Đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở cai nghiện ma túy

Thứ Hai, 24/09/2018, 09:22
Thời gian gần đây, tại các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xảy ra các vụ học viên cai nghiện bỏ trốn tập thể, gây ảnh hưởng đến ANTT. Đây là vấn đề cần nghiên cứu làm rõ nguyên nhân và có giải pháp phòng ngừa hiệu quả…

Theo báo cáo của ngành chức năng, tổng số người điều trị cai nghiện tại các cơ sở trên cả nước là hơn 34.000 người (tăng 6%, so với cuối năm 2017); trong đó, cai nghiện bắt buộc theo quyết định tòa án hơn 23.000 người, cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở công lập khoảng 6.000 người và còn lại là tại các cơ sở tư nhân.

Số người nghiện ma túy ngoài cộng động đồng gia tăng, nên số người đưa vào cơ sở cai nghiện tăng theo, dẫn đến sự quá tải gây khó khăn trong việc quản lý cũng như cơ sở vật chất sinh hoạt cho các học viên.

Tháng 8-2017, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang đóng tại xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành chỉ có khoảng 230 học viên. Tuy nhiên, con số này tăng khá nhanh, 2 tháng sau thêm hơn 70 học viên và đến tháng 8-2018, tổng số học viên cai nghiện khoảng 650 người. Cơ sở chỉ có hơn 50 người, cả lãnh đạo, cán bộ và nhân viên quản lý.

Học viên cai nghiện bỏ trốn tại Tiền Giang được đưa quay lại cơ sở.

Bình thường mỗi nhân viên, cán bộ cơ sở quản lý khoảng 7 học viên nên số học viên tăng, gây không ít áp lực cho lãnh đạo, cán bộ và nhân viên khi phải làm hơn gấp đôi số lượng công việc. “Quá tải học viên là tình trạng chung của nhiều cơ sở cai nghiện hiện nay”, lãnh đạo Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang nói.

Sáng 11-8, khoảng 10 học viên tại cơ sở đánh một cán bộ quản lý bị thương. Sau đó, tình hình tại cơ sở diễn biến phức tạp. Đến hơn 10h cùng ngày, hơn 240 học viên, người thì phá cổng rào, người leo rào bỏ trốn tập thể. Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đã xuống hiện trường động viên các học viên, nhanh chóng ổn định tình hình.

Sau một ngày tích cực vận động, phần lớn học viên quay lại cơ sở chỉ một số ít còn bỏ trốn bên ngoài. Lực lượng chức năng tiếp tục vận động gia đình, tìm đưa học viên quay lại điều trị và sửa chữa, gia cố cổng rào, ổ khóa, cửa buồng bị đập phá.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang, nguyên nhân do hơn 90% học viên đang cai nghiện tại cơ sở nghiện ma tuý đá, ma tuý tổng hợp dễ bị ảo giác, mất kiểm soát hành vi. Việc này dẫn đến xảy ra mâu thuẫn giữa cán bộ với học viên và giữa học viên với nhau. Một số cán bộ quản lý còn hạn chế về trình độ nghiệp vụ, có lúc ứng xử chưa phù hợp, gây ngộ nhận làm học viên dễ bị kích động…

Hiện cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang cũng đang đề nghị tăng cường thêm gần 30 biên chế, phù hợp với khối lượng công việc do học viên tăng hơn gấp đôi so với thiết kế.

Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã yêu cầu lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH kiện toàn bộ máy, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cán bộ cơ sở. Về lâu dài, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang yêu cầu phải có phương án nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho học viên. Thường xuyên tổ chức tiếp xúc, sinh hoạt văn nghệ, thể thao, giúp học viên ổn định tâm lý, nỗ lực điều trị sớm hòa nhập cộng đồng.

Sự việc tại Tiền Giang vừa lắng dịu, tại Cơ sở cai nghiệp tỉnh Đồng Tháp đóng trên địa bàn huyện Cao Lãnh lại xảy ra tình trạng học viên “quậy phá”, đòi về nhà. Cụ thể chiều 5-9, nhiều học viên la lối, chửi bới cán bộ quản lý. Những học viên này kích động, đập phá cửa phòng điều trị, đập cửa bỏ ra khỏi khu vực điều trị. Cơ sở có hơn 240 học viên cai nghiện nên khi xảy ra sự việc, tình hình trở nên hỗn loạn. Nhiều học viên mới vào cai nghiện ở phòng 11 (khoảng 38 học viên) đồng loạt phá cửa, đến hàng rào bảo vệ đập phá ổ khóa. Trong lúc bỏ ra ngoài, các học nhặt được vậy dụng gì thì sử dụng chống lại lực lượng bảo vệ và bỏ trốn tập thể.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp, nguyên nhân bắt nguồn từ việc 3 học viên xách động, yêu cầu lãnh đạo cơ sở phải cho về. Theo quyết định của tòa án, học viên phải cai nghiện 12 tháng nhưng họ cho rằng chỉ cần cai nghiện 6 tháng là được về, không cần có chấp hành tốt hay không. Sau đó, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Công an, Tòa án tỉnh đã có buổi đối thoại, nắm bắt tâm tư và động viên các học viên chấp hành tốt quy định trong quá trình điều trị.

“Một bất cập chung hiện nay, việc xảy ra tình trạng quậy quá tại các cơ sở thường rơi vào học viên cai nghiện tự nguyện. Số học viên này ở nhà gia đình không quản lý được, ép đưa vào cơ sở. Học viên đòi về, cơ sở không thể giữ lại buộc phải thanh lý hợp đồng”, lãnh đạo một cơ sở cai nghiện nói.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Công an huyện Cao Lãnh cho biết đơn vị có ký kết quy chế phối hợp, đảm bảo tình hình an ninh an toàn, chủ động các phương án phối hợp với cơ sở cai nghiện đóng trên địa bàn. Khi xảy ra sự việc lực lượng Công an huyện phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Đồng Tháp đến hiện trường giữ gìn, ổn định trật tự. “Số học viên bỏ trốn ra ngoài, Công an huyện phối hợp với ngành chức năng vận động, đưa học viên này trở lại, nhanh chóng ổn định tình hình”, Thượng tá Nguyễn Thanh Hải nói.

Như Anh
.
.