Ghi nhận từ mô hình xã an toàn, không ma túy

Thứ Tư, 02/05/2018, 09:13
Những năm qua, xã Thụy Hưng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã xây dựng được nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Trở lại Thụy Hưng những ngày cuối tháng tư lịch sử, chúng tôi cảm nhận rõ sự thay da đổi thịt của một xã thuần nông với trên 1.600 hộ dân. Nhiều nhà cao tầng khang trang được xây dựng, đường sá to đẹp hơn. Nhiều diện tích trồng lúa không hiệu quả đã được bà con nông dân chuyển đổi sang mô hình trang trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những năm 2003 trở về trước, Thuỵ Hưng là một xã khá phức tạp về tình hình trật tự xã hội, đặc biệt là ma tuý, gây bức xúc trong nhân dân. 

Nguyên nhân chính là do địa bàn xã rộng lại giáp ranh với nhiều xã phức tạp; lực lượng Công an xã lúc đó còn mỏng nên rất vất vả trong công tác điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật. 

Trước tình hình đó, để xây dựng một địa bàn xã trong sạch không có người vi phạm pháp luật, Công an xã đã xây dựng chương trình, kế hoạch tham mưu đề xuất với cấp uỷ, chính quyền đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". 

Trong đó, trọng tâm là xây dựng các mô hình tự quản, tự phòng về an ninh trật tự của nhân dân nhằm tổng hợp sức mạnh và vận động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh, chống tội phạm. 

Chọn địa bàn thôn Cao Dương Thượng làm điểm để xây dựng mô hình tự quản, Công an xã Thuỵ Hưng phối hợp chặt chẽ với các ban ngành và Mặt trận Tổ quốc xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai. 

Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động cho mọi người dân hiểu rõ về ý nghĩa và tác dụng của mô hình tự quản. Đến tháng 11-2005, Thuỵ Hưng ra mắt 11 tổ "Tự quản an ninh trật tự" và mô hình "Địa bàn không có ma tuý" thuộc thôn Cao Dương Thượng với 30 tổ viên. 

Sau một thời gian hoạt động, tổ tự quản đã phát huy tác dụng, nâng cao vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đại bộ phận nhân dân đã làm tốt công tác tự quản, tự phòng và tự bảo vệ tài sản cũng như tính mạng của mình, tích cực đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật.

Cán bộ Công an thường xuyên phối hợp với các trường học tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các em học sinh.

Mô hình "Địa bàn không có ma tuý" ở thôn Cao Dương Thượng đã được nhân rộng trên phạm vi toàn xã với quyết tâm xây dựng xã Thuỵ Hưng không có ma tuý. 

Công an xã phối hợp với các trường học trong xã ký cam kết với 100% học sinh, thanh thiếu niên và các hộ gia đình thực hiện; cùng với các ban ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội, dòng họ tích cực vào cuộc, làm cho mỗi gia đình đều nhận thức rõ tác hại của ma tuý, đề cao ý thức trách nhiệm trong việc quản lý và giáo dục con em mình. 

Đối với những thanh thiếu niên vi phạm nhiều lần, Công an xã đã bàn bạc và thống nhất với gia đình, đoàn thể ở cơ sở có biện pháp giáo dục, quản lý tại cộng đồng. 

Nhờ làm tốt công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, những năm qua quần chúng nhân dân xã Thuỵ Hưng đã cung cấp hàng trăm nguồn tin, giúp lực lượng Công an xã điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật.

 Tình hình an ninh trật tự ở xã được ổn định và giữ vững, 100% các vụ việc đều được giải quyết kịp thời. Điều hết sức phấn khởi là ngày càng có nhiều quần chúng mạnh dạn tố giác các hành vi phạm pháp luật của con em, người thân như gia đình ông N.V.S thôn Xá Thị, ông V.Đ.Đ thôn Thu Cúc, ông P.V.H thôn Cao Dương Thượng có con thường bỏ học đi chơi rồi trộm cắp vặt hoặc bỏ nhà đi lang thang, đã trực tiếp đến Công an xã xin phối hợp quản lý, giáo dục.

Từ khi mô hình bắt đầu được triển khai, Ban chỉ đạo đã xác định lấy dân làm gốc, thông qua các tổ chức, đoàn thể ở địa phương để tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy và tệ nạn xã hội. 

Công tác tuyên truyền được vận dụng linh hoạt thông qua các hình thức thi tìm hiểu, viết tin, bài, biểu dương người tốt, việc tốt trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy… 

Các tổ chức đoàn thể quần chúng ở xã như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân đã phát động nhiều phong trào gắn với công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng chống tệ nạn ma túy nói riêng; xây dựng các quy ước, cam kết thực hiện trong hội viên, đoàn viên và từng đoàn viên, hội viên tích cực tuyên truyền con em, gia đình, người thân, những người sinh sống trên địa bàn nói không với ma túy.

 Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên, người chưa thành niên được đặc biệt quan tâm. 

Tổ chức đoàn tổ chức nhiều hoạt động thu hút thanh, thiếu niên tham gia. Trên cơ sở đó, nắm bắt tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của giới trẻ để có những hoạt động đồng hành, giáo dục, rèn luyện phù hợp. 

Ban Công an xã phối hợp với nhà trường thường xuyên gặp gỡ, tổ chức những buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật, giáo dục lối sống lành mạnh, trang bị cho các em những kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng sống, kỹ năng xã hội để nhận biết và tránh xa môi trường dễ phát sinh tệ nạn xã hội, ma túy. 

Các nhà trường tăng cường áp dụng nhiều biện pháp để quán lý, giáo dục học sinh có hiệu quả thông qua nhiều cách làm mô hình sáng tạo như: “Trường lớp tự quản”, “Nhóm bạn cùng tiến”, “Nhóm sao đỏ”, “Đội tuyên truyền măng non”…

Để người dân có điều kiện tham gia công tác bảo vệ ANTT, Công an xã công khai số điện thoại, qui ước cụ thể việc cung cấp thông tin vụ việc xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, thường xuyên phối hợp lực lượng, thực hiện công tác tuần tra, nắm bắt tình hình tại những tụ điểm phức tạp. 

Xã hội hoá công tác bảo vệ an ninh trật tự ở điạ bàn xã Thuỵ Hưng được đẩy mạnh, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chuyển biến tích cực; các mô hình tự quản, tự phòng được củng cố duy trì hoạt động ngày càng có chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc đẩy lùi các loại tội phạm, đặc biệt là ma tuý ra khỏi địa phương.          

V.Linh-B.Vân
.
.