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và thúc đẩy thực thi luật nhân đạo quốc tế nói riêng cũng như luật pháp quốc tế nói chung.

Cách đây 60 năm (1957-2017), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Công hàm tuyên bố Việt Nam gia nhập các Công ước Geneva năm 1949 về luật nhân đạo quốc  tế, bao gồm: Công ước Geneva về cải thiện tình trạng của thương binh, bệnh binh thuộc lực lượng vũ trang chiến đấu trên bộ; Công ước Geneva về việc cải thiện tình trạng của những thương binh, bệnh binh và những người bị đắm tàu thuộc lực lượng hải quân; Công ước Geneva về việc bảo hộ thường dân trong chiến tranh và Công ước Geneva về bảo vệ tù binh trong chiến tranh. 

Đến nay, các Công ước này đã được 194 quốc gia thành viên và thuộc số ít các điều ước quốc tế được sự tham gia của đông đảo các quốc gia và được áp dụng trên phạm vi toàn cầu. 

Riêng đối với Việt Nam, việc phê chuẩn các Công ước Geneva là dấu mốc lịch sử quan trọng, là minh chứng cho chính sách của Việt Nam đề cao việc tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và thúc đẩy thực thi luật nhân đạo quốc tế nói riêng cũng như luật pháp quốc tế nói chung. Đồng thời, việc Việt Nam phê chuẩn các Công ước này cũng có ý nghĩa quan trọng, đề cao truyền thống yêu chuộng hòa bình, nhân đạo và khoan dung của nhân dân Việt Nam.

Nhắc về hành trình 60 năm qua của Việt Nam tại hội thảo "Kỷ niệm 60 năm  Việt Nam phê chuẩn các Công ước Geneva năm 1949" do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức với sự hỗ trợ của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) sáng 5-12, TS Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: "Là đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến, Việt Nam hiểu rõ hệ quả tàn khốc của chiến tranh, và nhận định rằng chiến tranh không chỉ gây thương đau cho con người và đất nước trong thời gian xảy ra cuộc chiến mà còn để lại những hệ quả đau thương, những mất mát không thể bù đắp cho các thế hệ sau này. 

Mô hình bệnh viện dã chiến mà Việt Nam triển khai khi tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. 

Việt Nam là một dân tộc văn hiến với truyền thống yêu chuộng hòa bình, nhân đạo và khoan dung. Hoạt động nhân đạo đã được Đảng và Nhà nước quan tâm bằng các chủ trương chiến lược đúng đắn, kịp thời, chính sách cụ thể. 

Trong thời gian chiến tranh, với tư cách là thành viên của 4 Công ước Geneva năm 1949, Việt Nam đã tiến hành việc trao đổi thông tin, viện trợ thuốc men, vệ sinh nước sạch cho người bị thương, trao trả tù binh, v.v… Trong giai đoạn hòa bình hiện nay, các hoạt động nhân đạo tại Việt Nam đã thu được một số kết quả quan trọng, nhất là trong các lĩnh vực phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, và đề cao việc đối xử nhân đạo với các ngư dân trên biển… 

Bên cạnh đó, việc tăng cường phổ biến, tuyên truyền luật nhân đạo quốc tế trong trường học và cho các đối tượng liên quan cũng là một trong những hoạt động được chú trọng đẩy mạnh. Việt Nam luôn hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế trong các hoạt động này".

Đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực và vai trò lãnh đạo của Việt Nam trên trường quốc tế trong việc nỗ lực củng cố, phát triển hơn nữa Luật Nhân đạo quốc tế, Trưởng phái đoàn đại diện của ICRC tại Bangkok, ông Beat Schweizer nhấn mạnh: "Trong quá trình công tác tại Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, tôi đã đến Iraq, Afghanistan hay Bosnia, tận mắt chứng kiến Luật Nhân đạo quốc tế vẫn giữ được tính hợp lý trong các cuộc xung đột vũ trang ngày nay. Cuộc sống và sinh kế của dân thường, thương binh, bệnh binh và tù binh mỗi ngày đều phụ thuộc vào việc chúng ta thực thi Luật Nhân đạo quốc tế. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đã thiết lập và duy trì quan hệ hợp tác với các tổ chức dân sự và quân sự của Việt Nam nhằm thực thi Công ước Geneva cũng như những nội dung khác của Luật Nhân đạo quốc tế. 

Chúng tôi đã hỗ trợ công tác đào tạo của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là lực lượng hải quân và lực lượng gìn giữ hoà bình. Sĩ quan cao cấp thuộc lực lượng vũ trang trên bộ và hải quân Việt Nam đã thường xuyên, tích cực tham gia các khóa tập huấn trong khu vực và toàn cầu dành cho quân đội do Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tổ chức".

Đặc biệt, ngoài 4 Công ước nói trên, từ năm 1977, sau khi trở thành thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ), Việt Nam đã từng bước tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về quyền con người. Ngày 9-6-1981, Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc. 

Ngày 27-11-1981, Việt Nam ký Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; tháng 2-1982 chính thức phê chuẩn Công ước này. Ngày 24-9-1982, Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội và Công ước quốc tề về các quyền dân sự chính trị. 

Tháng 1-1990, Việt Nam ký Công ước về quyền trẻ em và phê chuẩn ngày 20-2-1990. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ 2 trên thế giới trở thành thành viên của Công ước này. Việt Nam cũng đã phê chuẩn 2 Nghị định thư bổ sung của Công ước quyền trẻ em là Nghị định thư không bắt buộc về trẻ em trong xung đột vũ trang và Nghị định thư không bắt buộc về chống sử dụng trẻ em trong mại dâm, tranh ảnh khiêu dâm. 

Năm 2013 và 2014, Việt Nam phê chuẩn Công ước về chống tra tấn và Công ước về quyền của người khuyết tật... Ngoài các điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người trên, Việt Nam đã tham gia các công ước quốc  tế khác có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền con người và luật nhân đạo quốc tế như Nghị định thư bổ sung Công ước Geneve về bảo hộ nạn nhân trong các cuộc xung đột quốc tế (tham gia ngày 28-8-1981), Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng và Công ước về ngăn chặn và trừng trị tội ác Apartheid (tham gia ngày 9-6-1981).

Rồi sau khi trở thành thành viên Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 1994, Việt Nam đã gia nhập nhiều công ước của tổ chức này như Công ước số 5 về tuổi tối thiểu của trẻ em được tham gia lao động công nghiệp, Công ước số 6 về làm việc ban đêm của trẻ em trong công nghiệp, Công ước số 14 về quy định nghỉ hằng tuần cho lao động công nghiệp…

Việt Nam cũng tích cực tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ, hợp tác nhân quyền trong khuôn khổ Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp. Bên cạnh đó, với tư cách là thành viên ASEAN, Việt Nam còn tích cực tham gia vào các khuôn khổ hợp tác khu vực về nhân quyền, trong đó có Ủy ban Liên Chính phủ về nhân quyền ASEAN. 

Việt Nam cũng thường xuyên tham gia đối thoại nhân quyền với các nước như: Mỹ, Australia, Thụy Sỹ và EU. Ngoài ra, Việt Nam cũng chủ động xây dựng báo cáo kiểm điểm định kỳ UPR về việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam. 

Nỗ lực của Việt Nam không chỉ thể hiện qua số lượng các công ước quốc tế về quyền con người Việt Nam tham gia, mà còn ở tinh thần nghiêm túc trong thực thi trách nhiệm, nghĩa vụ của một quốc gia thành viên công ước. 

Đó là nỗ lực nội luật hóa quy định của các công ước về quyền con người (với hàng chục ngàn văn bản luật và dưới luật phải điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới...); việc triển khai tuyên truyền, phổ biến các công ước quốc tế về quyền con người trên phạm vi toàn quốc, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời đưa vào chương trình giáo dục; việc nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ bắt buộc liên quan đến xây dựng và đệ trình báo cáo quốc gia. Việt Nam đã soạn thảo và đệ trình 16 báo cáo quốc gia lên các Ủy ban công ước về nhân quyền, được đánh giá cao về chất lượng.

Rõ ràng, thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế về quyền con người, Việt Nam đang ngày càng thể hiện vai trò và đóng góp tích cực vào việc xây dựng giá trị về quyền con người nói chung trên phạm vi khu vực và quốc tế. Điều này phù hợp với định hướng đối ngoại của Việt Nam khi bước sang một giai đoạn phát triển mới, không chỉ tham gia tích cực, mà còn là một thành viên có trách nhiệm và chủ động tham gia vào quá trình định hình, xây dựng các quy định, chuẩn mực chung.

H.Chi-D.Tiến
.
.
.