Hiệu quả từ mô hình dòng họ tự quản về ANTT
Chúng tôi về thôn Hải Thành, xã Phong Hải (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) tìm hiểu mô hình dòng họ tự quản về ANTT của dòng họ Trương ở địa phương ven biển này. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Trương Đình Văn, Trưởng họ cho biết, trước tình hình địa bàn xã xuất hiện một số tệ nạn xã hội, không ít thanh, thiếu niên tụ tập ăn chơi, lười lao động, học hành… nên vào tháng 10-2015, sau khi được sự vận động của lực lượng Công an, dòng họ Trương đã phối hợp với Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế và Công an huyện Phong Điền thành lập mô hình dòng họ tự quản về ANTT.
Công an huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế thường xuyên trao đổi về ANTT với các dòng họ ở cơ sở. |
“Suốt 3 năm qua, gần 50 hộ dân thuộc 4 phái trong dòng họ đã phối hợp với lực lượng Công an tuyên truyền, vận động những thành viên trong và ngoài họ thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vận động bà con tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm.
Đặc biệt, công tác cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, giáo dục thanh, thiếu niên hư hỏng được dòng họ chú trọng. Nhờ thế mà nhiều con em của dòng họ đã biết và nhận ra lẽ đúng sai; chăm lo học tập tốt, thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học; nhiều vụ tranh chấp đất đai, khiếu kiện cũng được giải quyết tốt ngay từ cơ sở”, ông Văn thông tin.
Tương tự, được thành lập từ tháng 6-2017, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, mô hình “dòng họ Hồ tự quản về ANTT” ở thôn Ka Cú 1, xã Hồng Vân, huyện miền núi A Lưới hoạt động mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đại tá Nguyễn Minh Phương, Trưởng Công an huyện A Lưới, cho hay, đây là mô hình dòng họ tự quản đầu tiên được hình thành trên địa bàn huyện.
Dòng họ Hồ ở thôn Ka Cú 1 có 56 hộ dân và các hộ dân đã đoàn kết, thống nhất đề ra quy chế hoạt động mô hình với 4 chương, 13 điều nhằm chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thành viên trong dòng họ sống và làm việc đúng quy định pháp luật, nỗ lực xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư…
“Các thành viên trong dòng họ Hồ đã thực hiện tốt phong trào giữ gìn ANTT trong dòng họ nói riêng và cộng đồng làng xã nói chung, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương”, Đại tá Phương nói.
Tại huyện Phú Vang, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, lực lượng Công an huyện phối hợp với Công an các xã cùng nhiều dòng họ thành lập mô hình dòng họ tự quản về ANTT. Điển hình như mô hình “dòng họ 3 trọng” của họ Nguyễn Văn ở xã Vinh Hà. Dòng họ này hiện có khoảng 5.000 con cháu làm ăn, sinh sống khắp mọi miền Tổ quốc nên đã xây dựng bộ quy ước có 7 tiêu chí thể hiện rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi gia đình trong việc thực hiện tự quản về ANTT.
Ngoài ra, có nhiều dòng họ tự nguyện thành lập mô hình tự quản về ANTT tại địa phương và hoạt động hiệu quả như dòng họ Võ Đại (làng An Nông, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc); dòng họ Trần (thôn Phước Lý, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền); dòng họ Phan Phước (thị xã Hương Trà)…
Thượng tá Ngô Đức Sỹ, Phó trưởng Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Công an các cấp, chính quyền địa phương xây dựng, nhân rộng được 30 mô hình quần chúng tự quản về ANTT, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đặc thù của từng địa phương.
Thời gian tới, mô hình “dòng họ Võ Bá tự quản về ANTT” ở phường Thủy Biều, TP Huế và “dòng họ Nguyễn Công tự quản” ở xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy... cùng nhiều mô hình khác sẽ được ra mắt, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng bảo vệ ANTQ, kìm giảm tội phạm và đảm bảo TTATXH ở cơ sở...