Sự cảnh giác của người dân góp phần phòng ngừa, trấn áp tội phạm
Các biện pháp công tác được tiến hành đồng loạt trên các tuyến đường, nhất là vào ban đêm để kịp thời phòng ngừa, răn đe, bắt giữ đối tượng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội;…
Theo lãnh đạo Công an thành phố, đợt cao điểm này mang tính chất đấu tranh trực diện, tập trung tấn áp các loại tội phạm xâm phạm sức khỏe, tài sản trên các tuyến đường, khu vực công cộng, khu dân cư. Còn đối với các loại tội phạm ẩn mình như tội phạm công nghệ cao thì rất cần sự cảnh giác, tố giác từ phía người dân để công tác trấn áp đạt hiệu quả cao nhất.
Mặc dù công tác tuyên truyền của cơ quan Công an gần như rộng khắp các địa bàn nhưng nhiều nạn nhân của tội phạm công nghệ cao vẫn liên tục “sập bẫy”. Còn các đối tượng phạm tội không chỉ giả danh người có thẩm quyền đe dọa nạn dân để đoạt tiền mà còn sử dụng công nghệ cao để đánh cắp thông tin, mật khẩu chiếm đoạt tài sản.
Cách đây không lâu, Trung tâm Giám sát An ninh (TT GSAN) Công ty CP Dịch vụ bảo vệ Ngân hàng Á Châu tiếp nhận thông tin từ Công ty CP thanh toán Quốc gia về các khiếu nại của nhiều chủ thẻ ngân hàng bị mất tiền dù không thực hiện bất kỳ cuộc giao dịch nào. Qua triển khai các phương án giám sát camera an ninh và tuần tra tại các điểm ATM, bảo vệ ngân hàng phát hiện và bắt quả tang 1 đối tượng có hành vi chiếm đoạt tiền bằng thiết bị điện tử tại trụ ATM nằm trên đường Ba Tháng Hai, quận 10.
Trước đó không lâu, nhân viên bảo vệ Ngân hàng Sacombank - Chi nhánh Bình Trưng Tây (quận 2) phát hiện một người đàn ông ngoại quốc đến trụ ATM đặt trước trụ sở ngân hàng gắn một thiết bị công nghệ lạ. Đến 18h40 cùng ngày, tổ bảo vệ ngân hàng đã bắt quả tang đối tượng quay lại thu hồi thiết bị và bàn giao cho cơ quan Công an xử lý.
Một vụ việc khác là vào ngày lúc 16h ngày 10-9-2019, ông N.L.Đ (ngụ quận 2, TP HCM) đến Ngân hàng Vietinbank-Phòng giao dịch Nguyễn Duy Trinh yêu cầu mở một tài khoản thanh toán có đăng ký dịch vụ Internet Banking và chuyển toàn bộ số tiền 740 triệu đồng trong sổ tiết kiệm vào đó.
Thấy khách hàng có biểu hiện lo lắng, thường xuyên ra ngoài nghe điện thoại, nhân viên ngân hàng hỏi thì ông Đ mới nói thật là chuyển tiền cho Bộ Công an để điều tra xem ông có liên quan đến tội phạm rửa tiền xuyên quốc gia hay không. Biết ông Đ gặp bọn bất lương, nhân viên ngân hàng khuyên ông Đ đến trình báo cơ quan Công an, nhờ vậy ông Đ không bị chiếm đoạt số tiền dành dụm nhiều năm trời.
Mới đây, ngày 10-12, bà N.T.C.T (ngụ phường Linh Đông, quận Thủ) đến Công an phường Linh Đông, trình báo, khoảng 9h ngày 5-12, chị nhận được điện thoại từ số thuê bao 0989250…xưng tên là Nguyễn Thành Nam, cán bộ điều tra của Công an TP Hà Nội. Đối tượng nói chị T tham gia đường dây rửa tiền và đang có lệnh truy nã.
Để chứng minh chị T không tham gia rửa tiền thì phải gửi 100 triệu đồng vào tài khoản mang tên Huỳnh Tấn Vũ. Sợ quá, chị T đến ngân hàng chuyển tiền theo hướng dẫn của đối tượng Nam. Sau khi chuyển tiền xong, chị T bình tĩnh suy nghĩ lại thấy chuyện quá vô lý nên nghĩ mình đã bị lừa và trình báo đến cơ quan Công an.
Tang vật trong một vụ án tội phạm công nghệ cao. |
Theo khuyến cáo của Công an TP HCM, các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao gồm: Lừa khách hàng tự chuyển tiền bằng cách giả danh cán bộ Công an, VKS, Tòa án, nhân viên ngân hàng, công ty tài chính…; gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để nhận bưu phẩm quà tặng, giấy triệu tập thông báo liên quan đến một vụ án bất kỳ và yêu cầu bị hại chuyển tiền để phục vụ điều tra; thông báo thông tin giả về trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn, yêu cầu cung cấp số OTP khách hàng; giả mạo người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền hộ, mua thẻ điện thoại…
Để tăng phần hiệu quả, đối tượng phạm tội sử dụng phần mềm công nghệ cao Voice over IP thực hiện các cuộc gọi có số điện thoại giống với số điện thoại của cơ quan mà chúng tự xưng đang công tác để đe dọa chiếm đoạt tiền.
Thủ đoạn thứ 2 là giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã Pin hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ. Gửi email hoặc tin nhắn có chứa link truy cập vào website (giả mạo) của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản Internet Banking hoặc thông tin thẻ để nhận tiền. Lừa khách hàng cài đặt các phần mềm hoặc ứng dụng gián điệp để đánh cắp thông tin từ tin nhắn hoặc khi khách hàng đăng nhập website của ngân hàng. Sử dụng phương tiện điện tử, đánh cắp thông tin và mật khẩu chủ thẻ ngân hàng....
Để phòng ngừa các loại tội phạm này, Công an TP HCM đã có văn bản đề nghị, khuyến cáo các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng tăng cường giám sát máy ATM qua camera, kiểm tra trực tiếp, nhất là đối với các máy ATM đặt ở nơi vắng vẻ để kịp thời phát hiện các thiết bị lạ gắn ở buồng máy của bọn tội phạm. Còn đối với người dân thì cần giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng.
Tuyệt đối không tiết lộ mã Pin thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email với bất kỳ ai. Thận trọng khi giao dịch thẻ tại trạm ATM, POS phải quan sát khe thẻ trên máy ATM đảm bảo không có thiết bị lạ và che bàn phím khi nhập số PIN. Tuyệt đối không chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản người khác khi không xác định được cụ thể họ là ai và sử dụng tiền vào mục đích gì… Khi phát hiện những đối tượng nghi vấn phạm tội cần báo ngay đến cơ quan Công an nơi gần nhất.
Trong năm 2019, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh được đảm bảo, phạm pháp hình sự tiếp tục được kiềm chế, kéo giảm 8,25% so với cùng kỳ, tỉ lệ điều tra khám phá án đạt 76,98%. Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo Công an thành phố, diễn biến, tình hình ANTT vẫn còn phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố, nguy cơ, thách thức. Dự báo, trong thời gian cuối năm 2019, hoạt động của tội phạm sẽ gia tăng, nhất là tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản, tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe phát sinh từ những mâu thuẫn bộc phát.