Vụ livestream phim “Cô Ba Sài Gòn”: Xử nghiêm để… giáo dục ý thức về bản quyền
Theo luật sư Vũ Ngọc Chi, Công ty Luật Tam Anh, việc khán giả T. mua vé vào rạp xem phim “Cô Ba Sài Gòn” mà còn livestream rõ ràng là hành vi vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, xử lý hành vi này như thế nào thì phải dựa trên hồ sơ cụ thể của cơ quan điều tra.
Qua các kênh thông tin về vụ việc trên các phương tiện truyền thông những ngày qua thì có thể đặt ra nhiều tình huống. Nếu đây là hành vi có chủ đích, đặc biệt là chủ đích của công ty đối thủ nhằm gây thiệt hại cho nhà sản xuất, xác định mức thiệt hại nghiêm trọng thì không ngoại trừ khả năng T. bị xử lý hình sự. Trong trường hợp người thực hiện hành vi này một cách tự phát thì có thể sẽ bị xử hành chính.
Tùy theo mức thiệt hại và thái độ vi phạm là vô tình hay cố ý mà cơ quan quản lý có các mức xử phạt khác nhau với đối tượng vi phạm. Nếu người vi phạm phát toàn bộ bộ phim, cố tình thực hiện hành vi khi đã được cảnh báo thì mức độ xử lý nặng hơn. Nếu người vi phạm mới dừng ở hành vi vô tình, mới phán tán một đoạn ngắn thì mức độ xử phạt nhẹ, có thể mang tính cảnh cáo là chính.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nhiêm, Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam thì hành vi nói trên cần phải xử lý thật nghiêm. Việc thực hiện xử phạt không đơn thuần là phạt cho xong mà cần công bố rộng rãi để từ vụ việc này mà giáo dục ý thức bản quyền trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Cảnh trong phim “Cô Ba Sài Gòn” – tác phẩm bị khán giả livestream khi vừa phát hành gây bức xúc nhiều ngày gần đây. |
Ông Nhiêm cũng cho hay, ông vừa là người phụ trách công tác Hội, vừa trực tiếp điều hành hoạt động sản xuất phim của công ty riêng nhiều năm nay nên ông biết rất rõ, rất nhiều phim bị mất bản quyền vì sự thiếu ý thức của người xem.
Lâu nay, chúng ta cứ nghĩ bản quyền là chuyện ở tận đâu, không liên quan nhưng không chịu hiểu, bản quyền tác phẩm điện ảnh với nhà sản xuất, có thể hiểu như bạn sở hữu một tài sản nào đó mà bị hàng xóm hay bất kỳ ai đi qua mang về sử dụng hoặc mang cho người khác sử dụng. Phải đặt bản thân vào vị trí của nhà sản xuất thì mới hiểu họ đã bức xúc đến như thế nào?
Cũng theo ông Nhiêm, để sản xuất một bộ phim vô cùng tốn kém và đòi hỏi nhiều tâm sức của cả một ê kip trong một thời gian dài. Người làm điện ảnh Việt đang đối diện với quá nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do mất bản quyền. Nếu nhiều năm trước, công nghệ chưa hiện đại, người làm phim đã lao đao vì tác phẩm vừa công chiếu đã bị sao chép bán ngoài thị trường, thì vài năm nay, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể phát tán ra ngoài cộng đồng. Nguy cơ thiệt hại nặng nề do tác phẩm bị phát tán trái phép càng cao.
Khi phim đã được phán tán ra ngoài, dù với chất lượng xấu hay tốt, khán giả biết hết nội dung câu chuyện, những điểm đặc sắc nhất rồi thì khó còn động cơ mua vé vào rạp. Nhà sản xuất thất thu, nhưng nhìn rộng ra, đây không chỉ là thiệt hại của riêng nhà sản xuất mà còn là thiệt hại cho uy tín chung của người làm phát hành, rộng hơn nữa là việc mất uy tín của đất nước với thế giới.
Không có đất nước nào, cộng đồng nào, nhà sản xuất nào yên tâm tin cậy hợp tác và giao tác phẩm cho một đối tác không bảo vệ được bản quyền cho họ. Nguy cơ này không phải chỉ xảy ra với riêng với điện ảnh mà với tất cả các lĩnh vực khác của văn hóa nghệ thuật. Nếu kéo dài, hành vi vi phạm bản quyền không bị xử lý kịp thời sẽ cản trở hoạt động phát triển văn hóa, nghệ thuật, kể cả kinh tế của đất nước, khiến người làm nghề nhụt chí, không dám mạnh dạn sáng tạo, đầu tư lớn cho tác phẩm của mình.
Thực tế, việc phim Việt vừa ra rạp đã bị phát tán trái phép xảy ra nhiều năm nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý nghiêm và đủ sức răn đe. Năm 2014, nghệ sĩ ưu tú Chánh Tín, từng đau xót khi “Dòng máu anh hùng” – một trong số các phim truyện điện ảnh do ông đầu tư sản xuất, được khán giả yêu thích nhưng bị các trang mạng “hồn nhiên” phát miễn phí cho công chúng. Hậu quả là phim thua lỗ nặng khiến nhà sản xuất lao đao.
Một số phim nổi tiếng khác như “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Em chưa 18”… cũng từng phát hiện bị phát tán trên mạng ngay khi mới phát hành. Tuy nhiên, cách xử lý được lựa chọn hầu hết là cảnh cáo, yêu cầu gỡ xuống… Thậm chí, sau trường hợp livestream phim “Cô Ba Sài Gòn” vừa qua, trên nhiều diễn đàn, không ít khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ vẫn chia sẻ rằng họ không hề biết việc livestream một tác phẩm, một đoạn nào đó của tác phẩm, chương trình mà họ đi xem để chia sẻ với bạn bè lại là hành vi vi phạm bản quyền. Ngay nhà sản xuất phim, diễn viên, đạo diễn Ngô Thanh Vân cũng khá thận trọng khi bày tỏ băn khoăn trong việc nên xử lý như thế nào cho hợp tình hợp lý với đối tượng vi phạm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nhiêm cho rằng, cứ phải xử lý thật nghiêm trước. Theo ông Nghiêm, pháp luật hiện nay đã cho phép mức xử phạt hành chính đối với vi phạm bản quyền đã lên đến 500 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ với một cá nhân. Nếu áp dụng mức phạt không cao, hoặc nhân đạo nhưng nghiêm khắc hơn nữa là buộc người vi phạm lao động công ích để họ thấu hiểu người khác đã phải lao động vất vả như thế nào mới có được thành quả xứng đáng. Kết quả xử phạt phải được công bố rộng rãi để nhiều người khác nhìn vào mà tự học hỏi, rút kinh nghiệm, tránh tình trạng đã vi phạm rồi mới than không hiểu biết.