Phát huy giá trị văn hóa truyền thống qua Tết Trung thu: Xu hướng cần được khuyến khích

Thứ Bảy, 10/09/2022, 08:55

Gần như đã thành thông lệ, vài năm gần đây, nhiều điểm di tích, điểm tổ chức lễ hội Tết Trung thu đều tổ chức trang trí, thiết kế không gian rực rỡ và nhiều hoạt động mang đậm không khí Trung thu xưa, thu hút đông đảo người dân và du khách.

Những ngày này, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, Đình Kim Ngân – số 42, 44 phố Hàng Bạc, Ngôi nhà Di sản – số 87 phố Mã Mây, không gian bích họa phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm rộn ràng không khí Tết Trung thu. Giữa không gian muôn sắc màu, người dân và du khách, đặc biệt là những “du khách nhí” tò mò, thích thú sà vào từng quầy hàng, ríu rít học làm đồ chơi cùng các nghệ nhân.

Người yêu văn hóa Hà Nội xưa có những trải nghiệm thú vị khi hòa mình trong không gian của Ngôi nhà Di sản với mâm cỗ trung thu truyền thống chuẩn Hà Thành xưa cùng đèn trung thu cua, cá cổ truyền – sản phẩm do nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình khôi phục. Trung thu Phố cổ đầu thế kỷ XX được tái hiện qua hàng loạt ảnh tư liệu của Trung tâm Thông tin Khoa học Xã hội  – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống qua Tết Trung thu: Xu hướng cần được khuyến khích -0
Trẻ em thích thú khám phá đồ chơi truyền thống.

Tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, từ tiền sảnh Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, khách tham quan có nhiều cảm xúc, trải nghiệm thú vị với không gian thiết kế như các khu phố cổ Hà Thành xưa, với các gian hàng đủ loại đồ chơi truyền thống. Trong đó, nổi bật là chiếc đèn kéo quân khổng lồ và rất nhiều loại đèn trung thu truyền thống như đèn ông sao, đèn cù, đèn thỏ. Nhiều loại đèn Trung thu đầu thế kỷ XX được làm theo nghiên cứu của nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục hồi lại theo các nguồn tư liệu cũng được trưng bày tại đây. Các khu trải nghiệm làm bánh dẻo trung thu, làm đèn ông sao, đèn thỏ, đèn cù, tô, vẽ mặt nạ giấy bồi, làm diều giấy góp phần tạo ra sân chơi đặc sắc cho thiếu nhi dịp này.

Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, việc tổ chức vui Tết Trung thu mang đậm văn hóa truyền thống đã được duy trì thường niên nhiều năm nay. Đây cũng là một trong những sự kiện điểm nhấn hàng năm, thu hút đông đảo du khách đến di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Cùng với hoạt động vui chơi giải trí, vui Tết Trung thu mang lại cho thiếu nhi Thủ đô nhiều trải nghiệm mới, lý thú, giúp trẻ hiểu thêm về lịch sử văn hóa nói chung và Tết Trung thu nói riêng.

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cũng cho hay, vào dịp Tết Trung thu hàng năm, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với các nghệ nhân, thợ thủ công tới từ các làng nghề lân cận Hà Nội giới thiệu, hướng dẫn cách làm đồ chơi, tổ chức trò chơi truyền thống tại khu phố cổ.

Từ xưa, ông cha ta quan niệm trò chơi và đồ chơi không đơn thuần để giải trí mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ. Những món đồ chơi Trung thu truyền thống Việt Nam như ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, mặt nạ giấy bồi; đèn ông sao, tàu thủy sắt tây, con giống bột… là lời nhắn nhủ, gửi gắm mong muốn của cha ông với thế hệ trẻ về tinh thần hiếu học, khuyến khích sự học, sự sáng tạo.

Việc tổ chức các sự kiện này đã góp phần đẩy mạnh hoạt động giáo dục di sản trên địa bàn, hướng tới giáo dục thế hệ trẻ có ý thức bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, hình thành thế hệ công dân hiểu biết về văn hóa di sản và có sức sáng tạo trên nền tảng đó. Bên cạnh đó, các hoạt động còn giúp thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.

Thực tế, sự trở lại khá rầm rộ của đồ chơi truyền thống, trò chơi dân gian với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị nhằm khám phá văn hóa truyền thống dịp Tết Trung thu không chỉ tạo điều kiện để đội ngũ nghệ nhân phục hồi nhiều nghề truyền thống đã mai một. Nhiều đồ chơi dân gian khôi phục với sự nhập cuộc tích cực của những người làm nghệ thuật, được đào tạo bài bản.

Đơn cử với, phỗng đất Đông Khê ở Thuận Thành, Bắc Ninh, ngoài một số gia đình còn duy trì nghề, nhiều họa sĩ cũng đã tìm đến học làm món đồ chơi này, đồng thời tạo ra nhiều mẫu mới, tư vấn cho nghệ nhân mở rộng sản xuất, làm tượng đất thó và đồ ứng dụng như gạt tàn hình con giống… để ban quanh năm chứ không chỉ phục vụ mùa Têt Trung thu…

Trao đổi với chúng tôi quanh câu chuyện này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng việc người dân tìm về với các sản phẩm truyền thống, giá trị văn hóa truyền thống giúp chúng ta khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển đất nước và cho thấy quyết tâm phát triển văn hóa trong hành động thực tiễn. Kết quả trên thực tế không chỉ dừng ở câu chuyện đồ chơi Trung thu mà còn ở nhiều loại hình nghệ thuật khác. Từ âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh… đều khai thác hiệu quả hơn chất liệu văn hóa truyền thống. Sự đón nhận của công chúng tạo niềm tin vững chắc hơn khi tập trung khai thác giá trị truyền thống cho các sản phẩm nghệ thuật hay sản phẩm khác, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân.

Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, mỗi dân tộc có sở thích, thói quen, những giá trị được đề cao nhất định. Những riêng biệt và độc đáo ấy được lấy từ chính lịch sử, văn hóa của từng dân tộc. Nếu khai thác văn hóa truyền thống hợp lý, phù hợp với nhu cầu đương đại sẽ góp phần nuôi dưỡng tình yêu của người dân với giá trị văn hóa, phát huy giá trị văn hóa trong đời sống xã hội.

Tất nhiên, để xu hướng đó trở nên vững chắc hơn, tạo điều kiện cho chúng ta khai thác các giá trị văn hóa dân tộc trong các sản phẩm hiện đại thì còn nhiều việc phải làm như: Nâng cao ý thức của người dân trong yêu chuộng văn hóa truyền thống, giáo dục lịch sử, văn hóa, đạo đức cho thế hệ trẻ. Những người sáng tạo cần cố gắng hơn nữa nhằm tạo sự đa dạng, phong phú hơn cho sản phẩm và quan tâm nhiều hơn đến giá trị văn hóa truyền thống trong sản phẩm, tạo vị trí vững chắc hơn, không chỉ chinh phục người dân trong nước mà bạn bè quốc tế.

Hoa Nguyễn
.
.
.