Những mô hình phòng, chống tội phạm hiệu quả

Thứ Bảy, 18/08/2018, 08:00
Những năm qua, Công an tỉnh Bình Dương đã nêu cao vai trò nòng cốt, đề ra nhiều cách làm hay, thực hiện hiệu quả các mô hình phòng, chống tội phạm (PCTP), đặc biệt mô hình “Câu lạc bộ phòng chống tội phạm”.

Hằng năm, người dân cung cấp hàng ngàn tin báo tố giác tội phạm, hỗ trợ cơ quan Công an bắt giữ hàng trăm đối tượng gây án, góp phần tích cực đảm bảo ANTT, phát triển kinh tế, xã hội ở “vùng đất gốm”.

Phát huy sức mạnh các mô hình hay

Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp ranh với TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước. Với vị trí địa lý thuận lợi cùng chính sách thu hút đầu tư hợp lý, Bình Dương đã nhanh chóng trở thành địa phương phát triển năng động bậc nhất, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế. 

Toàn tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp (trong đó có 26 khu hoạt động) và 12 cụm công nghiệp với diện tích hơn 13.600ha và 1 khu liên hợp dịch vụ, đô thị, công nghiệp với diện tích 4.196ha. 

Điển hình, năm 2017, Bình Dương thu hút được hơn 2 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài và hơn 7.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước; tổng GDP bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng. 

Kinh tế phát triển góp phần giải quyết các vấn đề xã hội trên địa bàn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo việc làm cho người dân… Song, Bình Dương cũng là một trong những địa bàn trọng điểm phức tạp ANTT của cả nước.

Đại tá Võ Văn Phúc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết: Công an tỉnh Bình Dương đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền quan tâm, chỉ đạo xây dựng, duy trì, củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình người dân tham gia phòng chống tội phạm như: Câu lạc bộ phòng chống tội phạm; “Đội công nhân ANTT trong các doanh nghiệp”; “Câu lạc bộ chủ nhà trọ tự quản về ANTT”; “Câu lạc bộ Chi hội Thanh niên nhà trọ”; “Câu lạc bộ quản lý chồng, con em không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội”; “Câu lạc bộ xứ đạo bình yên”; mô hình “Thắp sáng niềm tin”, “Tiếng kẻng dân phòng”. 

Thời gian qua, xuất hiện thêm “Mô hình tự quản trong sinh viên, học sinh” tại Trường Đại học Thủ Dầu Một. Thông qua mạng xã hội Facebook của trường để phát hiện và kịp thời báo cáo cơ quan chức năng xử lý những vụ tuyên truyền trái phép. 

Thiếu tướng Đặng Hoàng Đa, Cục phó Cục XDPT Toàn dân bảo vệ ANTQ khen thưởng các cá nhân tích cực PCTP tại Bình Dương.

Đồng thời, Công an tỉnh Bình Dương đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả khác gồm: “Đội xe máy cứu thương” thuộc Hội chữ thập đỏ phường Dĩ An, thị xã Dĩ An (Bình Dương); mô hình xã hội hóa “Lắp đặt hệ thống camera” tại phường Bình Hòa, thị xã Thuận An (Bình Dương). 

Đây là 2 mô hình mới hoạt động nhưng đã đạt được kết quả cao trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Đặc biệt, duy trì và nhân rộng mô hình “Đội công nhân xung kích tự quản về ANTT trong các doanh nghiệp”. 

Đến nay, đã có 206 đội Đội công nhân xung kích tự quản về ANTT với 7.005 thành viên tại 136 doanh nghiệp; mô hình gắn camera tại các khu dân cư được hơn 300 máy. 

Qua phát động phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, quần chúng nhân dân đã cung cấp hơn 4.447 nguồn tin có giá trị giúp cơ quan Công an các cấp điều tra, khám phá 2.308 vụ, bắt 3.242 đối tượng. Tang vật thu giữ gồm, 80 súng, 118 viên đạn các loại, 481 các loại dao, mã tấu, 49 roi điện… 

Đại tá Võ Văn Phúc nêu kinh nghiệm: Để nâng cao hiệu quả phong trào trên, Công an tỉnh Bình Dương còn đẩy mạnh xây dựng kế hoạch vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm bảo đảm ANTT vào những ngày nghỉ lễ, Tết Nguyên đán. 

Một phần không thể thiếu trong công tác này là công tác khen thưởng, tặng quà động viên khích lệ tinh thần kịp thời đối với học sinh, “Hiệp sỹ”, chủ nhà trọ... tố giác, phát hiện và truy bắt tội phạm. 

Trong năm qua, đã tổ chức thăm, chúc Tết, tặng quà cho các Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm. Khen thưởng 191 tập thể, 1.055 cá nhân có thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTT. 

Tổ chức Hội nghị Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm; diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến của nhân dân; tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng Dân phòng, Bảo vệ dân phố, Tổ nhân dân tự quản và Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm...

Mô hình “hiệp sỹ” đầu tiên trong cả nước

Theo Công an tỉnh Bình Dương, hiện tỉnh có 91 câu lạc bộ (CLB) phòng chống tội phạm ở 91 phường, xã. Qua công tác tham mưu của Công an tỉnh Bình Dương, ngày 4-11-2013, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 34/QĐ-UB ban hành kèm theo Quy chế tổ chức, hoạt động của các CLB phòng chống tội phạm trên địa bàn. 

Theo đó, những trường hợp trong lúc truy bắt các đối tượng phạm pháp gặp tai nạn, thương tích nặng hoặc tử vong sẽ được hưởng chế độ, chính sách như người có công với cách mạng theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, tổ chức CLB phòng chống tội phạm gồm, Đội Tuyên truyền pháp luật và Đội Xung kích phòng chống tội phạm. Trong đó, Đội Xung kích phòng chống tội phạm chính là những người tình nguyện tham gia truy bắt các đối tượng phạm pháp hay còn gọi “Hiệp sỹ”. Sở Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cấp kinh phí cho các CLB hoạt động (khoảng trên 9,1 tỷ đồng/năm) như tiền xăng xe đi tuần tra, văn phòng phẩm... 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã trang bị 11 xe máy hiệu Yamaha Exciter 150cc cho một số CLB ở địa bàn trọng điểm. Ngoài ra, các thành viên CLB còn được trang bị gậy cao su, găng tay bắt dao... và được khen thưởng bằng tiền mặt sau những vụ bắt trộm, cướp, được hỗ trợ, thăm hỏi (ngoài kinh phí hoạt động thường xuyên) khi họ gặp nạn.

Đại tá Võ Văn Phúc, cho biết thêm: Hằng năm, Công an tỉnh Bình Dương cũng đã mở 2 đợt tập huấn về pháp luật, võ thuật cho các thành viên CLB phòng chống tội phạm. 

Sau khi UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định 34 kèm theo quy chế hoạt động của các CLB phòng chống tội phạm, nhiều địa phương trong cả nước đã đến học tập kinh nghiệm mô hình này. 

Trong năm qua, đội xung kích chống tội phạm đã phối hợp Công an các cấp tham gia tuần tra và hỗ trợ đấu tranh phòng chống tội phạm. Qua đó, phát hiện 323 vụ, bắt 576 đối tượng phạm tội các loại. Với thành tích trên, chính quyền các cấp đã khen thưởng 16 tập thể, 131 cá nhân.

Đại tá Võ Văn Phúc - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương trao Cờ Thi đua, Bằng khen cho các tập thể xuất sắc trong phong trào vì ANTQ.

“Điển hình, Câu lạc bộ PCTP Phú Hòa (TP Thủ Dầu Một) do “Hiệp sỹ” Nguyễn Thanh Hải được thành lập từ năm 1997. Đến nay, nhóm “Hiệp sỹ” này đã phát hiện, bắt giữ trên 2.000 vụ phạm pháp giao cho cơ quan Công an xử lý, trong đó có rất nhiều vụ cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản... 

Tại Bình Dương, những mô hình này đã có từ nhiều năm nay và được tổng kết, rút kinh nghiệm, xây dựng thành quy chế mang tính chất pháp lý để tổ chức thực hiện và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. 

Từ đó, phong trào quần chúng tham gia bảo vệ ANTQ phát triển mạnh mẽ, mà đặc biệt là các mô hình điển hình đã mang lại kết quả tốt”, Đại tá Võ Văn Phúc, nhấn mạnh.

Anh Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng Câu lạc bộ PCTP phường Phú Hòa, cho biết: Đội có 16 thành viên, cộng tác viên hoạt động truy bắt tội phạm trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tại Bình Dương, các nhóm “Hiệp sỹ” được sự quan tâm sâu sắc của UBND, Công an tỉnh nên hoạt động rất hiệu quả.

Đức Mừng
.
.