Già làng uy tín người Cor làm kinh tế giỏi

Thứ Hai, 22/05/2017, 15:04
Ông Hồ Trường Sinh (62 tuổi, trú thôn 3, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) là một già làng có uy tín trong cộng đồng người Cor địa phương. Không những nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, ông Sinh còn tích cực truyền đạt kinh nghiệm làm ăn cho người dân địa phương, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo…

Sau vài lần hẹn, chúng tôi mới gặp được ông Sinh vì như lời giải thích của ông thì “mùa này là mùa rẫy nên bố đi làm thường xuyên. Công việc nhiều quá”. 

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông Sinh cho biết ông là người đồng bào Cor bản địa tại huyện Bắc Trà My. Trước đây, kinh tế gia đình ông rất khó khăn, song nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi do ngành nông nghiệp huyện tổ chức cùng với sự nỗ lực vượt khó của bản thân mà đến nay ông Sinh được xem là một “triệu phú nơi miền núi cao”. 

Cán bộ xã Trà Giang trò chuyện với ông Sinh về tình hình ANTT tại địa phương.

Nói về quá trình phát triển kinh tế của gia đình, ông Sinh kể năm 2005, gia đình ông mạnh dạn vay 50 triệu đồng để trồng 5ha keo lá tràm, đồng thời mua 2 con bò về nuôi. Đến năm 2011, ông bắt đầu khai thác keo và trồng gối đầu trở lại, ngoài ra còn mở rộng khai hoang thêm diện tích để trồng keo. Song song với việc trồng rừng, ông Sinh còn trồng xen canh các loại cây ngắn ngày như sắn, dứa để tận thu nguồn đất và đảm bảo sự đa dạng cây trồng cung ứng cho thị trường.

“Có chí ắt làm nên” cộng với tư duy kinh tế thị trường, từ năm 2011, từ nguồn vốn tích lũy được trong khai thác keo, bán bò, ông Sinh bắt đầu chuyển sang hướng kinh doanh dịch vụ và phát triển các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. 

Theo chân ông Sinh, chúng tôi đi thực tế trang trại và những đồi keo lá tràm bạt ngàn với diện tích gần 30ha của ông. Những quả đồi đầy đá sỏi, dưới bàn tay lao động miệt mài của ông cùng các thành viên trong gia đình đã biến đồi đá trở thành một màu xanh ngút ngàn của cây keo. 

“Nhờ chủ lực việc trồng keo, gia đình bố đã mua được 1 chiếc xe tải để chở keo, hợp đồng 1 tài xế lái xe với mức lương 6 triệu đồng/ tháng. Bên cạnh đó, nhận thấy nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân trong vùng, bố đầu tư mua 1 chiếc ôtô để phục vụ công việc và cho thuê xe du lịch. Đến nay bố còn làm trang trại nuôi heo rừng bản địa với số lượng 5 con heo đang bắt đầu sinh sản lứa đầu tiên, nuôi gà ta, 3 sào ao cá... Thu nhập bình quân của gia đình bố mỗi năm đạt hơn 400 triệu đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho gần 10 người dân địa phương”, ông Sinh tự hào chia sẻ.

Điều đáng quý là ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ông Sinh còn nhận nuôi một mẹ già neo đơn hơn 90 tuổi và 1 cháu gái mồ côi cả cha lẫn mẹ trong làng từ khi cháu chưa tròn 4 tuổi. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia các phong trào tại thôn, xã; hướng dẫn cách trồng, hỗ trợ giống cây keo cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số lượng hơn 5.000 cây giống mỗi năm. Bản thân ông Sinh còn tham gia hòa giải thành công hàng chục vụ mâu thuẫn trong cộng đồng thôn xóm, góp phần đảm bảo sự bình yên tại địa phương. 

Nhờ sự lao động miệt mài, ông Sinh đã khiến những đồi đá phải phủ đầy màu xanh của keo lá tràm.

Với những đóng góp của mình, ông Sinh đã được nhiều lần giới thiệu tham dự hội nghị về người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cấp tỉnh lẫn Trung ương. Ông Đoàn Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My cho biết, toàn xã hiện có 805 hộ dân, trong đó hơn 50% là hộ đồng bào thiểu số. 

Tỷ lệ hộ nghèo của xã là 35,4%. Vì vậy, ở xã miền núi Trà Giang này, ông Sinh được xem là một tấm gương sáng trong cộng đồng người Cor ở địa phương trong việc phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Ông Sinh thường xuyên tham gia với chính quyền địa phương vận động người dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động người dân tố giác tội phạm để góp phần bảo đảm an ninh trật tự.

Ngọc Thi
.
.