Xuất khẩu… “hồn quê” qua tranh vẽ bằng hạt gạo

Chủ Nhật, 08/01/2017, 08:10
Chỉ trong hai năm, người phụ nữ 34 tuổi với xuất phát điểm hội họa con số 0, đã vẽ trên 500 bức tranh độc đáo bằng hạt gạo, xuất khẩu… “hồn quê” của quê hương đất nước mình ra bạn bè khắp năm châu.

Chị là Nguyễn Khoa Kiều, ở 12 Trần Phú, thị trấn Hải Lăng, Quảng Trị.  Sau khi tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh Đại học Kinh tế Đà Nẵng, chị Kiều làm việc ở một số cơ quan, đơn vị khác nhau ở Đà Nẵng và Hải Lăng.

Tuy nhiên, chị cảm thấy những công việc đó ít phù hợp với mình. Hơn nữa, chồng chị công tác ở xa, nhà neo người, hai con nhỏ cần có bàn tay chăm sóc của mẹ. Vì vậy, chị quyết định xin nghỉ việc, ở nhà chăm con.

Chị tâm sự: Những việc nhà không tên nhưng lúc nào cũng liền tay tiền chân. Vậy mà những lúc nghỉ ngơi ít ỏi, em lại muốn có việc gì đó để làm, để phụ giúp thêm chồng kinh phí trang trải gia đình, nữa là giúp mình thư giãn, thỏa mãn với công việc mình yêu thích.

Việc mà chị vốn đã ấp ủ, ước mơ thực hiện bấy lâu nay là vẽ tranh nhưng vẽ bằng… hạt gạo. Đam mê là vậy nhưng khi bắt tay vào làm, chị gặp vô vàn khó khăn, bởi kiến thức, khả năng hội họa của chị chỉ là con số 0!

Chị Kiều đang chuyển tải hồn quê Việt vào tranh gạo.

Chị vừa tìm hiểu qua sách, báo, internet, vừa thực hành; sau mỗi lần vẽ không thành là một lần rút kinh nghiệm sâu sắc, dần dần tranh vẽ của chị cũng dễ nhìn nhưng không đủ đẹp để có thể tặng, bán cho người khác. Không bỏ cuộc, chị tìm đến những cơ sở sản xuất tranh gạo trong và ngoài tỉnh để tham quan, học hỏi.

Sau những lần đó, chị vẫn cảm thấy chưa đủ, nên tiếp tục tìm đến những người làm tranh bằng đá quý, sơn dầu để học tập, vận dụng linh hoạt vào làm tranh gạo. Khi cảm thấy mình đã có số vốn liếng kha khá về kiến thức làm tranh, chị trở lại với việc làm, khát vọng ban đầu, là vẽ bằng được những bức tranh bằng chính hạt gạo đồng đất quê hương.

Vào khoảng thời gian đó, cứ một tuần một lần, từ tờ mờ sáng, bà con buôn bán ở chợ Kẻ Diên (Hải Lăng) đã thấy chị Kiều có mặt, tìm mua gạo quê nhà mang về để làm tranh. Và bao giờ cũng vậy, sau khi đổ gạo vào chảo, bàn tay chị thật khéo léo, khuấy đều chúng chuyển từ màu trắng sữa sang nhiều màu sắc khác nhau nhưng không bị cháy. Xong, chị lựa chọn những hạt gạo săn chắc, có màu sắc phù hợp theo yêu cầu của bức tranh mà chị đã vẽ trước đó. Tiếp theo là đổ keo dính xuống bức tranh này và lấy nhíp nhỏ gắp từng hạt gạo, sắp xếp theo hình vẽ trên bức tranh đó.

Chị bồi hồi nhớ lại: “Cách đây 2 năm, sau hơn một tuần lễ miệt mài làm việc với không ít lần thất bại, em mới hoàn thành được bức tranh đầu tiên có chủ đề chữ Tâm. Tuy bức tranh không được xuất sắc, song em cảm thấy rất vui vì mình đã bắt đầu làm quen được với công việc mà mình rất đỗi yêu thích này”.

Chị vừa bộc bạch vừa đem tiếp những bức tranh làm được ra cho tôi xem. Nhìn vào chúng thấy toát lên, chứa đựng biết bao tình cảm chân quê mộc mạc, chân tình mà sâu lắng. Những bức tranh gạo của chị đã gom đủ, lột tả đủ cuộc sống thường nhật của những con người nông dân chất phác, của cuộc sống nơi những miền quê bình yên với lũy tre, bờ cây, ruộng lúa…

Hai năm qua, chị đã miệt mài vẽ và làm nên trên 500 bức tranh gạo, trong đó đã có không dưới 100 bức được chị xuất khẩu ra các nước như Mỹ, Nhật, Australia, Canada, Đài Loan, Pháp, Nga… do khách du lịch ở những nước trên khi ghé thăm cơ sở sản xuất tranh gạo của chị đã mua hoặc đặt mua.

Phan Thanh Bình
.
.
.