Mùa hạ, Đèo Ngang và thơ Nguyễn Văn Thạc

Chủ Nhật, 30/04/2023, 12:00

Hy sinh khi chưa tròn 20 tuổi đời và chỉ hơn 10 tháng tuổi quân nhưng với 240 trang nhật ký “chuyện đời” mà Nguyễn Văn Thạc ghi lại trong những ngày tháng hành quân vào mặt trận thực sự truyền cảm hứng với tất cả sự khát vọng, say mê, sự khao khát, nhiệt huyết “mãi mãi tuổi hai mươi”.

Trong hơn 10 tháng quân ngũ, Nguyễn Văn Thạc hành quân và lưu lại tại đất Hà Tĩnh khoảng tháng rưỡi. Chừng đó thời gian cũng đủ để anh cảm nhận và dành tình cảm sâu sắc với thiên nhiên, con người nơi đây. Cảm nhận về đất núi Hồng, sông Lam bắt đầu với những trang viết giữa tháng tư năm 1971, khi đơn vị của anh di chuyển bằng tàu hoả qua TP Vinh rồi bằng xe ôtô tải vào Cẩm Xuyên: “Mình nhìn núi Quyết, núi Hồng Lĩnh và nhà máy điện Vinh, những tên đất nước đã đi vào lịch sử, thế mà mọi cái đều đơn sơ, đều giản dị như chính con người tuyệt diệu ở nơi đây”.

Tháng tư, hành quân tiếp giáp với vùng “đất lửa” vĩ tuyến 17, những trang nhật ký anh viết tại Hà Tĩnh đã sục sôi không khí cuộc chiến, đó là những đêm chạy tránh máy bay ném bom, chớp lửa rực trời, sự hối hả của thanh niên xung phong đào đường lấp hố bom, những cung đường gồ ghề “xóc nẩy tung người”…

Tr23 SĐB - Mùa hạ, Đèo Ngang và thơ Nguyễn Văn Thạc -0

Là chàng trai giỏi văn, từng đoạt giải Nhất văn toàn miền Bắc năm học 1969-1970 nên những trang viết của anh luôn giàu cảm xúc, đó là sự hoà trộn của khát khao, nhiệt huyết của người lính trẻ trên đường ra trận với tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt cùng những cảm xúc lãng mạn về “nỗi nhớ Như Anh” – người bạn gái quen qua những buổi luyện thi.

Sau này, chị Như Anh kể rằng, hai người quen nhau với 5 lần gặp gỡ, tổng thời gian khoảng 20 tiếng. Nhưng chừng đó thời gian cũng đủ để họ cảm mến và hình ảnh của người con gái Hà thành với mái tóc đen dài, ôm chiếc cặp xinh xắn đã trở thành mạch nguồn bất tận của Nguyễn Văn Thạc khiến mọi trang viết nhật ký dù lúc mộng mơ lãng mạn hay những lúc mệt mỏi, buồn tủi cũng đều mang bóng dáng Như Anh.

Thế nên, “hành quân ban đêm giữa cánh đồng tối đen như mực, đeo nặng, mệt nhưng khoan khoái biết chừng nào. Tháng tư, đom đóm bay ra sáng lung linh trong cỏ, trên những bụi cây ướt hơi sương. Bỗng nghĩ, đom đóm có tên riêng không nhỉ, con đang lượn dưới dòng suối cạn hẳn tên là Kiều Diễm vì nó trong sáng và hiền dịu lạ lùng, vì nó lấp lánh, lấp lánh đến kinh ngạc đấy bạn ơi. Mình hỏi Chung – có biết bài hát con đom đóm, bởi đang nhớ tới hôm nào đi bên Như Anh. Như Anh cũng hỏi mình như vậy”…

Và đây là cảm nhận về o Hồng - người con gái Hà Tĩnh khi anh và đồng đội sống trong gia đình của o ở Cẩm Xuyên những ngày tháng tư, trước khi hành quân vào chiến trường: “O ấy bảo, chúng em chỉ thích đi bộ đội nhưng khám sức khoẻ không đủ nên phải ở nhà, ở nhà và đi dân công hoả tuyến. Mình trố mắt ngạc nhiên vì người ngồi trước mặt mình kia, che miệng khi cười và chẳng bao giờ đi làm về dám bước thẳng vào nhà khi có bộ đội ở trong lại là người có mặt trong chiến dịch đường 9, Khe Sanh, Trị Thiên. Lại là người cõng thương binh, tiếp đạn, là người thu dọn chiến trường”.

Người phụ nữ gầy nhỏ, tỏ ra bẽn lẽn “chẳng bao giờ đi làm về dám bước thẳng vào nhà khi có bộ đội ở trong” lại có sức mạnh kỳ lạ khi gan góc đương đầu với thử thách đạn bom, cõng thương binh, tiếp đạn cho bộ đội. Hình ảnh của o Hồng trong cuốn nhật ký xuất hiện khá sinh động trong những dòng văn giàu biểu cảm của Nguyễn Văn Thạc mà anh mô tả như nguyên mẫu cô thanh niên xung phong trong thơ Phạm Tiến Duật:

Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn
Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để
Anh lặng người như trôi trong tiếng ru...

Có thể thấy, những ngày sống ở đất Hà Tĩnh, trong những mái nhà, bếp củi của người dân nơi đây như o Hồng, ông Y, trong tiếng máy bay gầm rú, trút lửa đạn, chàng trai Hà thành từ chỗ “cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá” đã ăn, ở trong dân, thấu hiểu đời sống, tình cảm người dân trong khói lửa cuộc chiến và đây cũng chính là thời gian anh viết, bày tỏ nhiều về “cái tôi trong cái ta”, về lý trí tuổi trẻ trước mệnh lệnh Tổ quốc.

Trong trang viết ghi ngày 15/4/1972, anh bày tỏ: “Những ngày mà mình nhớ rất nhiều đến các bạn cùng học với mình, cùng trường. Có người đi bộ đội đã hy sinh, có người còn ở tiền tuyến, có người ở nhà và có người đi học nước ngoài. Mỗi người một công việc quan trọng do đất nước phân công. Mình rất tin rằng, mỗi người bạn ấy sẽ có lúc nhớ lại những mái trường các bạn đã đi qua, sẽ nhớ những kỷ niệm chẳng bao giờ có thể phai nhoà và những ước muốn xôn xao khi cửa đời rộng mở. Có thể mượn ý Tố Hữu mà nói ở đây “Ta chính là hôm nay và các bạn chính là mãi mãi”. Nhưng làm sao có thể có tương lai đẹp đẽ khi không có những người hôm nay đang cầm súng, đang gian khổ đánh giặc”.

Chẳng những anh không hề so bì hơn thiệt với bạn bè khi “người ra tiền tuyến, người đi học nước ngoài” mà khẳng định, ở vị trí nào cũng phải cống hiến và phấn đấu hết mình. Với anh, đi bộ đội không chỉ là đánh giặc mà còn là “một phần thưởng”. Anh giải thích điều này: “Được sống những ngày oanh liệt và vẻ vang nhất của đất nước, khi mà dân tộc ta đang thắng lớn và bước nhanh đến ngày thắng lợi hoàn toàn”. Và dù với quãng thời gian chỉ mấy tuần hành quân, lưu lại mảnh đất này nhưng “phải nói, ở mỗi người sống trên đất Hà Tĩnh đều có một mối quan tâm đáng quý đối với đất nước. Họ lo lắng cho vùng bị bom đạn địch tàn phá. Họ lo lắng cho cả những vùng họ nghi rằng địch sắp đổ bộ. Đây là nơi đầu tiên mình thấy sự căm thù, khinh bỉ kẻ thù của dân tộc dữ dội nhất, mạnh mẽ nhất”!

nguyen van thac 2 copy.jpg -0
Nguyễn Văn Thạc (bên phải) và bạn trước ngày nhập ngũ, năm 1971. Ảnh: Tư liệu

Gia tài người lính khi hành quân đến Đèo Ngang, tháng 5 năm 1972 được anh mô tả: buộc phải vứt hết sách, vở, chăn màn, áo rét, chỉ giữ lại 2 bộ quần áo dài, quần áo lót, tăng, võng màn, mấy tấm ảnh, 3 quyển sổ. Gia tài người lính chỉ có vậy thôi! Nơi anh đóng quân trong một cánh rừng, chỉ cách biển chừng 100m, qua một cồn cát trắng và con mương nước ngọt. Cảnh đẹp, hoang dã nhưng “cái chết lúc nào cũng đi bên cạnh” bởi máy bay ném bom, tàu chiến và pháo kích.

Trong cái ngột ngạt và vô cùng nan nguy đó, lúc này đây, trên con đèo đã đi vào sử sách, thi ca, chính cảm xúc tình yêu là mạch nguồn, động lực của người lính trẻ: “Mặc dù cuộc sống, chiến đấu ngổn ngang, bề bộn và căng thẳng, mình vẫn không bao giờ quên được Như Anh… Nỗi nhớ bây giờ không còn là niềm rạo rực, bồn chồn như năm trước mà im lìm, thấm thía, mà là nỗi day dứt, trăn trở”. Và đây là bài thơ anh viết khi hành quân qua Đèo Ngang, qua đất Quảng Bình giữa mùa hè lộng gió, tím ngát hoa mua:

Tôi đã đi rất xa em rồi
Chẳng dễ về thăm em trong phố nhỏ
E ấp cánh hoa mua vào trong sổ
Tím lòng mình và tím cả lòng em

Đường tôi đi hành quân trong đêm
Hoa đã lẫn vào màu trời tím biếc
Có nhìn thấy hoa đâu mà tôi vẫn biết
Hoa mùa hè nhuộm tím cả trời mây…

“Tôi đã đi rất xa em rồi/ Chẳng dễ về thăm em trong phố nhỏ” – nỗi niềm đau đáu “đi rất xa em rồi” giữa núi đèo mây gió, giữa biển sóng và tím hoa mua không ngờ lại là những cảm xúc, những dòng thơ cuối cùng của cuộc đời người lính trẻ. Bài thơ viết đề ngày 23/5/1972 và chỉ mấy ngày sau, anh phải gác lại những trang nhật ký “chuyện đời” với những dòng trăn trở, tâm tư: “Kẻ thù không cho tôi ở lại, phải đi. Tôi sẽ gửi về cuốn nhật ký này, khi nào trở lại, tôi sẽ viết nốt những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn nhật ký thân yêu đầu tiên của đời lính”. Nhưng “Ừ, nếu như tôi không trở lại, ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này?”. Cuốn nhật ký khép lại ở ngày 3/6/1972 và sau đó gần 2 tháng, ngày 30/7/1972, anh ngã xuống tại chiến trường Quảng Trị.

Tháng tư năm 2005, cuốn nhật ký chính thức xuất bản. Cùng với nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, sự ra mắt hai cuốn nhật ký thời chiến trở thành hiện tượng đặc biệt của ngành Xuất bản lúc đó khi đón nhận sự quan tâm lớn của bạn đọc. Tôi lưu giữ hai cuốn nhật ký từ dịp đó và đọc lại rất nhiều lần, nhớ nhiều trang viết và nhớ những vần thơ đầy cảm xúc tuổi hai mươi…

Đăng Trường
.
.
.