“Ứng xử” thế nào với làn dừng đỗ khẩn cấp khi chạy xe trên cao tốc?

Thứ Bảy, 23/02/2019, 08:58
Nếu bạn tra cụm từ khóa “dừng xe trên cao tốc” trên bộ máy tìm kiếm trực tuyến khổng lồ Google, chỉ trong vòng 0,33 giây đã cho ra tới 171.000 kết quả. Kết quả này là minh chứng nguy hiểm về những vụ việc liên quan đến dừng đỗ trên các tuyến đường cao tốc như: dừng cả đoàn xe rước dâu để chụp ảnh cưới, dừng xe để cả nhà ăn nhậu, quay đầu xe hay đi lùi trên cao tốc,…

Khi chạy xe trên đường cao tốc, làn dừng khẩn cấp chính là “lá bùa hộ mệnh” cho cánh tài xế nếu như không may xe bị hỏng. Thế nhưng, nếu như bạn thiếu hiểu biết về làn dừng khẩn cấp hoặc cố tình vi phạm những quy định về an toàn giao thông thì bạn sẽ có thể gặp những rắc rối không hề nhỏ.

Hình ảnh cả gia đình dừng xe trên cao tốc để ăn nhậu gây bức xúc dư luận.

Làn đường khẩn cấp trên cao tốc được hiểu thế nào?

Làn dừng khẩn cấp là làn đường nằm sát lề đường bên tay phải trên đường cao tốc (theo luật Việt Nam). Theo Quy chuẩn 41/2016 về báo hiệu đường bộ, làn này được cách biệt với các làn xe chạy bằng vạch liền màu trắng.&

Đây là làn đường dành cho tài xế dừng, đỗ xe khẩn cấp khi gặp sự cố hoặc những xe ưu tiên như xe quân sự, xe Công an, cấp cứu, cứu hỏa,… di chuyển trong trường hợp khẩn cấp.

Trong trường hợp có làn đường dừng khẩn cấp thì chiều rộng tiêu chuẩn là 3,3 mét, đủ rộng cho một chiếc xe tải lớn mà không phải lấn qua làn đường chính. Đáng chú ý, nó phân biệt với các làn đường chính bằng một vạch sơn liền màu trắng phản quang, nhờ vậy sẽ tạo ra các tiếng rít khi bánh xe đè qua, giúp cảnh báo người lái rằng họ đã đi lệch ra làn đường này.

Thường không có biển báo riêng dành cho làn khẩn cấp, nếu có thì chỉ là biển báo phân loại mặt đường là làn khẩn cấp cứng (hard shoulder) hoặc làn khẩn cấp mềm (soft shoulder). Làn khẩn cấp cứng được trải nhựa hoặc bê tông giống mặt đường chính. Làn khẩn cấp mềm thường là phần lề đường bằng đất, sỏi…

Làn dừng đỗ khẩn cấp chỉ dùng khi gặp sự cố hoặc dành cho các loại xe ưu tiên hoạt động.

Làn dừng khẩn cấp được sử dụng như thế nào?

Như đã đề cập ở trên, đây là làn đường dành cho tài xế dừng, đỗ xe khẩn cấp khi xe bị hỏng hoặc là làn đường dành riêng cho các xe quân sự, xe Công an, cấp cứu, cứu hỏa di chuyển trong trường hợp khẩn cấp. Vì vậy, những trường hợp khác thì không thể sử dụng làn đường này để di chuyển.

Có thể xét tới 1 số trường hợp khẩn cấp như xe bị hư hỏng, thủng lốp xe. Nếu đang lái xe rơ moóc và phần rơ moóc đó gặp phải trục trặc hoặc tài xế gặp vấn đề về sức khỏe không thể tiếp tục lái xe thì có thể được quyền sử dụng mà không gặp phải bất cứ vấn đề gì liên quan đến pháp luật.

Tài xế cần lưu ý, ngay cả trong trường hợp có tắc đường, cũng không được lách qua để di chuyển trên làn đường này. Hành động này có thể tồn tại những rủi ro khôn lường hoặc cản trở xe của các cơ quan chức năng khi làm nhiệm vụ khẩn cấp. Muốn vượt thì bạn phải sử dụng làn sát với tim đường, hay sát dải phân cách chính giữa.

Kỹ năng dừng xe vào làn dừng khẩn cấp

Sau khi hiểu được cấu tạo và công dụng của làn đường này thì tài xế cũng nên bỏ túi những kỹ năng đưa xe vào làn đường đặc biệt quan trọng này để tránh gây nguy hiểm cho bản thân cũng như khiến bạn vi phạm pháp luật.

Đầu tiên, khi gặp tình huống khẩn cấp và muốn dừng lại, tài xế nên nhanh chóng bật đèn cảnh báo nguy hiểm và bắt đầu đánh lái về phía bên phải. Điều này là vô cùng cần thiết để báo hiệu cho các xe ở phía sau đang di chuyển với tốc độ cao, đặc biệt là vào ban đêm khi tầm nhìn bị hạn chế.

Sau khi đã đưa xe vào làn và dừng hẳn thì không nên quên là kéo phanh tay để tránh trường hợp xe lăn bánh tự do. Quan trọng hơn, tài xế nên đưa mũi xe chếch về bên phải phòng trường hợp có một chiếc xe khác đâm vào sau thì chiếc xe sẽ lao về phía bên ngoài của đường cao tốc thay vì lao vào làn đường chính, gây nguy hiểm.

Việc cần làm sau đó là liên hệ với dịch vụ cứu hộ để họ nhanh chóng tới giải quyết sự cố, đề phòng trường hợp không may xảy ra khi đậu xe trên đường cao tốc.

V.Cường (tổng hợp)
.
.
.