Cuộc phiêu lưu của những đam mê với... quá khứ

Thứ Ba, 17/01/2023, 10:05

Có những món nợ mà chẳng phải là nợ nhưng nó vẫn tồn tại dai dẳng, thường trực, bòn rút tâm lực của một kiếp người. Đó là món nợ khởi nguồn từ niềm đam mê tìm kiếm, sưu tầm hiện vật của các sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên nhằm mục đích lưu giữ, bảo tồn văn hóa. Người lao mình vào cuộc phiêu lưu đó là Nguyễn Quốc Dũng (SN 1977, ngụ đường Nguyên Tử Lực, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

“Phiêu” theo hiện vật Tây Nguyên

Tôi đã phải hoãn cuộc trò chuyện, hẹn vào một dịp khác để gã tức tốc “đi cơ sở” ngay. Một người bạn vừa báo cho gã biết mới sưu tầm được vài hiện vật. Đó là những dụng cụ chuyên dùng để đánh bắt cá của đồng bào Châu Mạ, được làm bằng chất liệu tre nứa và sợi mây rừng già. Tuổi đời của các hiện vật trên dưới 50 năm nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn.

Cứ thế, suốt 20 năm qua, bạn tôi không quản ngại sức khỏe, tiền bạc, gã rong ruổi khắp buôn gần, bản xa để tìm kiếm, sưu tầm bất cứ hiện vật gì, miễn là có liên quan tới đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Dũng nói, một phần hạnh phúc của gã hôm nay được xây dựng trên sự đau khổ tột cùng của niềm đam mê tìm kiếm, sưu tầm các hiện vật.

cuoc-choi-van-hoa-1.jpg -0
Anh Nguyễn Quốc Dũng bên bộ sưu tập về hiện vật các sắc tộc ở Tây Nguyên.

Gã lao vào cuộc chơi văn hóa như một con thiêu thân. Lúc nào cũng thấy mình là kẻ thiếu thốn, đang mắc nợ với vùng đất này, bà con nơi đây. Cuộc chơi đầy tốn kém của kẻ si mê trở nên điên dại. Chơi cạn tiền, lâm vào nợ nần, bạn bán luôn cả rẫy cà phê đang cho thu hoạch ở huyện Đam Rông lấy tiền chơi tiếp. Bây giờ, còn mảnh đất “cắm dùi”, nếu không vì vợ con, không chừng gã cũng đã gọi người bán đứt. Mảnh đất này bạn không được phép bán nhưng sổ đỏ thì gã thường trực bỏ trong ngân hàng. Bao nhiêu tiền bạc chắt chiu được, Dũng ném vào cuộc sưu tầm phiêu lưu không toan tính.

Gã nói, sự giàu có, no đủ hôm nay khiến con người dễ rơi vào trạng thái lãng quên quá khứ cơ hàn. Khi nhìn thấy những hiện vật gắn liền với đời sống khốn khó một thời của bà con ở Tây Nguyên bị thời gian ruồng bỏ, con người quay lưng, gã bồn chồn tiếc nuối như vừa đánh mất hiện vật quý. Bây giờ, Nguyễn Quốc Dũng, một tay nông dân chính hiệu, nay kiêm thêm công việc của một nhà sưu tầm, nghiên cứu hiện vật có trách nhiệm.  

Đưa tôi vào phòng trưng bày khoảng 5.000 hiện vật mà Nguyễn Quốc Dũng đã lao lực sưu tầm suốt 20 năm qua, gã bắt đầu từ tốn cắt nghĩa về các hiện vật. Cách Dũng dẫn dắt câu chuyện khi nói về các hiện vật cũng chân chất như bản tính thật thà của gã, vẫn còn đó hơi hướng của một chàng nông dân tài tử. Gã có thể say sưa nói cả ngày về các hiện vật, từ xuất xứ ra đời, công dụng, sự khác biệt giữa các dân tộc khi sử dụng… trong bộ sưu tập hàng nghìn hiện vật đó.

Các sắc tộc ở Tây Nguyên vốn theo chế độ mẫu hệ và tín ngưỡng đa thần. Từ quan niệm vạn vật hữu linh, bà con nơi đây đã nâng tầm, làm nên giá trị đích thực của các loại hiện vật. Họ quan niệm, mọi thứ đều là những thực thể sống, có linh hồn và cảm xúc. Con người tạo ra nông cụ để sản xuất, săn bắt và thực hiện các nghi thức tín ngưỡng cộng đồng. Các dụng cụ, hiện vật có sức sống, trường tồn với thời gian là nhờ vào sự che chở, sáng tạo, chắt lọc qua hàng nghìn năm của con người nơi đây. Từ quan điểm đó, các sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên nhận thấy cần thiết phải đối xử bình đẳng với mọi vật. Những vật dụng gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần hằng ngày trở thành biểu tượng văn hóa sinh động trên miền đất này.

Thiêng liêng ché mẹ bồng con

Trong khoảng 5.000 hiện vật của bà con đồng bào dân tộc thiểu số mà Nguyễn Quốc Dũng đang lưu giữ, quý giá nhất là những đồ vật trong gia đình được làm từ gốm sứ. Những hiện vật này là điều kiện cốt lõi để đánh giá mức độ giàu có, quyền uy của một gia đình đối với họ hàng, dòng tộc. Điều thú vị là đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên không phải là những chủ nhân sáng tạo ra đồ gốm sứ, kim khí. Dù vậy, họ lại là những người đặt hàng, lên ý tưởng cho sản phẩm, sử dụng, lưu giữ và truyền sức sống mãnh liệt, linh thiêng vào những vật dụng đó.

Đối với hiện vật bằng gốm sứ, bà con quan niệm quý báu nhất vẫn là loại ché “mẹ bồng con”. Đây là vật dụng mang tính biểu tượng thiêng liêng của tình mẫu tử, tôn vinh chế độ mẫu hệ toàn quyền đã tồn tại song hành với sự xuất hiện của các sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Khi nhận được tin có một chiếc ché này ở Gia Lai, Nguyễn Quốc Dũng bỏ dở công việc, vội vã “gom tiền” rồi lên đường ngay trong đêm. Sự sốt sắng của gã đã được đền đáp xứng đáng khi chiếc ché quý trên được chủ nhân là người Bana lưu giữ qua nhiều đời nhượng lại quyền sử dụng.

cuoc-choi-van-hoa--4.jpg -0
Khoảng 5.000 hiện vật gắn liền với đời sống của bà con các dân tộc ở Tây Nguyên đã được anh Nguyễn Quốc Dũng sưu tầm.

Trong quá khứ, loại ché đặc biệt này được một số gia đình giàu có ở Tây Nguyên đặt hàng chủ các lò gốm ở vùng đồng bằng sản xuất. Ché thường “bồng” từ một tới bốn con. Số con trên ché càng nhiều càng thể hiện được sự giàu có, sung túc và quyền uy của gia chủ. Với bà con nơi đây, ché mẹ bồng con mang rất nhiều biểu tượng. Nó trông giống như một người mẹ lam lũ địu con trên đôi vai gầy khi đang nhấp nhô trên rẫy trỉa bắp, gùi lúa. Có khi trông lại giống như người mẹ hốt hoảng địu con băng qua mưa nguồn, suối lũ, để tìm về chốn bình yên. Mẹ che chở cho những sinh linh bé nhỏ vừa chào đời để duy trì sức sống, sự trường tồn mãnh liệt của giống nòi, dòng tộc… Loại ché này không nhiều và thường chỉ có ở những gia đình quyền thế, đức cao vọng trọng, được gọi là ché Tuk.

Thời bấy giờ, các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên không sử dụng tiền để mua bán các loại hàng hóa mà sử dụng lương thực, gia súc có giá trị tương đương để trao đổi. Thông thường, các loại ché được người dân miền đồng bằng hoặc từ nước bạn Lào đem sang Tây Nguyên đổi cho bà con để lấy trâu. Muốn sở hữu một chiếc ché mẹ bồng con, bà con nơi đây phải bỏ ra ít nhất bốn năm con trâu mộng. Dĩ nhiên, theo phong tục của bà con, ché quý chỉ được sử dụng làm rượu ghè một năm vài lần để cúng Yàng (trời) và các vị thần nhằm cầu an cho gia đình, dòng tộc. Khi kết thúc nghi thức trên, ché Tuk được gia chủ đem cất ở một nơi kín đáo, trang trọng. Loại ché quý này không được dùng cúng ma chay hay lễ bỏ mả, cũng không được đem chia cho người đã chết theo nghi thức tín ngưỡng truyền thống. Sự linh thiêng của ché mẹ bồng con chỉ dành cho những người còn sống và thực hiện các nghi thức trọng thể của gia đình, cộng đồng và sắc tộc.

Mải mê “phiêu” theo những hiện vật của các sắc tộc ở Tây Nguyên, Nguyễn Quốc Dũng như một kẻ bị “đời hành”. Từ ngày dấn thân vào cuộc phiêu lưu quen thuộc của người chơi văn hóa, gã lao tâm khổ tứ thấy rõ. Gã nói, dung hòa được mối quan hệ giữa hiện vật và các thành viên trong gia đình là một sự kiên trì dai dẳng. Với những người có thú chơi khác biệt, tốn kém như anh, đến nay vẫn giữ được lửa đam mê sưu tầm hiện vật và vợ con song hành là một thành công ngoài mong đợi. Nhưng tôi biết rất rõ, Nguyễn Quốc Dũng có lý do chính đáng để thả sức lao lực với cuộc chơi này. Ở anh, không chỉ là niềm đam mê tìm kiếm, sưu tầm các hiện vật, mà lớn hơn thế là lưu giữ lại cho đời và thế hệ sau những bộ sưu tập để xem, để hiểu mà trân quý về đời sống, không gian văn hóa và tín ngưỡng đa thần của các sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên, vốn đang bị mai một thấy rõ theo thời gian.

Nguyễn Quốc Dũng “tự hành” đời gã chưa đủ, gã còn rỉ tai tôi, nói đang hướng cho hai cô con gái theo nghiệp của cha, vì gã nghĩ sẽ tới lúc kiệt sức và dừng bước ở cuộc phiêu lưu này.

Khắc Lịch
.
.
.